Rùng mình chè bẩn! (trà)
Thứ Sáu, 15/07/2011 00:20
Tại những vùng nguyên liệu chè chủ lực và có thương hiệu nhất ở vùng trung du và miền núi phía Bắc đang xảy ra một hiện tượng bất thường khi người sản xuất chè đưa những chất phụ gia cực độc vào sản phẩm
Một cơ sở chế biến tại huyện Hàm Yên pha trộn chè thường và chè độc để bán cho thương lái
Hiện tượng trộn phân lân, NPK, bột đá, bùn, chất thải… vào chè đang diễn ra rất phổ biến ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Văn Chấn (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên)…
“Phong trào” sản xuất chè bẩn đang lan rộng với tốc độ khủng khiếp và khó hiểu ở chỗ loại chè “không thể uống” này được bao tiêu toàn bộ.
Trộn cả phân bón và… chất thải
Trong vai một người đi học tập kinh nghiệm “chế biến chè công thức mới”, chúng tôi có mặt ở xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên - Tuyên Quang), nơi chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là phương tiện làm giàu. Dọc hai bên đường từ TP Tuyên Quang lên thị trấn Hàm Yên, người dân nườm nượp phơi chè sau công đoạn sao, sấy.
Nhà nào làm chè là nhà ấy để một bao tải phân lân, NPK cạnh chiếc máy vò chè. Chị N.T.N thản nhiên nói với chúng tôi: “Khi vò mỗi mẻ chè cho vào nửa cân phân lân thì cho ra sản phẩm trông đẹp hơn”.
Ngoài phân lân, người ta còn cho bùn, bột đá, thậm chí mùn quặng vào chè như ở Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Chung, chủ một doanh nghiệp thu mua chè, còn bật mí: “Một số gia đình cho cả chất thải của nhà máy mì chính vào”.
Anh Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Anh, bức xúc: “Năm 2007 có vấn nạn “chè vàng” khi các hộ gia đình làm chè thi nhau trộn bùn vào để chè trông vàng hơn, cân nặng hơn nhưng bây giờ thì có cái gì cho được vào là họ cho tất, kể cả những chất thải, chất độc”.
Đến nhà anh L.V.K, chúng tôi được mục sở thị công thức chế biến chè bẩn nhưng siêu lợi nhuận này. Thông thường, 100 kg chè tươi chỉ cho ra được 18-19 kg chè khô thành phẩm nhưng với cách trộn phân lân cùng ximăng vào thì chỉ cần 25 kg chè tươi là đã có 19 kg chè khô thành phẩm.
Cách chế biến chè không giật mình bằng việc chứng kiến những cốc chè được pha ra từ loại chè bẩn này. Chè bẩn có mùi tanh ngai ngái và cho ra thứ nước màu đen như nước cống khi pha với nước sôi.
Vòng qua Trung Quốc, lại về Việt Nam?
Nhiều hộ gia đình ở Hàm Yên khẳng định: “Chè này không uống được, chỉ xuất đi thôi”. Tuy nhiên, nhà nào nhà nấy vẫn sản xuất hết năng lực.
Bà Nguyễn Thị Chung giải thích: “Chúng tôi cũng không muốn nhập những loại chè này vì biết là độc hại nhưng đơn đặt hàng ngày một nhiều mà không thu mua thì lấy đâu ra mà bán”.
Có doanh nghiệp sợ chè bẩn đã trộn lại theo công thức 1:1, nghĩa là một phần chè sạch kèm một phần chè bẩn để tránh bị phát hiện.
Theo số liệu của Sở NN-PTNN tỉnh Tuyên Quang, địa phương này có 3 doanh nghiệp chè lớn thuộc UBND tỉnh là Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm. Tuy nhiên, sản lượng của 3 doanh nghiệp này chỉ khoảng 5.000 tấn/năm, trong khi sản lượng chè trong dân cư lên tới 12.433 tấn/năm.
Lượng chè trong dân chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc hoặc được một số doanh nghiệp tại Hà Nội thu mua, sau đó xuất qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Khẩu (Lào Cai).
Những người có thâm niên trong ngành chè cho rằng chè sang đến Trung Quốc trước sau gì cũng quay ngược trở lại thị trường Việt Nam bởi sau khi nhập chè về, doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tinh chế để cho ra các loại chè thành phẩm khác nhau, thậm chí là chè “đặc sản” rất đắt tiền.
Ông Hoàng Công Chính, Trưởng Phòng Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Tuyển Quang, nói: “Thương lái mua gom với số lượng rất lớn nhưng con số cụ thể thì không ai có thể nắm được bởi chè xuất theo đường tiểu ngạch tỏa đi theo nhiều hướng khác nhau”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Tuyên Quang, cho rằng hiện chưa thể khẳng định được đầu mối mua gom chè có phải là thương lái Trung Quốc hay không, dù trong dân xuất hiện những thông tin về việc thương lái Trung Quốc đang thu mua với số lượng cực lớn.
“Đầu độc” thương hiệu chè
Trong khi đường đi của chè bẩn còn chưa rõ ràng thì chính những người sản xuất loại chè này cũng chưa ý thức hết tác hại của những sản phẩm cực độc mà họ làm ra.
Ông Nguyễn Thọ Lai thông báo: “Sở NN-PTNT đã cho người xuống cơ sở điều tra và khẳng định hiện tượng cho các chất bẩn vào chè là có thật. Hiện tại, chúng tôi đã lấy mẫu về để kiểm tra”.
Chè bẩn lên ngôi cũng là lúc các DNTN nhỏ và vừa đầu tư nhà xưởng sản xuất chè lâm vào tình cảnh điêu đứng vì không có nguyên liệu để duy trì hoạt động.
Gần chục xưởng sản xuất chè ở huyện Hàm Yên đã phải đóng cửa từ đầu vụ đến nay bởi thương lái mua nguyên liệu ngay từ khi người dân trồng chè vừa hái xong.
Anh Nguyễn Viết Toàn ngán ngẩm: “Cơ sở của chúng tôi sản xuất được tới 50 tấn/ngày nhưng từ đầu vụ đến giờ mới làm được có 10 tấn”.
Giám đốc Công ty Phú Đức đã phải cho thuê lại nhà xưởng và đi làm thuê cho những người sản xuất chè bẩn đang thuê lại mặt bằng nhà xưởng của chính anh.
“Nhiều người làm chè trộn bùn hồi năm 2007 đã bị phá sản vì thương lái đột ngột dừng thu mua. Đợt chè bẩn này kéo dài nên hậu quả chắc chắn cũng lớn hơn” - vị giám đốc này lo lắng.
Ông Nguyễn Thọ Lai cho biết: “Thương hiệu chè của Tuyên Quang nói riêng và nhiều tỉnh khác đang bị đầu độc trầm trọng. Nguy hại hơn là nếu những loại chè bẩn đi vào thị trường sẽ gây tác hại cực kỳ ghê gớm đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Hiệp hội Chè như “ngồi trên lửa”
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết hiệp hội vừa có chuyến khảo sát 4 vùng nguyên liệu chè lớn nhất của cả nước và phát hiện chè bẩn đang lây lan với tốc độ cực nhanh. “Có cảm giác như ai đó đến hướng dẫn người dân làm ra thứ chè bẩn này”- ông Tuân nhận xét.
Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đang thu thập dữ liệu và bằng chứng về chè bẩn để các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo thông báo tình hình tới các cơ quan ngôn luận về vấn đề chất lượng sản phẩm chè Việt Nam và những hiện tượng lạ thời gian qua” - ông Tuân cho biết.
Bài và ảnh: Mạnh Duy
Ý kiến:
Nền kinh tế của nước mình bị phá hoại theo kiểu đó lâu rồi. Họ tung tiền ra mua những sản phẩm độc hại, dân mình ham lợi cứ sản xuất theo họ, rồi chính sản phẩm đó làm chết thương hiệu của hàng hóa nước mình và đầu độc người dân mình. Chưa hết, khi họ ngưng thu mua, thì mình ứ hàng, phá sản. Một mũi tên bắn được 3 mục tiêu.
Tại sao ý thức của chúng ta kém cỏi đến thế, cứ chỗ nào thấy tiền là nhào vô? Sự quản lý của các hiệp hội, của nhà nước cũng vô cùng lỏng lẻo, để mặc cho người dân tự bơi trong nền kinh tế thị trường, không hề có định hướg. Bao nhiêu quan chức, kỹ sư, giám đốc doanh nghiệp mải mê buôn lậu, chơi bời, chẳng lo gì đến đầu vào đầu ra sản phẩm. Người nông dân ít học dĩ nhiên là ít nhận thức, trách họ chỉ một phần, mà trách những kẻ có học vị, có chức quyền đến 10 phần, vì lẽ ra họ phải có nhận thức cao, trách nhiệm cao, đằng này họ chỉ lo vinh thân phì gia, bỏ mặc người nông dân và người tiêu dùng.
Tất cả những loại bằng cấp và chức vụ ấy không làm nên hai chữ "trí thức". Xem ra họ còn mê muội nặng hơn người bình dân. (D.Kim)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét