Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO



TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

ANH VŨ (đã đăng báo Thời Nay)

Trong thời buổi kịch thị trường tràn ngập như hiện nay, sự xuất hiện của một vở kịch chính luận với hình ảnh người lính như Tội ác quyền lực quả là “của hiếm”. Đặc biệt nhất là những người lính đó lại khiến khán giả cảm động bởi lối diễn xuất của ê-kíp diễn viên sân khấu Kịch Sài Gòn, không lên gân giáo điều mà rất mềm mại, rất “tình”.

Giữa những đối thoại, những xung đột gay gắt xuyên suốt vở kịch nhằm lột tả thực trạng tiêu cực của xã hội, khi những con sâu như ông Tiến chủ tịch huyện, như cô Ngần chánh văn phòng đang đục khoét xương máu của nhân dân, làm hoen ố danh dự của tổ chức Đảng, thì nơi đảo xa, nổi bật lên những con người lặng lẽ giữ gìn chủ quyền đất nước, bằng tất cả tình yêu nước và trái tim bừng cháy lửa thanh xuân. Một đảo trưởng Hà cương nghị nhưng cũng đầy nhân hậu, bao dung đã mở rộng vòng tay đón nhận và khích lệ Thái vượt qua những cơn nghiện dai dẳng, đứng dậy làm người có ích. Với chất giọng mạnh mẽ, vang dội như những cơn sóng, cùng với ngoại hình cao to, Cao Thanh Danh đã thể hiện rất thành công vai diễn đảo trưởng Hà, một hình ảnh người lính rất điển hình với những phẩm chất cao đẹp từng là thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên.

Khán giả lại bắt gặp một khía cạnh khác của người lính đảo qua nhân vật Nam, chàng trai trẻ vụng về, bồng bột, “thẳng như ruột ngựa” nhưng cũng rất hài hước, lãng mạn. Nam thẳng thắn phản đối Thái nhập ngũ khi biết Thái là một con nghiện nhưng sau đó lại vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu sống đồng đội. Qua diễn xuất của Anh Đức, với những câu thoại đầy dí dỏm, những cuộc thi ca hát, thi Nam hậu… khán giả thấy được nét mộc mạc, dung dị và “nghệ sĩ” của người lính đảo, biết tìm thấy cái đẹp ngay trong gian khó, trẻ trung và rất dễ thương.

Chính những người lính ấy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, họ còn truyền cho mọi người xung quanh, cho thế hệ đàn em ngọn lửa lý tưởng. Một số thanh niên như Hoa, như Phượng tình nguyện ra đảo nhiều lúc chỉ vì để tìm một hoàn cảnh mới, công việc mới, hay để rời xa chuyện buồn, rời xa quá khứ. Nhưng rồi nơi đây, tình đồng đội và lý tưởng đã gắn kết họ với nhau, vượt lên những mong muốn tầm thường của cuộc đời để cùng cống hiến sức trẻ. Trong mênh mang trời nước, trong mưa dập gió vùi, cái đẹp của người lính đảo xù xì thô ráp nhưng rạng rỡ và ấm áp tình người.

Thêm một chút rất “đời”, người lính đảo cũng có tình yêu, cũng bị phụ bạc, cũng cay đắng, chờ mong, níu kéo…Thậm chí một chút băn khoăn liệu mình có nên bỏ tất cả để trở về đất liền tìm cuộc sống vật chất hòng giành lấy tình yêu? Nhưng rồi những thoáng đó qua đi, đọng lại vẫn là một cuộc sống trong trẻo của biển khơi với một tình yêu mới chờ đón những trái tim chân thành.

Vở kịch có một cái kết mở, những kẻ sâu dân mọt nước vẫn tiếp tục thăng tiến trên con đường làm quan của mình, cũng như hiện trạng xã hội vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng họ đã đánh mất hạnh phúc gia đình, đánh mất sự tôn trọng của nhân dân. Ngược lại, hình ảnh người lính thì khắc vào lòng khán giả một cái gì dịu dàng, ấm áp và tin cậy. Biển đảo đang là vấn đề thời sự, và vở kịch quả là một tác phẩm rất đáng được diễn phục vụ trong các trường phổ thông và đại học. Lớp trẻ đang cần những hình tượng đẹp như thế.

ảnh 1: Mạnh Tràng (vai ông Chúc), Cao Thanh Danh (vai đảo trưởng Hà) trong vở Tội ác quyền lực (ảnh: H.K)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét