Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

DANH TÁC THÀNH TRUYỆN TRANH



DANH TÁC THÀNH TRUYỆN TRANH

HOÀNG KIM – ANH VŨ (đã đăng báo Thanh Niên)

Mấy năm nay, những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới đã hiện diện trên quầy sách dưới một hình thức mới - truyện tranh. Hình thức này đang chứng tỏ sức hấp dẫn của mình với độc giả trẻ.
Tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng đã biến thành 6 cuốn truyện tranh đầy hình vẽ sinh động và kịch tính. Cùng với Chí Phèo, Tắt đèn, Chiếc lược ngà, là thành quả lao động từ năm 2009 đến nay của nhóm họa sĩ trẻ B.R.O (Hoàng Anh Tuấn, Phạm Kiều Oanh, Nguyễn Nhật Nguyên) thuộc công ty Phan Thị. Những khung hình thể hiện nội tâm nhân vật cho thấy các bạn đã có sự đầu tư tìm hiểu rất kỹ tác phẩm văn học và chăm chút tỉ mỉ cho tạo hình nhân vật của mình. Nét vẽ mạnh mẽ, chín chắn nhưng không khô khan, thỉnh thoảng chen vào những đoạn phá cách, hài hước làm nhẹ bớt không khí bi kịch ở nguyên tác. Đặc biệt là cách chuyển cảnh, phân đoạn và dẫn dắt câu chuyện đậm chất điện ảnh, một yếu tố quan trọng làm nên sức thu hút của bộ truyện.

Quả thật, trong hội chợ sách tháng 3-2012, bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam được độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Tắt đèn đã lấy đi không ít nước mắt của các bạn. Có nhiều bạn gọi điện nói phải tìm xem nguyên tác văn học mới được. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ: "Tôi rất thích bộ truyện tranh Chiếc lược ngà, các bạn họa sĩ đã cảm xúc và thể hiện thành công qua nét vẽ”. Dự án đang đi đúng hướng, góp phần làm phong phú thị trường truyện tranh Việt Nam, giảm thiểu tình trạng viết văn “thảm họa” trong học đường và vực dậy tình yêu văn học ở giới trẻ.

Bên cạnh những phản hồi ủng hộ, có một số ý kiến cho rằng bộ truyện tranh chưa thuần Việt đúng nghĩa, nét vẽ còn đậm chất Manga (truyện tranh Nhật Bản). Đây là một vấn đề khó tránh khỏi, ngay cả Manhwa (truyện tranh Hàn Quốc), Manhua (truyện tranh Trung Quốc) cũng ít nhiều bị ảnh hưởng của Manga. Tuy nhiên, nhóm cũng rất cố gắng tạo dấu ấn của riêng mình, yếu tố Việt Nam được lồng vào nhiều hơn, không lạm dụng phong cách Chibi (nhân vật tí hon, ngắn ngủn với đầu to, mắt to nhưng rất dễ thương) như một số truyện tranh khác. Rõ ràng, các bạn đã và đang lao động nghệ thuật nghiêm túc, hãy cho họ thêm thời gian.

Trước đó, nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã phát hành bộ truyện tranh Tuyển tập danh tác thế giới, mua bản quyền của Hàn Quốc: Hai vạn dặm dưới đáy biển, Đảo giấu vàng, Hoàng tử bé, Romeo & Juliet, Robinson Crusoe, Bá tước Monte Cristo… Nhìn chung ngôn ngữ khá chuẩn mực, không có ngôn ngữ mạng và những chi tiết bậy bạ, thô tục. Nhưng nét vẽ của các tác giả Hàn Quốc thường nghiêng về phong cách Shoujo (truyện tranh thiếu nữ) mềm mại, nữ tính, đôi khi làm các bậc phụ huynh không thích. Nhưng dẫu sao, những danh tác ấy cũng đến được với các em, còn hơn là một “khoảng trống”…

“Hiện nay các bạn trẻ không có nhiều thời gian, các hình thức giải trí lại rất nhiều và hấp dẫn, ít ai chịu đọc sách chữ như xưa nữa. Trong khi đó nước mình có nhiều tác phẩm hay, nếu để mai một theo thời gian thì uổng lắm! Hy vọng đây sẽ là cầu nối giữa các bạn trẻ và văn học” (chị Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét