Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

BỆNH


BỆNH

Mới đây, Nhà nước đã phát hiện nhiều loại thực phẩm có chứa chất DEHP rất nguy hiểm. Chẳng hạn si rô, rau câu, mì gói Hàn Quốc và Trung Quốc, nước ép trái cây, nước giải khát, bột dinh dưỡng, hạt trân châu, nước tăng lực…

DEHP là một hóa chất hữu cơ, viết tắt của diethylhexyl phtalat, là một chất lỏng khan, trong suốt, gần như không có màu, có mùi khó nhận biết, tan trong các loại dung môi hữu cơ thông thường (hầu như không tan trong nước).

DEHP được dùng trong thực phẩm thay thế dầu cọ vì là hóa chất công nghiệp rẻ tiền. Ngoài DEHP, nhiều hóa chất khác có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm các “dẫn chất phtalat” như: monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), monomethyl phtalat (MMP)... Các dẫn chất phtalat này thường được dùng làm chất hóa dẻo cho bao bì nhựa (chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, đồ chơi trẻ con bằng chất dẻo, nhựa...).

Trong quá trình sử dụng các sản phẩm nói trên, dẫn chất phtalat bị thôi ra (ngấm ra từ từ) và theo đường tiêu hóa vào cơ thể người. Tác hại của phtalat là làm xáo trộn nội tiết. Bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Bên cạnh đó, DEHP làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị “teo” lại. DEHP còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong tại chỗ.

Cho nên, chúng ta bớt sử dụng thực phẩm công nghiệp, thực phẩm làm sẵn, mà trở về với cách ăn uống truyền thống là an toàn nhất. Tự nấu nướng, tự làm bánh, đổ rau câu, uống các loại nước làm từ cây trái thiên nhiên như nước chanh, me, tắc, chanh dây, trà xanh… Có thể mất thời giờ một chút nhưng sau này đỡ mất thời giờ nằm bệnh, và cả chi phí để trị bệnh nữa.

Các bạn gái nên chú trọng công việc nội trợ, chú trọng bếp ăn gia đình, như thế là góp phần rất lớn cho hạnh phúc của chồng con. Các bạn nam cũng bớt chú trọng nhan sắc một chút, mà nên tìm người bạn gái nào tương đối đảm đang, vì đó sẽ là nguồn gốc của hạnh phúc, là tương lai an toàn của những đứa con. Đẹp để làm gì, làm ra tiền nhiều để làm gì nếu chúng ta bị những căn bệnh hành hạ, chỉ nhìn thấy những gương mặt nhăn nhó, đau đớn? “Sức khỏe là vàng”, câu này đúng 100%. Khi một người bị bệnh, cả nhà thay nhau chăm sóc, không làm ra tiền mà còn tốn tiền, không thấy nụ cười mà chỉ nghe tiếng than, tiếng khóc.

Dĩ nhiên, kiếp người vốn sanh lão bệnh tử, làm sao tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta sinh hoạt kỹ lưỡng hơn thì cũng giảm bớt bệnh tật. Bệnh có mấy nguyên do:

*Thứ nhất do “tứ đại bất hòa”. Đất nước gió lửa trong ta không hòa hợp, sinh ra bệnh. Thí dụ dầm mưa là tăng phần Thủy, hoặc ra nắng không đội nón, che chắn, là tăng phần Hỏa, ra nơi gió lạnh là tăng yếu tố Phong v.v…Sự xáo trộn này chúng ta có thể làm chủ được, cố gắng bảo vệ thân thể thì không bị bệnh, hoặc có bệnh thì cũng mau lành.

*Thứ hai, do “sinh hoạt rối loạn”. Thí dụ lao động quá sức, thức quá khuya, ăn uống quá độ, dùng những chất kích thích, những thực phẩm có hại. Nhất là những người ăn chơi trác táng, rượu chè gái gú, nhậu nhẹt sa đà, ham ăn những món lạ món độc… Thịt thú rừng hiện nay đang được ưa chuộng, nhưng báo chí đã theo dõi và viết phóng sự rằng, con thú bị săn chết được bỏ vào cái hố đào dưới đất, rồi rải lên một chất hóa học nào đó để giữ cho thịt tươi cả tháng trời. Khi thợ săn kết thúc chuyến đi săn của mình thì mới đào hố lấy thịt ra đem bán cho quán nhậu hoặc thương lái. Như vậy mới có lãi, chứ không lẽ mới săn được một con rồi băng rừng ra tuốt ngoài thị trấn hay quốc lộ mà bán, chi phí đi lại và công sức đã hết vèo tiền thu được từ con mồi.

Lao động là tốt, nhưng quá tham công tiếc việc, quá mê say sự nghiệp, công danh, hoặc ham kiếm tiền đến mức “nghiện tiền”, đều khiến thân thể suy kiệt. Có thể khi còn trẻ chúng ta chịu được sự quá tải, nhưng một thời gian sẽ mất sức nhanh chóng. Nên chăng từ tốn mà đi trên đường đời, chậm mà chắc còn hơn gãy gánh nửa đường.

*Thứ ba, bệnh do “nghiệp”. Có những bệnh mà y học dù tân tiến cách mấy cũng bó tay, hoặc các lương y nổi tiếng chũng chịu thua. Đó là bệnh nghiệp, do nhân quả từ kiếp trước, hoặc ngay trong kiếp này mà ra. Thí dụ, sát sanh nhiều thì bệnh càng nguy hiểm, càng khó trị, như ung thư, tai biến não, bại liệt, động kinh, hội chứng Down, gai cột sống… Sát sanh là cái nhân rõ nhất, mạnh nhất để đưa đến quả bệnh.

Vì vậy, trị những loại bệnh nan y này có khi phải dùng Phật pháp để giải nghiệp. Nhiều trường hợp mầu nhiệm đã được chùa Hoằng Pháp mời về trình bày và quay thành đĩa VDV phổ biến rộng rãi. Những bệnh nhân đó đã bị bác sĩ từ chối, chở về nhà, nhưng họ đã chuyên tâm ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú Đại Bi, bố thí, và bệnh đã thuyên giảm một cách lạ kỳ. Điều này đòi hỏi một niềm tin tuyệt đối vào Phật pháp, đòi hỏi nghị lực mạnh mẽ. Bởi thông thường khi người ta quá đau đớn thể xác thì khó mà tập trung nghĩ về việc gì nữa, hoặc làm được việc gì nữa. Phải cố gắng vượt lên chính mình, vượt lên nỗi đau mà tu hành được chút nào hay chút đó.

Thật sự, không phải ai cũng giải nghiệp được, mà tùy thuộc phước báu còn sót lại nhiều hay ít. Nếu nghiệp nặng quá, ta vẫn phải trả, phải đau, phải chết. Nhưng ta cũng nên vui lòng, vì ít ra những công phu tu hành ấy chẳng phải là vô ích, mà sẽ mang theo vào kiếp sau, hy vọng ta sẽ tái sanh thành người khỏe mạnh, trí tuệ hơn. Nếu nghiệp nhẹ, ta có thể hóa giải ngay trong kiếp này, sẽ hết bệnh, hoặc thuyên giảm một thời gian.

Sự chí thành tu tập của ta luôn được chư Phật và Bồ Tát gia hộ, chỉ sợ ta không đủ chí thành mà thôi. Có người tu mà còn “nghi”, chưa tin tưởng tuyệt đối vào Phật pháp, làm sao có kết quả. “Nghi” là một chướng ngại lớn, là một trong 10 căn bản phiền não mà Phật đã dạy (tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến). Có khi ta “nghi” mà ta không biết. Một chút xíu do dự cũng gọi là nghi. Thành ra, “linh nghiệm” hay không còn tùy sự chí thành và phước báu của ta.

Nói chung, đã là thân người thì chắc chắn có nghiệp và có bệnh. Chúng ta phải chủ động điều chỉnh sinh hoạt, điều chỉnh việc gieo nhân của mình để đừng gặt quả bệnh quá nặng. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng, có thân là có Thành- Trụ- Hoại- Không, luật vô thường làm sao tránh khỏi. Khi thân đã già tự nhiên sẽ suy kiệt, vì lục phủ ngũ tạng không còn sức hấp thu, chuyển hóa các chất nữa, mọi thứ tự nhiên đình đốn và bế tắc, tất sinh ra mệt mỏi, bệnh tật. Ngay cả Đức Phật khi thị hiện xuống cõi Ta Bà dưới hình thức thân người y như chúng ta, thì Ngài cũng phải chịu sự chi phối của luật vô thường, về già cũng suy kiệt, đau ốm và chết. Có thân là có bệnh và chết, không có gì ngạc nhiên và sợ hãi. Ta chấp nhận quy luật đó bằng con mắt trí tuệ của Phật pháp.

Nhưng dù sao, bệnh do quy luật vô thường thì không hối tiếc, còn do sát sanh, trác táng, coi thường tứ đại, xem ra đáng trách. Bởi chúng ta có được thân người đã là rất quý, lẽ ra nên trân trọng nó, thì lại hủy hoại. Biết kiếp sau có được thân người nữa chăng, hay như con rùa mù đi tìm bộng cây giữa đại dương? Khả năng đầu thai làm nhiều kiếp súc sanh là cao nhất, và có khi đến trăm năm, ngàn năm mới trở lại làm người. Cho nên, trị bệnh tâm cho mình mới là quan trọng nhất, vì tâm không giác ngộ thì thân sẽ lưu lạc mãi trong vòng luân hồi và sanh lão bệnh tử.
                                                                                 DIỆU KIM 17-7-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét