Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Nợ của “nhà nước nhỏ”, khổ cho “nhà nước lớn”


Nợ của “nhà nước nhỏ”, khổ cho “nhà nước lớn”
TT - 10.700 tỉ nhân dân tệ (1.650 tỉ USD) mà chính quyền các địa phương Trung Quốc vay nợ tính đến năm 2010, tương đương 30% GDP quốc gia. Ai sẽ gánh nợ này?

Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) đã đưa ra con số nợ này vào tháng 7-2011. Bất chấp NAO khẳng định con số này “chính xác và đáng tin cậy”, dư luận ở Trung Quốc vẫn nghi ngờ khi cho rằng thực tế số nợ thật còn vượt xa công bố.
Những năm qua, chính quyền các địa phương Trung Quốc đua nhau phát triển cơ sở hạ tầng và nhiều dự án khác để được tiếng là địa phương hưng vượng của quốc gia, bất chấp “núi” nợ ngày một chồng chất.
Đua nhau làm “rạng danh” địa phương
Vũ Hán, thành phố lớn thứ chín của Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc, là một trong những địa phương thuộc loại “cần đô thị hóa nhanh chóng” để đuổi kịp Bắc Kinh và Thượng Hải. Nơi đây, theo New York Times, có đến 5.700 công trình xây dựng các loại đang được triển khai. Các tòa nhà cao tầng, hai nhà ga sân bay, các trung tâm thương mại và hàng trăm kilômet đường tàu điện ngầm đang được đầu tư trong dự án quy hoạch đô thị Vũ Hán trị giá 120 tỉ USD. Để có số tiền này, chính quyền Vũ Hán đã dựng lên các tập đoàn đầu tư thuộc chính quyền địa phương quản lý. Theo quy định ngân hàng ở Trung Quốc, các cơ quan hành chính nhà nước được vay trực tiếp. Pháp nhân lớn nhất đại diện cho chính quyền Vũ Hán hiện nay là Công ty Phát triển và đầu tư xây dựng đô thị Vũ Hán (UCID), và đây là tay hòm chìa khóa cung cấp tài chính trị giá hàng tỉ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.
Vũ Hán chỉ là một trong hàng loạt địa phương từ huyện, thành phố đến cấp tỉnh ở Trung Quốc đang say sưa với các dự án hạ tầng vĩ mô, nhằm có chân trong bức tranh “Trung Quốc phát triển thần kỳ” dù thế giới có đang phải vật lộn với cơn suy thoái kinh tế. Dù vô tình hay hữu ý, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang ngồi trên quả bom “nợ” hẹn giờ có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào và gây tác hại dây chuyền cho nền kinh tế chung của Trung Quốc.
Nhật Báo Trung Quốc cho biết để đưa ra con số nợ 1,7 nghìn tỉ nhân dân tệ, NAO phải huy động đến 41.000 kiểm toán viên xem xét toàn bộ 373.805 dự án của chính quyền các địa phương. NAO công bố Trung Quốc hiện có 6.576 món nợ từ chính quyền các địa phương, trong khi ngân hàng trung ương và các ngân hàng trực thuộc ở Trung Quốc cho rằng con số này có thể còn lớn hơn: 9.000-10.000 món nợ.
Giới chuyên gia cho rằng sở dĩ chính quyền các địa phương ồ ạt vay tiền để xây dựng hạ tầng là do các khoản tiền vay này gần như không cần trả lại ngay khi được chuyển thành nợ xấu.
Ai cứu nợ?
Tiền vay nợ chảy về đâu và được chi xài như thế nào? Câu hỏi này rất ít được công khai. Thế nhưng như báo Chứng Khoán Thượng Hải dẫn chứng: ở Vũ Hán, giới đầu tư đi vay hàng chục tỉ USD để phát triển theo ý của chính quyền địa phương. Khoản tiền vay này không được đưa vào kho bạc của chính quyền các địa phương mà chảy về kho tài chính của các tập đoàn đầu tư do chính quyền thành phố lập ra. Những khoản vay này sẽ không tồn tại trên bảng cân đối tài chính của chính quyền Vũ Hán và đây cũng là phương thức chung cho các địa phương khác.
Nếu các “nhà nước nhỏ” này vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra? Theo các chuyên gia, câu trả lời là “nhà nước lớn” sẽ phải dốc hầu bao cứu các ngân hàng đã trót cho vay để tránh nguy cơ vỡ nợ toàn cục. Báo Chứng Khoán Thượng Hải dẫn lời tiến sĩ kinh tế Lạc Gia Xuân cho rằng các địa phương khi đi vay đều đem đất đai ra làm tín chấp vay nợ, song giá nhà đất ở Trung Quốc những năm qua tăng quá cao nhưng thời gian gần đây thị trường lại đóng băng.
Do vậy nếu “bong bóng” bất động sản bùng nổ, nguy cơ vỡ nợ dây chuyền sẽ diễn ra và “một khi các địa phương đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và sẽ tác động đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng, Chính phủ Trung Quốc buộc phải can thiệp”.
Một số nhà phân tích Trung Quốc còn chua chát cho rằng các món nợ này cuối cùng cũng đổ lên đầu người dân. Theo ông Vương Đào - chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng UBS Hong Kong, số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang có khả năng chuyển thành nợ xấu là 2.500-3.000 tỉ nhân dân tệ (386-464 tỉ USD), trong khi con số do Standard Chartered đưa ra ít nhất từ 4.000-6.000 tỉ nhân dân tệ (618-928 tỉ USD).
MỸ LOAN

1 nhận xét:

  1. Mình phải theo dõi "anh" Trung Quốc này thật sát sao. Hoá ra trong ruột anh ta cũng bét nhè, vậy mà cứ lo ngắm nghía thiên hạ.

    Trả lờiXóa