Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

CHƯA YÊU SAO HIỂU ĐƯỢC

Các bạn sinh viên được nghệ sĩ Cát Phượng tặng vé xem vở kịch CHƯA YÊU SAO HIỂU ĐƯỢC do chính chị làm đạo diễn tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần). Các bạn rất thú vị, thậm chí có nhiều bạn lần đầu tiên được xem kịch. Báo Thanh Niên đã đăng bài giới thiệu vở kịch này, các bạn xem lại nhé !

Đề tài tình yêu luôn có sức hấp dẫn. Và tết này Cát Phượng thử “yêu” Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM bằng một kịch bản do chính chị đạo diễn. Chưa yêu sao hiểu được (tác giả Vương Huyền Cơ), quả là câu chuyện cổ tích giữa đời thường…

            Mô típ lọ lem-hoàng tử không mới, nhưng ở đây nó được thể hiện rất tự nhiên, dễ chịu, nên khán giả “tin” ngay. Anh Nam (Kiều Tuấn) nhà nghèo nhưng nghĩa khí, thường bắt cướp cứu người, gặp cô Trâm (Diễm Phương) cháu nội tổng giám đốc, thế là anh cố gắng học hành phấn đấu để xứng với người yêu. Còn cô Nhã ô sin (Cát Phượng) thì lọt vào mắt xanh của cậu chủ Quang (Hữu Tiến), được cậu cho đi học lại, thực hiện ước mơ làm kiến trúc sư. Ngay cả bà nội của hai anh em này là bà Sáu bán chè (NSƯT Ngọc Giàu) cũng tìm lại được mối tình xưa với ông Trình tổng giám đốc (Quốc Nam) sau mấy chục năm lưu lạc. Ba mối tình không môn đăng hộ đối chút nào nhưng vẫn đẹp đôi, bởi nó là…tình yêu. Làm sao cắt nghĩa được! Làm sao áp đặt công thức cho nó! Hãy cứ yêu bằng cả trái tim chân thành là mọi khoảng cách sẽ được san bằng.
Nhưng cái đẹp ở đây là tình yêu nâng người ta lên, giúp người ta có động lực phấn đấu để sống tốt hơn, hay hơn, chứ không phải dựa dẫm vào sự giàu có của đối tượng. Không phải một bước sẽ san bằng khoảng cách, mà là cả một chuỗi ngày vất vả học tập, lao động, vượt qua mặc cảm.
            NSƯT Ngọc Giàu thật sự là điểm nhấn của vở kịch, tiếp sức cho đàn em còn quá mới mẻ như Diễm Phương, Kiều Tuấn, Tiểu Phụng, Duy Hoàng… Lớp bi lẫn hài đều quá ngọt ngào qua tay chị. Khán giả cười suốt vì những màn dễ thương giữa hai người yêu luống tuổi, và lặng xuống theo câu vọng cổ buồn dịu dàng. Chị không bỏ lỡ cơ hội phát huy thế mạnh cải lương, không ngờ khán giả lại vỗ tay giòn giã. Câu vọng cổ thay cho lời thoại thật là đúng chỗ, đúng lúc. Kịch biết tận dụng cải lương xem ra hiệu quả rất tốt.
            Cát Phượng lần đầu dàn dựng nhưng không làm thất vọng người xem. Một chút trữ tình, một chút đằm thắm, nữ tính, một chút dí dỏm, tâm lý, thế là dẫn người ta đi. Suy cho cùng, người ta vẫn thích mộng mơ về “cổ tích” giữa đời thường, chỉ cần kịch bản làm sao cho gần gũi, chân thật, thì người ta sẽ tin. Mô típ lọ lem- hoàng tử rất dễ bị cường điệu hoặc hớ hênh, xem là thấy “giả”. Nhưng Cát Phượng đã tránh được điều này, thế là đã khéo!

HOÀNG KIM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét