Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Ca khúc bậy bạ 2

Từ hàng ghế khán giả

Hãy tự trọng khi công bố tác phẩm

TT - LTS: Sau bài viết “Hát gì khó hiểu quá” (Tuổi Trẻ ngày 22-11), gần 80 bạn đọc đã email về tòa soạn tiếp tục bày tỏ sự bức xúc với các ca từ nhăng nhít, rối rắm, tối nghĩa... trong ca khúc nhạc trẻ. Một câu chuyện tưởng là cũ nhưng vẫn không cũ trước bức xúc của người nghe. Tuổi Trẻ trích đăng:

Các bạn trẻ ngày nay có thuận lợi hơn các thế hệ nhạc sĩ đi trước là phần lớn có công cụ, phương tiện để dễ dàng công bố tác phẩm của mình dưới nhiều hình thức. Một đêm các tác giả trẻ có thể dùng phần mềm sáng tác nhạc để làm ra cả chục ca khúc, không như những nhạc sĩ thế hệ trước phải chắt chiu, chọn lọc cẩn thận từng nốt nhạc, từng ca từ, từng giai điệu sao cho phù hợp cảm xúc, với nội dung mình muốn thể hiện, có khi cả tuần, cả tháng mới xong một tác phẩm.

Và, có lẽ cũng chính vì thế mà không ít bạn trẻ lạm dụng công nghệ hiện đại, vội vàng cho ra đời hàng loạt ca khúc không hay, và những ca khúc “rác” này hòa cùng dòng nhạc hiện tại tạo nên mớ hổ lốn đến mức gây dị ứng làm người nghe có thành kiến với cả dòng nhạc trẻ.

Nghe tựa là thấy ớn

Tôi cảm thấy buồn khi nghe giới thiệu những ca khúc mang nhan đề như: Bản lĩnh đàn ông thời nay, Người đàn ông tham lam, Giọt nước mắt đàn ông, Người yêu tôi ông cũng không chừa, Người ấy và con cha phải chọn, Người đàn ông không được quên hết tình nghĩa...

Còn chuyện tình yêu trai gái vốn rất tế nhị, thánh thiện mang sắc thái bay bổng, đầy thơ mộng và lãng mạn thì được các tác giả đề cập bằng những tên nghe sao ghê ghê như: Tình một đêm, Bên nhau dù không còn cảm giác, Yêu một người sống bên người khác, Anh chấp nhận là người tình thứ ba, Một lần nữa tôi bị lừa, Yêu một người là dại, Lắm mối tối nằm không, Sao em ép anh phải yêu em, Làm người ai làm thế, Nói rồi không chịu nghe, Ăn bánh trả tiền, OK, như vậy đi...

Ca từ còn kinh khủng hơn

Tên ca khúc chẳng ra gì, nói chi ca từ trong bài hát nghe không chói tai bởi thiếu chọn lọc, trau chuốt như những ngôn ngữ đối thoại, thậm chí thô thiển... Xin lỗi, dù cố gắng tìm chút đồng cảm với tác giả nhưng tôi càng nghe càng buồn thay cho tiếng Việt mình và thất vọng. Nhiều khi có tác giả ca tụng về tình yêu mà như bôi nhọ khi dùng các ca từ: “Anh là thế, thế gian cũng giống như anh, đàn ông ai chẳng tham lam hỡi người. Yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai...”, “Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người... Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa (?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao... Em yêu một lúc bốn người sao?”, “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi.”...

Có những ca từ nửa Tây, nửa ta nghe rất khó chịu như: “Nhìn nhau rất lâu, anh đã đặt vào làn môi. Oh first kiss, you make me happy. Chẳng nói lên được tiếng chi, chỉ nghe nhịp trái tim. Oh first kiss, you make me crazy”. Và không thể tưởng nổi những từ sau đây lại được đưa vào ca khúc: “Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi, ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc. Nhưng đài phụ không phải đài chánh rồi”...

Còn rất nhiều ca khúc với lời lẽ ngô nghê, khó hiểu, tục tĩu mà trong bài viết này tôi không thể trích dẫn nổi. Tôi không dám lạm bàn đến trách nhiệm của những ngành chức năng và giải pháp ngăn chận sự xuất hiện của những thứ nhạc “rác” trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà trong bài viết này tôi chỉ mong người sáng tác hãy nghĩ đến công chúng và biết tự trọng khi công bố tác phẩm của mình.

MAI BỬU MINH (An Giang)

* Theo tôi, những bài hát tác giả Minh Thắng dẫn ra là kiểu nhạc dùng để “tra tấn người nghe”. Có lần nghe những bài hát ấy, tôi quá bực bội nhưng cũng ráng nghe hết bài mới hỏi hai đứa đang độ tuổi teen rằng: “Bài hát nói gì vậy con?”. Hai con tôi trả lời: “Ba còn không biết, huống chi con”. Ở đây tôi muốn hỏi: những bản nhạc ấy ra đời có được kiểm định không? Nếu có thì ai kiểm định để có gì không hiểu chúng tôi nhờ người đó giải thích.
Công Thành (thanh.trancong@...)

* Dù chỉ mới 22 tuổi nhưng mình lại thích nhạc vàng hồi xưa hơn. Nhạc vàng mỗi bài hát là một câu chuyện. Nhạc trẻ thì”đâm ngang hông” mà không có nội dung gì cả.
Thien Phuoc

* Tôi đã chịu khó lấy hết can đảm “nghiên cứu” những ca từ nhạc trẻ thấy ớn. Những cái tên bài hát thôi cũng đủ làm tôi lùng bùng lỗ tai: Kiếp đàn ông thân xác đàn bà, Vấp cục đá, Chiếc xe hơi thất tình, Bất ngờ anh yêu người cùng phái, Kiếp đánh đề, Nước hoa có độc... Với ca từ thì chắc khỏi cần nhận xét. Chẳng hạn, trong bài Con gái thời nay có đoạn: “Muốn quen được em, anh phải thật tráng cường. Và nhà anh phải cao cổng cao tường. Còn không... thiệt là đau lòng quá, con gái thời nay sao mà thiệt sốc quá”. Phải chăng các bạn trẻ chỉ cần nghe tiếng nhạc xập xình, chỉ cần nhìn thần tượng ca sĩ?
Lê Văn Dũng (TP Cần Thơ)

* Thật buồn thay khi thấy nhạc trẻ Việt ngày càng đánh mất mình qua những ca từ lố bịch, nhí nhố vô tội vạ và song hành với đó là sự lai căng quá trớn, cách đánh bóng mình quá lố trong giới nghệ sĩ. Tất cả những món “mì ăn liền” đã được giới nghệ sĩ tận dụng tối đa chỉ để đáp ứng nhu cầu một bộ phận giới trẻ hôm nay, nhưng nó sẽ là những “ung nhọt” hủy hoại nền âm nhạc Việt trong nay mai.
Lê Khai (lehongkhai@...)

* Thiết nghĩ để có ca khúc hay đi vào lòng công chúng, hơn ai hết người nhạc sĩ phải biết trau dồi nghề nghiệp về chuyên môn sáng tác cũng như vốn sống, có trình độ tiếng Việt nhất định. Theo tôi, hội âm nhạc nên mở trại sáng tác bồi dưỡng cho nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ trẻ.
TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét