Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

“Chạy điểm” hay tự học?

“Chạy điểm” hay tự học?
05/11/2011 0:01

LTS: Giáo dục liên quan mật thiết đến từng gia đình. Có những vấn đề vĩ mô, cũng có những chuyện nhỏ nhưng nó khiến chúng ta suy tư, trăn trở. Thanh niên & giáo dục mở chuyên mục Câu chuyện giáo dục vào thứ bảy hằng tuần nhằm chuyển tải những vấn đề liên quan đến giáo dục. Bạn đọc gửi bài tham gia theo địa chỉ cauchuyengiaoduc@thanhnien.com.vn.
Con một người bạn, đang học khoa tài chính - ngân hàng ở một trường ĐH, gọi về hỏi ba: “Lớp con nhiều sinh viên “chạy điểm”, bằng cách làm thân, quà cáp, lo lót thầy cô giáo để được điểm cao. Con không thích như vậy nhưng ra trường điểm thấp khó xin việc. Ba tư vấn giúp”.

Bạn tôi đang làm ngành tài chính nên hiểu rất rõ là hiện nay doanh nghiệp ưu tiên chọn sinh viên tốt nghiệp có điểm cao, loại khá, giỏi. Trước câu hỏi khó của con mình, có 2 cách để chọn: thực dụng theo trào lưu chung, tức là khuyên con mình nên làm thân với thầy... để được điểm cao. Hoặc nỗ lực học tập để vươn lên, tự khẳng định mình, cũng là tạo nền tảng vững chắc về kiến thức cho tương lai. Cuối cùng bạn tôi khuyên con mình chọn cách thứ nhất và lý luận: Nếu không thực dụng thì khi ra trường xin việc con mình sẽ bị thiệt (không vào được các ngân hàng lớn, các doanh nghiệp ăn nên làm ra...). Khi đi làm tiếp tục học tập thực tế thì chắc chắn cũng sẽ giỏi thôi.

Cách của bạn tôi, sẽ làm cho con mình ỷ lại tiền bạc, lo lót, không chịu đầu tư cho việc học hành. Xã hội minh bạch không cần con người như vậy. Và bạn tôi “tự giết con mình”. Tôi không khuyến khích con mình dối trá khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Mới đầu đời mà đã học cách luồn lách, chạy chọt, sau này chắc chắn nó trở thành một kẻ bất tài, kém đức, chỉ biết dối trên, lừa dưới, nịnh hót để đi lên mà không đi bằng đôi chân của mình.

Tôi nghĩ, điểm số là quan trọng, là tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên, để phân biệt người giỏi người kém. Tuy nhiên, thực tế cách đào tạo của ta hiện nay nặng về lý thuyết, chưa thực tế năng động, nên chưa thể đánh giá hết năng lực người học. Do đó các nhà tuyển dụng không nhất thiết ưu tiên chọn sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, mà nên chọn sinh viên có kiến thức, nền tảng tốt (qua phỏng vấn), làm việc thực tế giỏi (qua thời gian thử việc). Làm vậy cũng giúp tránh tệ nạn chạy điểm trong một số trường ĐH hiện nay.

Hoàng Lân (TP.Quy Nhơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét