Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Chia sẻ về quan điểm đốt vàng mã của TT Thanh Quyết

 Tác giả Minh Thạnh là một cây bút nổi tiếng trên trang phattuvietnam.net và trong giới học Phật. Tuy nhiên, có những bài viết của ông cần phải xem xét lại. Diễn đàn đang rất sôi động với bài này, mong các bạn trong Funny Home chịu khó đọc, coi như học Phật pháp theo hình thức hàm thụ. 

Chia sẻ về quan điểm đốt vàng mã của TT Thanh Quyết
13/08/2011 15:43Minh Thạnh
Bài trả lời của Thượng toạ Thích Thanh Quyết về việc đốt vàng mã ngắn nhưng khá đầy đủ. Thượng toạ nói rất rõ là đạo Phật không dạy đốt vàng mã, tất nhiên, suy ra nó không có tác dụng gì trong việc siêu độ người quá vãng, càng không thể giúp họ “tài chánh”, của cải mang qua dùng ở thế giới bên kia. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến của chư tôn đức về việc đốt vàng mã. Về sự vô ích của nó.  

Thượng toạ Thanh Quyết chỉ nói đến tác dụng của việc đốt vàng mã đối với người sống như là một nhu cầu về nghi thức tâm linh và cũng nói rõ “không cổ suý cho việc lạm dụng quá mức vàng mã”. Tôi chia sẻ quan điểm của Thượng toạ, đốt vàng mã chỉ nên tượng trưng, chỉ có ý nghĩa nghi thức, nếu cần thì chấp nhận, nhưng nên hết sức giới hạn.

Điều mà tôi muốn nói ở đây, trong sự chia sẻ với ý kiến của Thượng tọa Thanh Quyết, là tác dụng của ngọn lửa trong các nghi lễ tôn giáo và cả ở những nghi lễ ngoài tôn giáo có tính chất tuyên truyền, kích thích ý thức, tình cảm nào đó.

Ngọn lửa, trong đó đốt vàng mã là một hình thức có tác dụng mạnh đối với tâm lý của hành lễ tôn giáo, từ Đông sang Tây, ở nhiều tôn giáo khác nhau.

Thời gian viết bài cấp bách, đề cập một vấn đề có tính thời sự thu hút sự quan tâm, biểu lộ ý kiến cấp thời của bạn đọc, nên chúng tôi không kịp tìm để dẫn lại ở đây nghiên cứu của nhiều học giả về tác dụng của lửa và khói trong nghi thức tôn giáo. Các vị tư tế ở nhiều tôn giáo phương Tây vẫn thường tổ chức đốt nến trong các buổi cầu nguyện và họ cũng có những phương tiện tạo khói riêng để phục vụ cho nghi thức hành lễ.

Một nhà nghiên cứu về tâm lý học tôn giáo có khảo sát tâm lý của người chủ lễ và người dự lễ tôn giáo ở phương Tây ở cùng một cuộc lễ với ba hình thức khác nhau: 
1-     Dùng ánh sáng đèn ống trắng, cường độ sáng cao.
2-     Dùng ánh sáng đèn bách đăng vàng, cường độ sáng âm u.
3-     Dùng ánh sáng đèn nến có kèm hình thức tạo khói.

Hình thức thứ ba được coi là có tác động mạnh mẽ đối với con người khi hành lễ tôn giáo.

Thượng toạ Thanh Quyết chỉ nói đến tâm an vui, thanh thản như là một sự bù đắp cho mặc cảm của con cháu đối với những thiếu sót có thể có đối với bậc tưởng thượng khi còn sinh tiền, theo tôi, chỉ là một phần.

Ngọn lửa từ đèn nến và đốt vàng mã tượng trưng (xin nhấn mạnh từ tượng trưng) có tác dụng tăng xúc cảm tôn giáo ở người hành lễ tôn giáo, đưa người hành lễ đến gần với các bậc thiêng liêng và người quá vãng, tạo không gian và tình cảm tôn giáo mạnh mẽ khi hành lễ.

Có nhà nghiên cứu tôn giáo học đã chỉ ra rằng Goebels, lý thuyết gia của Đức Quốc Xã, đã nghiên cứu rất kỹ tác dụng của ánh lửa đối với việc kích thích tâm lý thiêng liêng ở con người, cho nên đã lợi dụng hình thức đốt lửa, đốt đuốc trong các buổi lễ phục vụ nước Đức Quốc Xã và thường tổ chức từ lúc nhá nhem tối đến về khuya.

Trong một cuốn sách khác, một nhà tôn giáo học đề nghị làm một thí nghiệm, là so sánh tâm lý đám đông dự lễ trong cùng cuộc lễ khi dùng đèn điện sáng và khi tắt đèn điện, chỉ dùng nến và các hình thức tạo ánh sáng chập chờn lung linh bằng các dạng lửa khác nhau (mà trong Phật giáo chúng ta có đốt nến, đốt đèn dầu và vàng mã).

Chúng tôi không hề có ý kiến bảo vệ cho một hủ tục, cũng không hề cho rằng đốt vàng mã có tác dụng “chuyển khoản” cho người thân ở thế giới bên kia, mà nghĩ như Thượng toạ Thích Thanh Quyết, ý thức rõ về tác dụng của nó như một nghi thức, với một số tác dụng nhất định, không phải cho người quá cố, mà cho người sinh tiền hành lễ.

Tôi là Phật tử Nam Tông, càng không tin vào việc đốt vàng mã đem lại lợi ích cho người quá cố. 
Thời trẻ tôi cũng khuyên người thân đừng nên đốt vàng mã, vì rằng người thân dưới âm phủ sẽ bị tội về việc… sử dụng, lưu hành tiền giả.  
Tuy nhiên, càng lớn tuổi hơn, tôi thấy một ít xấp vàng mã tượng trưng sẽ có ý nghĩa hơn đối với việc cúng tế ông bà tổ tiên người quá cố. Nó cũng như bó hoa, nén hương, rồi sẽ tàn, nhưng không phải là lãng phí.

Rồi đến một hôm, sau khi đốt chỉ vài tờ vàng mã tượng trưng, bất chợt một con trốt xoáy xuất hiện chỉ riêng ở ngôi mộ của thân phụ tôi ở giữa nghĩa trang, bốc tất cả tàn lửa lên thật cao trong vòng xoáy trôn ốc thẳng đứng. Điều này đưa tôi vào một trạng thái tâm linh khó tả. Tôi không nghĩ là vong linh cụ về nhận vàng mã hiến cúng, nhưng ánh lửa bốc cao và cơn gió xoáy nhỏ có tác dụng như một sự chứng minh linh thiêng, nối kết, cảm ứng.

Vì vậy, cùng cách nghĩ với Thượng toạ Thanh Quyết, tôi cho rằng đốt nhà lầu, xe hơi, du thuyền, TV, hầu thiếp… là điều không nên làm, không có ích gì, trái với tinh thần đạo phật, nhưng hoá vàng vài xấp giấy mỏng, có giá trị như bó hoa, nén hương cho vong linh những người thân quá vãng trong ngày Rằm tháng bảy là điều cũng nên làm.

Xin hẹn một lần sau, tôi sẽ tổng hợp, trích dẫn với xuất xứ rõ ràng ý kiến của các nhà nghiên cứu tôn giáo học, cả phương Tây và phương Đông, về vai trò và tác dụng của ánh lửa đối với nghi lễ tôn giáo.
MT
PG khi vào nước nào cũng phải dung hòa với văn hóa bản địa, nhưng đó là bước đầu thôi, sau đó phải mạnh mẽ, kiên quyết xác lập chánh pháp, nếu không dễ bị văn hóa bản địa nuốt chửng, đặc biệt là các hình thức mê tín dị đoan lẫn lộn vào. Tôi về miền Bắc, thấy hầu hết các chùa đều đốt vàng mã, mà thiếu các lớp học Phật cho Phật tử. Vậy không phải bị “nuốt chửng” hay sao?

Một chùa được công nhận di tích lịch sử tại Hải Phòng, hôm tôi đến đang chuẩn bị làm lễ cúng cho một gia đình cầu siêu cho người thân đã chết, chi phí mua vàng mã hơn một trăm triệu đồng. Không phải vài tờ giấy nhỏ đâu, mà là những con ngựa to bằng ngựa thật, những chiếc thuyền cũng to như thuyền thật, rồi nhà cửa, xe cộ, quần áo… Rõ ràng là phung phí và kéo dài thân trung ấm của người quá cố, làm sao siêu được. Tiền đó nếu đem bố thí, phóng sanh để hồi hướng công đức cho người chết có phải ích lợi hay không. Và đó cũng là cách giải tỏa mặc cảm “bất hiếu” của con cháu với cha mẹ, ông bà.

Phật pháp đang bị nuốt chửng bởi nhiều thứ, vì ở đâu cũng nghe hai tiếng Nam mô, thế là ma nhập nhằng với Phật. Lên đồng lên cốt cũng niệm Nam mô. Thầy bùa thầy pháp đốt nhang khấn vái cũng mở đầu bằng hai tiếng Nam mô. Chính vì vậy phải cho Phật tử học Phật để phân biệt rõ ràng đâu là chánh pháp, không khoan nhượng với các tục lệ cũ nữa. Bước đầu sẽ khó khăn, nhưng đi mãi cũng thành đường. Một ngôi chùa ở TP.HCM có vị trụ trì kiên quyết không cho đốt vàng mã, hàng loạt Phật tử bỏ chùa hơn hai năm trời, nhưng sau đó quay lại đông đúc và chấp nhận lời dạy của thầy.

 Muốn hóa độ người, không chỉ có dung hòa, chìu chuộng, mà cần sự kiên quyết nữa. Khai thị cho người sống còn chưa được, làm sao khai thị cho người chết, thế là người sống không được an,  mà người chết cũng không được siêu. Người sống muốn an thì giữ giới, làm lành. Người chết muốn siêu thì nghe kinh, bỏ chấp. Đốt nhà cửa, quần áo cho họ mãi, làm sao bảo họ không chấp, không níu kéo.

Tóm lại, chúng ta nên chú trọng việc học cho Phật tử, để phát triển trí tuệ, chứ đừng dung dưỡng những hủ tục nữa. Còn nói rằng ánh lửa kích thích tâm lý trong các nghi lễ tôn giáo, vậy thì đốt nến cũng được. Đốt đèn cúng Phật cũng có phước, sao không đốt? Hàng trăm ngọn nến lung linh, đẹp và thiêng liêng vô cùng, mà chi phí không cao như đốt vàng mã. Ở Ấn Độ, nghi lễ cúng chỉ có đèn và nến, hoàn toàn không vàng mã, mà tâm lý người cúng vẫn được kích thích hưng phấn, và buổi lễ vẫn thiêng liêng đó thôi. Vạn thức duy tâm tạo, ta cứ chấp vào mấy tờ giấy xanh đỏ, người chết cứ chấp vào mảnh khói đó cho rằng áo, rằng nhà, thì ta đi mãi trong vòng luân hồi thôi. (DIỆU KIM) 

Thế kỷ thứ 21 mà vẫn còn lắm người Mê Tín, Cuồng Tín và hơn thế nữa là TÀ TÍN.
Muốn TÂM AN thì tránh làm Ác “Giữ Giới”, làm điều Lành, Từ Bi và thương yêu tế độ chúng sanh, chớ có Kinh nào dạy ĐỐT TIỀN Âm Phủ để an bao giờ, chưa nói là giấy và mực in mới có sau nầy. (NGƯỜI ĂN MÀY THẾ KỶ)

Có một câu nói về tính siêu Việt của giáo lí nhà Phật, có một câu " Chúng sinh đa bệnh, Phật pháp đa phương". Chúng ta, những người Phật tử, trong đó có cả chư tôn đức Tăng Ni,đang sông trong thế giới Người, đang là con người, phải đối mặt với vô vàn tâm bệnh và phiền não, của ta và của mọi người xung quanh. Và là người học trò Phật, phải làm cho phiền bão ấy, bệnh ấy bớt đi.
Và việc đốt vàng mã là một thứ thuốc. Đã là thuốc thì có liều và phải dùng đúng liều, quá liều là thành thuốc độc.Tôi đã hiểu ý TT. Thích Thanh Quyết như thế.
Thêm nữa, tôi nghĩ đơn giản là không có lời nào do Phật thuyết ra nói rằng đốt vàng mã có tác dụng, đơn giản vì thời gian và không gian nơi Phật tại thế lúc ấy chưa có tục lệ này. Cái việc mà nhiều người học trò của Phật đang thảo luận, thậm chí tranh cãi nhau là sau này mới phát sinh ra. Bởi thế, tôi thiết nghĩ đừng nên quá chấp vào cái Có với Không rồi lại chìm vào phiền não chính nơi mình, và ngày càng xa con đường giải thoát khỏi phiền não của Phật! (THANH TUYỀN)

Cơ bản là để trị liệu "tư tưởng" người sống mà thôi! Còn nếu cái A LẠI DA THỨC nếu còn tồn tại,có ham muốn thì vô tình KÉO DÀI CÁI VẤT VƯỞNG CỦA VONG LINH,LÀM CHO VONG LINH VƯỚNG VÍU CÙNG HAM MUỐN NÊN KHÔNG THỂ SIÊU SINH THOÁT HÓA ĐƯỢC.Có thể vì đây chính là kéo dài cái THÂN TRUNG ẤM còn tồn tại sau 49 ngày chăng?!
Tôi vẫn khuyên Phật tử không nên thái quá.ĐẠO PHẬT KHÔNG CÓ VÀNG MÃ ĐI KÈM. Còn các vị cố tình chả lẽ Sư đuổi các vị ra khỏi chùa à.....
ĐÃ NÓI PHẢI MÀ KHÔNG NGHE THẬT.... (N.C)

Bác Minh Thanh oi!Phật giáo sống hòa đồng với các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo khác không có nghĩa là đem các hình thức của các tín ngưỡng và tôn giáo khác vào nhà chùa.Bác có thể đốt một chút vàng mã khi đi thăm viếng phần mộ người thân.Người khác có thể đốt hàng núi vàng mã ở đâu đó.Những cái đó là tập quán dân gian thì cứ để ngoài dân gian chứ nhất định không được đem vào nhà chùa để cho ngoại đạo chê cười Phật giáo mê tín ,dị đoan. (N.T)
Nhu hinh anh o chua thay Quyet tru tri dip le vu lan thang bay nay thi thay noi vay ma khong phai vay (PHẢN HỒI)

Cảm ơn anh Minh Thạnh đã chia sẻ ý kiến với TT Thích Thanh Quyết về vấn đề vàng mã. Tôi rất thú vị với trải nghiệm rất riêng về "ngọn lửa" của anh Minh Thạnh, rất giàu hình ảnh và tính văn chương. Tôi còn nhớ trong cái tiết Thanh Minh lạnh lẽo ở miền Bắc, cụ Nguyễn Du đã viết: 
"Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về..."
Hình ảnh đốt vài đồng vàng mã, vài bộ quần áo giấy (tượng trưng), tự cắt dán bằng giấy màu cũng được, không cần phải mua, nếu đốt trong cảm giác tưởng nhớ, chia sẻ, trong một không khí lạnh lẽo của nghĩa địa thì cũng ấm lòng kẻ còn người mất lắm.
Trở lại với một số tranh luận chung quanh vấn đề này, xin quý vị nhìn ở hai góc độ như văn hoá, tín ngưỡng và Chánh pháp. Nếu gộp vào một thì sẽ không bao giờ hết tranh luận. Và nếu nói rằng, ngay ngày mai dẹp hết vàng mã (một nét tín ngưỡng văn hóa dân gian) đi và thế gian này sẽ có "Chánh pháp" ngay, thì quá dễ, và chắc chắn không cần phải đợi đến thời Mạt pháp như chúng ta, mà ngay từ thời Chánh pháp, Tượng pháp... xã hội Ấn Độ đã phải hết "mê tín, dị đoan" từ lâu rồi!
Vấn đề ở đây là không thái quá, đốt với lòng thành, với sự chia sẻ, yêu thương, vị tha... Còn nếu đã hiểu "nhất thiết duy tâm tạo" thì chỉ cần nghĩ người yêu thương của mình có thể ấm lòng, an lòng về điều đó thì người thân đã khuất của mình sẽ được ấm lòng, an lòng thật sự. Người Tây Tạng nghĩ rằng, phải chẻ đầu người chết lấy óc cho chim ăn thì người chết mới siêu thoát, nếu đưa "tâm thức" ấy vào Việt Nam thì là điều không thể, nhưng với người Tạng có thể ai không làm như vậy là "bất hiếu".
Nhờ có "duy tâm tạo", có "phép thiêng biến ít ra nhiều" trong phép biến thực biến thủy mà các vong hồn được no đủ, hiểu pháp ấy thì một chút vàng mã tượng trưng có thể giúp vô biên chúng sinh được ấm áp, nhờ bảy hạt cơm mà thập loại cô hồn no đủ...
Tôi nghĩ chỉ cần xác định "đốt vàng mã" không phải của Phật giáo là đủ, còn việc ở nơi này, nơi kia đốt hay không đốt vàng mã chúng ta không nên tranh cãi nữa một khi đã thống nhất nói với nhau rằng "nhất thiết duy tâm tạo".
Kính chúc mọi người một mùa Vu lan đầm ấm, hạnh phúc!
Và nếu có điều kiện, mong mọi người đọc tác phẩm Văn chiêu hồn của Cụ Nguyễn Du. Thương lắm! (THÍCH THANH THẮNG)

Bài viết của bác MT là biện bạch cho sự tư tưởng học Phật thụt lùi của TT Thanh Quyết không có tâm nào an hơn tâm giữ giới làm lành lánh dữ không tạo nghiệp xấu,không có thuyết nào có thể thay đổi được luật nhân quả và nghiệp báo chỉ có cách làm lành thì sẽ bớt mà thôi.
Lâu nay tôi rât bngưỡng mộ Bac MT nhưng bài viết hôm nay của Bac mất điểm nhiều quá 
Việc không đốt là không đốt tại sao lại phải đốt vài tờ, bác đốt vài tờ người khác có phương tiện hơn lại đốt hàng tấn thì sao.Làm việc xấu không giữ giới hạnh nên mới sợ nên mới mượn tờ giấy màu cho tâm an
Kính mong các bậc chư Tôn đức đại xá và hoan hỷ cho con về ý kiến này. (THAMSANSI)

Tôi đã phản hồi ở bài phỏng vấn Thượng tọa Thanh Quyết rồi. Quý vị nào quan tâm thì hãy tìm hiểu. Và nay tôi phải nói thêm một điều nữa là: Quý vị hãy thức tỉnh trong tình hình tôn giáo hiện nay để trải nghiệm thêm: Thiên Chúa Giáo hiện nay đã cho giáo dân của mình lập ban thờ Tổ tiên, thắp hương tưởng niệm người thân, cho phép con chiên được kết hôn với người tôn giáo khác rồi đó và nhiều tín ngưỡng tâm linh khác nữa. Và cứ đà này là họ sẽ cho phép con chiên của họ cũng cúng ông bà tổ tiên và đốt vàng mã đó. (ĐÀO VĂN HOÀNG)

Toi chẳng hiểu sao mọi người cố chấp vậy Phật giáo tồn tại ở mỗi quốc gia đều có sự giao thoa của nền văn hóa đó những vân có cái riêng của nó chúng ta theo phật thì phật đã dậy tùy tâm s[r nguyện . Nếu ai có tâm nguyện theo phật thì tâm không vướng bận đến các thứ đó còn tâm trụ ở cảnh giới nào thì sẽ thiến hướn cảnh giới đó . Đức Phật Ngài vẫn vẫn dạy ta chỉ là người chỉ đường còn đi hay không thì người đó chứ ngài cũng không bắt , vậy thì việc đốt vàng mã cũng vậy ai đốt thì đốt chúng ta không cổ súy nhwngx cũng không nên gay gắt đến mức nhw vậy (HUY XUAN)

Thưa các vị! Tín ngưỡng tôn giáo đang là niềm tin là chỗ dựa cho biết bao nhiêu người. Phật giáo chúng ta từ xưa luôn hòa đồng với tất cả các tín ngưỡng bản địa. Thử hỏi riêng ở các chùa ngoài bắc thí có được chùa nào mà duy trì nền nếp chỉ có trong đạo phật đó là Học và Tu mà không ảnh hưởng một chút nào về tín ngưỡng không? Xin trả lời là Không. Đó là một đặc trưng của Phật giáo chúng ta. Khi đến chùa Dâu ở Thuận thành tỉnh Bắc Ninh chúng ta sẽ thấy sự khôn ngoan đến lạ kỳ của các thầy tổ, đó là sự hòa nhập vời tín ngưỡng bản địa để tồn tại và phát triển như Chùa lý ra là để thờ Phật nhưng chùa Dâu lại thờ Nữ thần Phấp Vân, Thần lý ra phải cúng rượu thịt nhưng Thần ở đây lại ăn chay. Đó là điều mà mỗi chúng ta phải suy ngẫm vã học tập. Đốt vàng mã từ xưa thuộc về tín ngưỡng dân gian nó đã ăn sâu trong tâm trí mọi người nó trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Nếu bạn là người không quá cố chấp thì bạn sẽ thấy việc đốt mã ( vừa đủ ) sẽ đem lại lợi ích cho đời sống tâm linh như thế nào. Chúc các bạn luôn có một trí tuệ sáng suốt để mỗi khi ta trao đổi vấn đề gì đều được sáng tỏ mà không bao giờ bị mâu thuẫn trong quan điểm trong tư duy. Vì khi chúng ta tranh luận đâu phải để hơn thua mà mục đích là để tìm ra chân lý. Chúc an lạc! (THICH THANH HIEN)

Minh Thạnh không có lập trường chánh Pháp ( dù bạn nói là bạn theo Nam Tông). Minh Thạnh nên nhớ ,một người tu không nên tùy thuận với cái mê ,làm cả một thế hệ con người đang nương tựa chánh pháp dần dần mất hết đấy bạn ạ . (THICH THANH CHÂU)

Đốt vàng mã là tục lệ của người Tàu đưa vào nước Việt ta cùng nhiều tin tưởng mê tín dị đoan khác. Tu là hành trình giải thoát chúng ta ra khỏi các mê tín đã ăn sâu vào tâm thức ta từ bao đời nay rồi. Hãy sống theo lời Phật dạy, không để các tín ngưỡng râu ria làm ô nhiễm cái tâm trong sạch của mình. (ÂU DƯƠNG TIỂU THƠ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét