Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Đừng bỏ mặc nông dân!


Đừng bỏ mặc nông dân!
10/01/2013
Năm 2012 kết thúc với thành tích đáng tự hào của ngành nông nghiệp. Trước tình trạng vỡ nợ và đóng cửa của nhiều chục ngàn doanh nghiệp, lạm phát chưa dừng lại thì nông nghiệp của ta vẫn đứng vững, cung ứng đầy đủ những nông sản giúp ổn định cái ăn của người dân và có dư để xuất siêu.

Như vậy, khu vực nông nghiệp đã cứu vãn phần nào sự trì trệ của nền kinh tế. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, không đạt bao nhiêu giá trị gia tăng. Khối lượng xuất khẩu của c nông sản chủ lực của ta đứng hàng đầu thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại rất thấp, thậm chí giảm mạnh so với mọi năm.

Xin nêu một ví dụ để thấy kết quả này chỉ có tiếng mà không có miếng. Mặt hàng gạo thì xuất nhiều nhưng giá thấp nhằm cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ. Điều này làm thiệt hại nhiều cho nông dân trồng lúa của nước ta. Đáng lẽ Việt Nam phải cùng Thái Lan tính toán để nâng mặt bằng giá gạo cho nông dân thu lợi cao hơn (như Nhật Bản đã từng làm từ năm 1961) thì rất tiếc, ta đã bỏ lỡ cơ hội này. Thêm vào đó, phần lớn nông dân ta sản xuất theo tự phát bằng kinh nghiệm nên chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và mẫu mã kém do thương lái thu gom, trộn lẫn nhiều giống, từ đó doanh nghiệp không thể đặt thương hiệu được nên giá bán không cao.

Mặt hàng cà phê là một ví dụ khác cho thấy sự yếu kém của doanh nghiệp ta. Các khâu thu mua hạt cà phê đã được thu hoạch hỗn tạp cùng lúc nhiều cỡ hạt đến khâu bóc vỏ, sấy khô rồi xuất khẩu thô không qua tuyển lựa cỡ hạt và loại hạt thì chỉ bán được với giá thấp mà thôi. Các công ty cà phê Singapore mua số hạt cà phê như thế của mình; về bên ấy, họ chỉ cần làm sạch, phân loại ra các hạng hạt rồi đóng gói xuất đi, giá trị gia tăng cao gấp 2-3 lần. May thay gần đây đã có vài doanh nghiệp chịu học hỏi và áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP, có thể xuất khẩu sản phẩm với giá cao nên đã tổ chức cho nông dân làm vùng nguyên liệu cho họ.

Để xảy ra hiện trạng trên, suy cho cùng là do Nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu chưa làm hết vai trò chủ đạo của mình mà để cho nông dân tự phát sản xuất. Nông dân sản xuất càng không đúng quy trình kỹ thuật thì càng tiêu tốn nhiều vật tư, đẩy cao giá thành, không còn cạnh tranh được với sản phẩm đồng loại của nước khác. Đáng lẽ với từng loại sản phẩm nguyên liệu, Nhà nước và doanh nghiệp phải có cách tổ chức cho nông dân không làm tự phát nữa, thay vào đó tìm địa chỉ đầu ra với giá thành thấp nhưng vẫn đạt chất lượng tối hảo để có hàng tiêu chuẩn cao bán giá cao.

Bước sang năm mới, nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi, khô hạn và xâm nhập mặn sẽ không trầm trọng thì nông nghiêp của ta sẽ tiếp tục đạt đỉnh cao về sản lượng. Hy vọng Nhà nước sẽ không bỏ mặc cho nông dân tự phát trồng - chặt để chất lượng nông sản được cải tiến. Nhờ đó, nông nghiệp của ta vẫn sẽ xuất khẩu lượng lớn nhưng giá sẽ cao hơn. Được thế, nông dân Việt Nam được đổi đời, sức mua sẽ cao, kích thích khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển theo.
GS. VÕ TÒNG XUÂN
Có 1 ý kiến
Huu Nhat
10/01/2013 23:48
Tôi ngưỡng mộ Bác Võ Tòng Xuân lắm! Nhưng qua bài viết tôi không đồng tình, sao cứ đỗ thừa cho nông dân?"{Thêm vào đó, phần lớn nông dân ta sản xuất theo tự phát bằng kinh nghiệm nên chất lượng sản phẩm ...từ đó doanh nghiệp không thể đặt thương hiệu được nên giá bán không cao." Sao lại vậy? Bao năm qua Nhà nước chúng ta đầu tư được những gì cho Nông dân? Nếu so với Thái Lan hay các nước khác hay Nông dân tự bương chải sau khi cải cách 1992, dân được chia đất nên mừng cố gắn mà làm, sau bao năm bị Hợp tác xã. Chúng ta đâu chú tâm đến Nông nghiệp mặt dù hơn 80% dân số Việt Nam sống bằng Nông nghiệp? Từ cây gì, con gì, thu mua chế biến...thậm chí do quy hoạch khu công nghiệp, sân gôn đuổi dân đi... như ở Tây Ninh khu công nghiệp treo làm hoang hóa đất, phải mất bao nhiêu thế hệ mảnh đất đó mới sản xuất được nông nghiệp như xưa? Chỉ là một ví dụ nhỏ, còn rất vô vàn vấn đề như đường đi đến từng thữa ruộng thôi đã là vấn đề lớn rồi, những năm 80 của thế kỷ 20 các con đường rộng lớn cho xe cải tiến và xe bò 2 con đến từng mảnh ruộng, bây giờ thì sao? một người đi chưa có để đi, vậy việc bờ cao để che chắn mà thập niên 80 hay áp dụng còn đâu?. Làm ra sản phẩm lại bị tin đồn thất thiệt ăn ung thư...sao Nhà nước lại để tin đồn vậy? Rồi vì lợi ích nhóm cho nhập MUỐI, GẠO...Nhà nước làm gì cho Nông dân hay nông dân tự bơi???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét