Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Cảm ơn người nhận


Cảm ơn người nhận

Nguyễn Thị Thùy Nương

Chắc hẳn bạn đã từng làm rất nhiều việc thiện, bố thí cho người khác, nhưng bạn đã cảm ơn người nhận của mình chưa? Hay là bạn thấy rằng người nhận phải cảm ơn mình?

Tôi và nhóm bạn rất thích làm từ thiện, thường đến nhà cô- người thiện tri thức đã hướng dẫn Phật pháp cho chúng tôi- để nấu cơm chay rồi đem đến bệnh viện phát cho bệnh nhân và những người thân của họ. Ở nhà, chúng tôi hối hả làm nhanh những phần cơm để có thể đem đến bệnh viện đúng giờ. Thật vui mừng khi làm xong, chúng tôi vội vã lên đường .

 Nhưng có một hôm chúng tôi đến muộn, vì cố gắng làm thêm vài trăm suất nữa để có thêm nhiều người được lãnh. Xe chở cơm đến, mọi người vây quanh chúng tôi, có người vui vẻ đón nhận, có người rối rít cảm ơn, có người khen chúng tôi giỏi quá sinh viên mà chịu làm những việc này phước đức vô lượng… Những lời khen đó làm chúng tôi lâng lâng phấn khởi. Nhưng cũng có người rất e ngại khi nhận, đặc biệt có một người vừa nhận vừa không vui, trách móc chúng tôi đi trễ, đợi chúng tôi lâu quá. Tôi đã giải thích nhưng người đó vẫn không vui. Tự dưng cả nhóm thấy buồn, suy nghĩ: “Mình đã cố gắng có nhiều suất cơm hơn cho mọi người, mang đến tận nơi, không lấy một đồng mà còn trách cứ đi trễ, đi muộn, đợi một tí có sao đâu. Trong khi mọi người ở nhà làm đến toát mồ hôi, nhịn cả ăn sáng để làm cho kịp, khi nhận họ không cảm ơn một lời đã đành, giờ còn trách móc nữa”.

Biết chúng tôi buồn vì lời nói kia, cô bèn nhắc nhở: “Chúng ta khi cho ai đó một thứ gì thì phải cảm ơn người nhận”. Cả bọn chúng tôi ngạc nhiên, vì sao mình cảm ơn họ trong khi mình đang giúp họ. Cô giải thích: “Người ta nhận của mình, nhưng các con có bao giờ nghĩ mình có phước đức là nhờ họ không?”.

Nghe đến đây trong lòng tôi bỗng bừng sáng. Mình làm từ thiện, bố thí cho người khác mà mình còn tự đắc: “Ta đây có ích với đời, giúp đỡ người khác, cuộc đời không thể thiếu ta”, và hành động “cho” của mình đã vô tình đưa bản thân đến ngã mạn, một điều trở ngại trên con đường tu tập. Thiết nghĩ khi mình đem đến cho người khác một thứ gì thì mình phải vui vẻ, chân thành cảm ơn ngược lại họ để cho “cái tôi” của mình không có cơ hội mà vênh vang tự đắc. Lời cảm ơn của chúng ta, xuất phát từ những người cho, sẽ làm người nhận không phải e dè, mặc cảm. Mình giúp họ hôm nay nhưng có thể ngày mai họ sẽ giúp đỡ người khác, thậm chí là giúp lại mình. Thật ra, chúng ta không thể làm một việc lớn mà chỉ đơn độc một mình. Có người “cho” thì phải có người “nhận”, nếu không chúng ta đâu có hoàn thành Phật sự.  Và giúp người là bổn phận của chúng ta chứ không phải là ta đang ban ơn gì cả. Một câu chỉ dạy của cô đã đánh thức chúng tôi. Để cho tâm ngã mạn lừng lên thì việc bố thí ấy tuy có phước mà lại tổn đức.

Tôi tự hứa với lòng từ nay luôn nói lời cảm ơn mỗi khi mình thọ nhận hoặc giúp đỡ cho ai đó. Tri ân để dặn mình đền đáp, ngược lại cảm ơn để diệt trừ bản ngã, có như vậy mới giúp ích cho tôi trên con đường tu học. Cuối cùng thì cả nhóm cũng đã hiểu, bèn quay sang mỉm cười với bà con cô bác, thậm chí xin lỗi vì đã đến muộn để bà con phải chờ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét