Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Oằn vai đi học

4-10-2011
Oằn vai đi học - Kỳ 1: Khổ sở vì học

TT - Chủ trương giảm tải là tín hiệu vui với hi vọng giúp học sinh (HS) bớt căng thẳng. Nhưng trên thực tế, HS vẫn phải “cày” hàng đống bài tập và bài “thuộc lòng”, phải nhồi nhét đủ thứ kiến thức mới mong đủ sức đi thi.

Nhiều phụ huynh có con học lớp 4 và lớp 5 Trường tiểu học Trung Tự, Hà Nội cho chúng tôi xem một loại vở khá lạ là vở “tăng cường”. Trong vở này, HS ghi lại các yêu cầu của giáo viên và chuẩn bị cho bài học hôm sau.

Tăng vẫn cứ tăng

Một phụ huynh có con học lớp 4 trường này cho biết: “Chỉ riêng yêu cầu về tập viết và tiếng Việt thôi, cả mẹ và con đã phải đánh vật đến tận khuya. Nếu ngày hôm sau ở trường có giờ tập viết, thì tối hôm trước con phải viết trước một trang vào vở”. Giáo viên giải thích phải cho HS tập viết nhiều để “lớp được chấm 100% vở sạch chữ đẹp”.

Một phụ huynh khác nói: “Riêng môn tiếng Việt phải chuẩn bị bài ở nhà rất nhiều, trong khi con tôi đã học ở lớp hai buổi/ngày. Cô giáo yêu cầu HS về nhà phải đọc, trả lời tất cả câu hỏi theo sách giáo khoa của mỗi bài học sẽ dạy vào buổi hôm sau. Ngoài ra, cô còn có thêm những câu hỏi riêng liên quan đến bài học mới”.

Còn HS lớp 1 Trường tiểu học Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội chỉ sau một tháng vào học đã phải viết chính tả. Chị M. - phụ huynh lớp 1 - bức xúc: “Để có thể làm được việc này, các bé phải nghe và hiểu được các từ, cách viết đúng chính tả”.

Trong khi đó, giáo viên lớp 1 ở Trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội cho biết: “Tuần thứ ba của học kỳ 1, đầu mỗi tiết học các em phải tự viết ngày tháng vào vở, viết tên bài vào vở theo nội dung cô giáo ghi trên bảng”. Anh H. - phụ huynh HS, đồng thời cũng là giáo viên THPT - bức xúc: “Tôi không hiểu chương trình giáo dục hiện nay thế nào. Trên thì bảo giảm tải nhưng ở trường vẫn có những yêu cầu quá sức HS như thế. Để có thể chép nội dung cô giáo yêu cầu khi mới bắt đầu học kỳ đầu tiên, nếu không học trước chương trình, các bé lớp 1 phải bổ túc thêm ngoài giờ”.

Ở trường này, ngoài các yêu cầu bài tập trong sách giáo khoa và vở bài tập của NXB Giáo Dục, phụ huynh HS phải mua cho con sách Tiếng Việt thực hành, Toán thực hành và sách Tiếng Việt của riêng trường soạn. Trong hai buổi học ở trường, HS phải hoàn thành bài tập ở tất cả cuốn sách trên. Trong số những bài tập ở các sách “thêm”, có những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đã đề nghị lược bỏ ở tài liệu giảm tải vừa ban hành.

Tối mắt tối mũi

Chính vì yêu cầu quá cao từ chương trình học, HS phải tăng ca mới mong theo kịp bài vở trên lớp. Thời lượng một HS ở TP.HCM phải đến lớp học chính khóa, tăng tiết, phụ đạo và học thêm có thể lên đến hơn 10 tiết học mỗi ngày (60-80 tiết/tuần).

Chị M., phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, bức xúc: “Từ hồi lên cấp III, con gái tôi lúc nào cũng trong tình trạng thức đêm, dậy sớm, mỏi mệt. Ăn trưa phải ăn ở trường để kịp học phụ đạo buổi chiều. 17g mới ra, lại phải tắm rửa để đi học thêm tiếng Anh và toán buổi tối. Đã vậy bài tập về nhà lại quá nhiều, tối nào cũng làm bài tập 4-5 trang giấy. Sáng dậy sớm học thuộc lòng nhưng cháu bảo học như thế vẫn không hết bài.”

Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, TP.HCM kể: “Con tôi nói giáo viên bộ môn thường cho bài về nhà yêu cầu làm, trong khi phần lý thuyết ở lớp cô chỉ nói sơ, như định nghĩa một định lý, đọc cho HS chép vào vở, vẽ được hình minh họa trên bảng là hết giờ, ít có thời gian giảng giải. Mỗi môn 3-4 bài tập thì mỗi ngày con tôi phải giải hơn chục bài tập, không còn thời gian để thở”.

Còn chị P., có con học lớp 9 Trường THCS Văn Thân, Q.6, TP.HCM, kể: “Sáng cháu học năm tiết. Buổi chiều học ở trường, ca một bắt đầu từ 13g-14g30, ca hai từ 15g-16g30, ca ba từ 16g45-18g15 và ca bốn từ 18g30-20g để phụ đạo, bồi dưỡng các môn chính là toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh. Tùy ngày hai ca hay ba ca mà vợ chồng tôi thu xếp đón đưa cháu”.

Bên cạnh đó, chuyện tăng tiết, phụ đạo đã trở thành chuyện bình thường. Trước đây, nếu tăng tiết, phụ đạo chỉ dành cho HS yếu, kém thì hiện nay HS nào cũng phải được tăng tiết, phụ đạo mới mong theo kịp chương trình.

Thầy Nguyễn Đình Độ, giáo viên môn hóa có gần 30 năm giảng dạy tại TP.HCM, cho biết: “Chương trình hiện thời vẫn còn quá nặng dù đã giảm tải khoảng 5%. Dứt khoát phải có tăng tiết, phụ đạo thì giáo viên và HS mới chạy theo kịp chương trình để đáp ứng yêu cầu thi cử”.

Cũng vì chạy theo chương trình và chỉ tiêu, giáo viên buộc phải cho HS nhiều bài tập hơn và dạy nâng cao hơn để đạt thành tích cao hơn.

Một giáo viên dạy lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Nhiệm vụ của giáo viên là phải làm sao thì làm, phấn đấu càng nhiều HS đạt loại giỏi càng tốt. Muốn vậy, ngoài bài trong sách, phải cho các em bài tập tăng cường và yêu cầu cao, kiểm tra, hỏi bài liên tục và phối hợp với phụ huynh kèm thêm bài tập ở nhà”.

Quá tải do bị nhồi nhét, yêu cầu quá cao ở trên lớp, khiến nhiều HS không hiểu bài, bị điểm kém và đó là kết cục tất yếu dẫn đến việc phải học thêm ngoài giờ.

Oằn vai đi học - Kỳ 2: “Phổ cập” học thêm

TT - Đã hết cái thời học thêm là tự nguyện. Từ chỗ đáp ứng nhu cầu chính đáng, việc dạy thêm, học thêm đang ngày càng tràn lan và biến tướng lạ lùng...

Lịch học thêm dày đặc đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của ngành giáo dục.

Sau buổi họp phụ huynh ở Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), một phụ huynh than: “Ban đại diện cha mẹ HS phát cho mỗi phụ huynh một tờ đơn xin học thêm đã đánh máy sẵn. Phụ huynh chỉ việc ký vào phần để trống bên dưới nếu đồng ý với lịch học thêm vào ba buổi sáng/tuần từ 7g30-10g30. Sau đó đến 12g30 tiếp tục tiết học đầu tiên của buổi học chính khóa. Không thể đưa đón con 4 lần/ngày, nhiều phụ huynh đã phải tính đến chuyện cho con mang đồ ăn trưa đi, tìm quán ăn cho con gần trường. Cả lớp đều học nên mình cũng phải theo, không ai dám từ chối lá đơn viết sẵn”.

Không học thêm phải... chịu trách nhiệm

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, một giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Đền Lừ (Hà Nội) đã trực tiếp phát hai mẫu đơn xin tự nguyện học thêm cho từng phụ huynh. Một đơn xin học thêm ở lớp do trường tổ chức (trong trường), một đơn xin học lớp của cô giáo tổ chức (bên ngoài trường). Để tăng thêm “sức nặng”, cô giáo cho biết “sẽ mời các giáo viên trực tiếp phụ trách các môn học ở lớp dạy thêm để tiện theo dõi HS” - một phụ huynh kể.

Tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (Q.4, TP.HCM), phụ huynh tên M., có con học lớp 9, bức xúc: “Chúng tôi cảm thấy bực bội khi giáo viên dạy toán tên là H.U. phát cho mỗi HS một tờ phiếu xác nhận đồng ý cho con đi học thêm tại nhà cô. Học thêm là chuyện tự nguyện, tại sao cô giáo lại gợi ý trắng trợn như thế?”. Trong tờ “gợi ý” có tên gọi là “phiếu xác nhận”, giáo viên đã in sẵn dòng chữ “nay tôi đồng ý cho con tôi tham gia học ngoài giờ môn toán” để phụ huynh ký vào. Ở cuối phiếu có phần riêng dành cho những phụ huynh không cho con đi học “vì nhiều lý do, tôi không đồng ý cho con tôi tham gia lớp học và xin chịu trách nhiệm về việc học tập sa sút của con” và cũng có chỗ trống để phụ huynh ký tên xác nhận. Nếu đồng ý đi học thêm, con chị M. sẽ học một tuần hai buổi tại nhà cô giáo ngay sau giờ học ở trường với học phí 250.000 đồng/tháng.

Một phụ huynh có con học lớp 8 tại Q.Đống Đa (Hà Nội) nói: “Vấn đề không phải chỉ là tốn tiền, mà thời gian tự học, thời gian nghỉ ngơi của con không có. Những buổi phải học thêm hai ca (hai môn) khi về nhà cháu chỉ kịp ăn cơm vội vàng là lại lên đường đi học”.

Mượn trường để tiện dạy thêm

Trong khi đó, HS khối 5 Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) đã bắt đầu vào cuộc chiến “nâng cao” ngay từ tuần đầu tiên năm học mới. “Ban đầu giáo viên thông báo sẽ tổ chức lớp học thêm từ 17g30-19g30 ngay tại trường cho khoảng 40 học sinh khá giỏi để bồi dưỡng. Khối 5 có ba lớp, nhưng tôi thấy hầu hết phụ huynh đều đăng ký cho con mình học lớp này vì sợ thua thiệt” - chị T., một phụ huynh, cho biết. Theo chị, lớp học này được tổ chức 3 buổi/tuần với mức học phí 200.000 đồng/tháng. Sau khi tan trường, HS sẽ tự lo ăn uống ở bên ngoài để có sức học tiếp buổi học cuối ngày. “Ngoài các buổi sáng học chính khóa, buổi chiều theo thời khóa biểu lịch học bán trú là các môn phụ, ngoại khóa, nhưng nhiều buổi giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm ở trường ngay trong buổi hai này. Đương nhiên, gọi là học thêm thì phải đóng thêm tiền” - chị T. bộc bạch.

Để thuận tiện cho việc dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên đã thuê địa điểm gần trường hoặc ngay trong trường để tổ chức dạy học ngoài giờ. Trên thực tế, hình thức dạy thêm này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh không có điều kiện đón con trong giờ tan tầm. Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội) kể: “Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 10 cô tổ chức lớp học thêm. Giờ học sẽ bắt đầu từ 17g-19g ngay sau khi các cháu tan lớp. Cô giáo đã thuê một địa điểm gần trường và phụ trách luôn việc dẫn các cháu sang điểm học mới sau giờ chính khóa”.

Tại Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.Tân Bình (TP.HCM), ban giám hiệu xác nhận: “Trường không tổ chức dạy thêm nhưng giáo viên có mượn sáu phòng học bán trú để giữ HS và kèm HS sau giờ tan trường, chờ tới lúc phụ huynh đón con về. Việc tổ chức hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”. Anh L.V., có hai con học tại trường này, cho biết: “Tôi nghĩ học cả ngày đã mệt nhưng không hiểu sao giáo viên lại tổ chức học tiếp. Nếu không tham gia, tôi lo cháu sa sút hơn các bạn và bị đối xử không công bằng”. Tại TP.HCM, việc thuê nhà trọ gần trường hoặc thuê cơ sở vật chất của trường để dạy thêm (dưới hình thức giữ con giúp phụ huynh đón trễ) đang dần phổ biến.

Một phụ huynh Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bức xúc: “Nhà trường vừa tham khảo ý kiến phụ huynh về việc mở các lớp ôn bài tại trường sau giờ học với mức phí 75.000 đồng/HS/tháng vì giờ tan học buổi hai hiện nay là 15g45, phụ huynh chưa thể đón con ngay. Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một hình thức dạy thêm mà thôi, tham gia cũng khó mà không tham gia cũng khó cho phụ huynh chúng tôi”.

NHÓM PHÓNG VIÊN Tuổi Trẻ

1 nhận xét:

  1. Những đứa trẻ mới tí tuổi đầu mà phải chịu quá nhiều áp lực trong việc học. Để rồi trong kí ức tuổi thơ của chúng chỉ là nổi ám ảnh những ngày " oằn vai đi học" . “Thương mại hóa” giáo dục không chỉ dừng lại ở chương trình đại học, cao đẳng mà còn lan rộng đến cả cấp tiểu học, trung học phổ thông nữa. Hậu quả sẽ như thế nào đây? Thật đáng lo ngại cho ngành giáo dục của chúng ta.

    Trả lờiXóa