Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

NGỌC TRONG CÁT


NGỌC TRONG CÁT

ANH VŨ (Rani) (bài đã đăng báo Sân Khấu TP.HCM)

Nhà hát Thế Giới Trẻ tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2012 với vở Âm binh (tác giả: Nguyễn Quang vinh, đạo diễn Xuân Hồng), đã giành được huy chương bạc, và thêm 2 HCV cho NSƯT Hoàng Yến, Đức Trí, 2 HCB cho Xuân Hồng, Trọng Hiếu. Những buổi diễn không phải cuối tuần mà rơi vào tối thứ năm, như là những suất đặc biệt dành cho người yêu sân khấu đến để nhấm nháp một món ăn khác biệt trong thời thị trường…

Trong chiến tranh, nỗi đau không chỉ dành riêng cho một phía. Thế nhưng, giữa lằn ranh sự sống và cái chết nơi chiến trường, giữa hận thù chồng chất có mấy ai nhận ra được điều đó. Hai người lính ở hai chiến tuyến, dù đang lâm vào cảnh sống dở chết dở, vẫn sẵn sàng lao vào nhau nhằm huỷ diệt đối phương, hay huỷ diệt luôn cả lòng trắc ẩn cho cái gọi là “chính nghĩa”. Chỉ có cô Nhi, người phụ nữ với nỗi đau mất đi đứa con chưa đầy ba tháng tuổi, lại có thể vượt qua thù hận để bao dung cho chính những kẻ giết chết con mình.
Hình ảnh Nhi oằn mình đau đớn, tự vắt sữa mình cúng trước mộ con bằng diễn xuất nhập tâm của NSƯT Hoàng Yến khiến khán giả xót xa nghẹn ngào bao nhiêu thì đến một cô Nhi dịu dàng chăm sóc hai người lính, anh Trung (Xuân Hồng) đi lính cộng hoà và người bộ đội tên Quân (Trọng Hiếu), lại khiến nỗi xót xa ấy tăng lên gấp bội và xen lẫn trong đó, là sự cảm phục trước một người mẹ Việt Nam. Bởi ở Trung và Quân, cô đã nhìn thấy bóng dáng đứa con vô tội của mình. Họ cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh ác nghiệt. Nhi hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau của một bà mẹ mất con, nên khi Trung thốt lên tiếng gọi mẹ, chính tình mẫu tử đã đánh thức cô, kéo cô thoát ra khỏi lòng căm thù, và dòng sữa ngọt không còn xen vị mặn của máu đó lại tiếp tục cưu mang hai người lính, như ông bà cha mẹ cô đã từng cưu mang xương máu của những người lính khác nơi vùng đất cát này.

Trung và Quân rồi cũng ra đi, trở về với chiến trường 1972 đỏ lửa, bỏ lại Nhi với những hồi ức đẹp về những ngày sống cùng hai anh. Có vẻ như số phận vẫn không để yên cho cô, hết chế độ cộng hoà bắt cô tra tấn với tội danh nuôi Việt cộng, đến khi giải phóng thì lại bị gọi lên tra hỏi, xét nét vì đã cứu tên lính Nguỵ. Trong những năm tháng sống biệt lập giữa những ánh mắt nghi ngờ, ghẻ lạnh của hàng xóm láng giềng, giữa đồi cát với những nấm mồ câm lặng, Nhi vẫn làm tròn phận sự với người đã khuất, và chờ đợi những người còn sống trở về, bất chấp những lời gạ gẫm của bao tên đàn ông khác. Đau đớn thay, cái ngày cô được gặp lại Trung và Quân không phải là sự đoàn tụ với những tiếng cười, mà cô chỉ là một bến đỗ của một người chạy trốn và một kẻ truy bắt. Những khao khát đàn bà nồng cháy của Nhi đã không được đáp lại để cô một lần nữa có được tiếng khóc trẻ thơ, để bớt cô độc héo hon giữa mảnh đất đầy gió cát. Ở hai kẻ thụ ân kia, Nhi chỉ nhận được ánh mắt áy náy vội vàng, sự mách bảo về một lời nói dối mà cô không bao giờ hiểu được.

Ba mươi năm, quãng đời xuân sắc nhất của người đàn bà cứ như vậy trôi qua giữa sự chờ đợi mỏi mòn, chờ đợi những ánh mắt cảm thông, chờ đợi dấu chân tìm về của tình người. Bên cạnh Nhi chỉ có cát và cát, cát ôm trọn trong lòng mình thân xác của những người đã khuất, những âm binh ngày ngày bảo vệ cô trước gió táp mưa dông, cát ôm trọn cả gốc Phi Lao già là chứng nhân cho thăng trầm của lịch sử, của đời người. Số phận của người đàn bà sao mà khắc nghiệt đến thế, cứ xoáy sâu vào lòng khán giả đến quặn thắt. Những giọt nước mắt cứ thế mà tuôn rơi, và những tiếng vỗ tay cứ vang vọng cả khán phòng.

Và cũng một lần nữa, Nhi lại là người chịu thiệt khi hai người đàn ông năm xưa tìm về, một là Việt kiều yêu nước và một là nhà lãnh đạo, để thăm lại người ơn nay đã luống tuổi đồng thời thuyết phục cô hy sinh mảnh đất gắn bó bao nhiêu năm cho một dự án làm giàu quê hương. Tấm lòng bao dung của Nhi, hay nói đúng hơn là sự bao dung của những người dân Việt Nam chính là sợi dây liên kết cho lời hoà giải muộn màng của những con người đến từ hai miền chiến tuyến.

Cát dưới bàn tay của tài hoa của hoạ sĩ Trí Đức trong vai gốc Phi Lao già khi thì dữ dội như chiến tranh bom đạn, khi thì yên bình như làng quê Việt Nam với khóm trúc, hàng tre chứa chan tình thương nỗi nhớ, có lúc lại lặng lẽ âm u với những nấm mồ trên đồi cát chở đầy tâm sự. Cát là cô Nhi tươi trẻ xuân sắc với mái tóc dài óng ả, cát cũng là cô Nhi già nua gối mỏi lưng còng. Nền tranh cát biến hoá theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật tạo nên một không gian đẹp đẽ và huyền ảo, như “câu chuyện về số phận của một người đàn bà, của 2 người đàn ông, cũng có thể là câu chuyện của cát, gió, sóng biển của một vùng đất anh dũng nhưng câu chuyện ấy có sức mạnh lay động, khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi con người”.

Và NSƯT Hoàng Yến quả không phụ lòng khán giả khi rất lâu rồi chị mới “tái xuất giang hồ”. Chị giống như nhân vật Nhi, khao khát sân khấu đến mãnh liệt, rồi chờ đợi mỏi mòn, nhưng kiên trì, chung thủy. Chị tìm sân khấu cho mình, tìm nhân vật, và cháy hết cùng sàn diễn. Hai năm trước có một Đặng Thùy Trâm, bây giờ có Nhi, đủ để chứng minh một Hoàng Yến mãnh liệt lửa nghề dẫu có chút gì đó cô đơn trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng hề gì, nỗi cô đơn càng làm đẹp hơn một mẫu mực nghệ sĩ mà không phải khán giả nào cũng vô tâm quên lãng. Người ta vẫn nhớ chị như một viên ngọc lấp lánh ẩn mình dưới cát. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, sẽ lại thấy sắc màu ấy hiện về.

ảnh: NSƯT Hoàng Yến (vai Nhi), Xuân Hồng (vai Trung), Trọng Hiếu (vai Quân) trong vở Âm binh (ảnh: H.K)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét