Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

CHUNG SỨC LO CHO NHÀ GIÁO

CHUNG SỨC LO CHO NHÀ GIÁO
Diệu Kim

Mới đây, báo Tuổi Trẻ có bài viết rất hay, Lương giáo viên chưa bằng bát phở hạng sang. Dư luận chưa hết xôn xao với lời “tự bạch” của thủ trưởng ngành điện trước tình cảnh lương bình quân ngành điện 7,3 triệu đồng/tháng khiến ông đau lòng thì trên Tuổi Trẻ 25-11 công bố những con số còn đáng giật mình hơn: lương giáo viên hợp đồng ở nhiều nơi chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, chưa bằng 1/10 lương của một thợ điện.
Vậy mà chưa thấy “thủ trưởng” nào “tuyên ngôn” rằng mình rất đau xót trước tình cảnh này” (trích). Thêm nhiều bài báo khác viết về tình trạng thầy cô giáo bị chậm tiền lương, cắt tiền phụ cấp, không tiền thưởng tết, hoặc thưởng chỉ vài trăm ngàn đồng…

Thật ra, tôi đã ưu tư về vấn đề này từ nhiều năm rồi. Và sốt ruột chờ nhà nước có chính sách gì cải thiện. Nhưng chờ mãi, càng sốt ruột. Nên tôi chủ động làm một chút gì đó, hơn là cứ ngồi than thở.

Tết đến, tôi trích tiền thưởng của mình ra để mua quà tặng thầy cô giáo ở nông thôn. Tiền thưởng của cơ quan tôi tuy không nhiều bằng cơ quan bạn, nhưng xét ra vẫn nhiều hơn ngành giáo dục, thôi thì chia sẻ gọi là mong thầy cô còn “giữ lửa” để tiếp tục dạy học. Dẫu con cháu mình không trực tiếp học những thầy cô đó, nhưng tôi cũng tri ân những người thầy đã dạy dỗ những thế hệ trẻ. Bởi không có thầy cô thì làm sao có những con người hiểu biết mà phục vụ xã hội. Xã hội luôn đi săn chất xám, mà không thèm biết chất xám từ đâu ra. Phải từ những ngày học i tờ vỡ lòng, đến những bậc cao hơn. Tất cả các ngành đều phải có nghĩa cử với ngành giáo dục. Mỗi ngành nên tìm hiểu và hỗ trợ cho một số thầy cô nghèo, đừng ngồi đợi chính phủ. Kiến nghị chính phủ thì cứ kiến nghị, nhưng mình chủ động hỗ trợ sớm ngày nào hay ngày ấy, giúp được người nào thì đỡ người ấy. Bàn tay chúng ta dù nhỏ bé, nhưng nhiều bàn tay thì cũng làm được không ít chuyện.

Và những chuyến đi ấy, tôi dẫn con trai mình theo, cùng với cô bạn thân là Thảo. Chúng tôi len lỏi vào tận xã ấp vùng sâu, trao quà tận tay thầy cô giáo. Ban đầu họ rất ngỡ ngàng, vì thấy tôi là người lạ hoắc, sao lại tự dưng đem quà đến tặng. Một hồi chuyện vãn, cô giáo mới hiểu lòng tôi, và mỉm cười hạnh phúc. Bởi không chỉ món quà, mà cô thấy tôi đã hiểu được nghề giáo của cô, chia sẻ, đồng cảm. Món quà tinh thần ấy mới thực sự lớn đối với cô. Cô còn có một mẹ già lụm cụm mà cô phụng dưỡng, rồi chẳng dám lấy chồng. Hai mẹ con nương nhau mà sống, xem chừng khá vất vả. Bà cụ nghe tiếng khách đến, chầm chậm bước ra, rồi nở nụ cười đôn hậu, làm tôi nhớ má tôi muốn khóc. Tôi biếu bà và cô hộp trái vải, hộp nho khô, cùng nhiều thức ăn khác như trà, cà phê, kẹo, mứt, dầu ăn, lạp xưởng, thịt hộp…chắc tạm đủ ăn tết. Thêm cái túi xách rất xinh để cô đi dạy hoặc đi dự đám tiệc, lễ lạc. Cô mừng quá chừng. Con trai tôi nhìn căn nhà tole nhỏ bé, thấp lè tè và nóng bức của cô, nó càng cảm động. Những dịp thế này là cơ hội giáo dục để lớp trẻ biết sống yêu thương, nhân đức. Lý thuyết suông không bằng những hành động cụ thể. Hai mẹ con ra về mà lòng cứ thổn thức với hình ảnh thầy cô giáo quê mình.


Tôi còn gởi Trúc mang về Phan Thiết 5 phần quà nữa để biếu thầy cô dạy trên núi cao. Tôi cũng gởi sư cô chùa Long Nguyên mang về mấy phần biếu thầy cô ở Quãng Ngãi, cũng dạy các em học sinh người dân tộc trên núi cao. Ước gì mấy tay “đại gia” bớt ăn chơi phung phí mà lo cho giáo viên thì đỡ biết mấy. Chỉ cần mỗi người chăm sóc cho 10 giáo viên thôi, góp lại cũng nhiều lắm.

Không ngờ lòng mong mỏi của tôi đã được Phật trời gia hộ. Năm nay cô bạn thân của tôi là Phụng đã đọc blog của tôi, và vận động mạnh thường quân tặng quà cho thầy cô giáo. Phụng và các bạn đều không giàu có gì lắm, chỉ vừa khấm khá đây thôi, nhưng đều có tấm lòng nhân ái đáng cảm phục. Thế là tết này tôi sẽ mua thêm nhiều phần quà nữa. Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn Đức Phật, cảm ơn bạn bè. Cuộc đời vẫn đẹp sao…
                                                                                                  10-12-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét