VUI BUỒN CHUYỆN NẤU CƠM CHAY
Funny Home Club phát cơm chay được 2 lần, nhưng chuyện vui buồn cũng đã nhiều. Nhật ký ghi lại để kỷ niệm những ngày đáng nhớ
Phật “linh” hết biết!
Thật sự tâm nguyện nấu cơm chay cho người khác ăn đã nung nấu trong lòng cô Kim rất lâu rồi. Cho nên, mỗi ngày cuối tuần, mỗi dịp tiệc tùng, mỗi lần cúng giỗ, cô Kim đều không ngại vào bếp, bày biện món này món nọ. Một người ăn chỉ một bữa chay thôi, cũng đã đem một chút an lành cho chúng sinh và môi trường. Nấu mà nghĩ như vậy nên vui trong bụng, làm mệt mà không…quạu.
Rồi hôm nọ, tự nhiên đề xuất với các bạn trong club, là nhân mùa Phật Đản chúng ta nấu vài bữa đãi mọi người ăn, coi như một hoạt động chúc mừng sinh nhật Đức Phật. Tiệc chay đón sinh nhật, cũng hay chứ! Thế là cô cùng các bạn gom góp tiền với nhau, tự làm, chưa dám đi vận động ai. Có bạn 10.000đ, có bạn 20.000, có bạn “xịn” lắm là 50.000. Nhưng thật sự những đồng tiền đó được trích từ khoản trợ cấp ít ỏi của gia đình gởi lên cho mỗi bạn, hoặc tiền lương công nhân viên chức eo hẹp thời bão giá. Cho nên, cầm 20.000 đ mà “nặng” tay, “nặng” lòng. Nhưng cảm động rưng rưng vì trái tim chứa đựng trong đó.
Thầy trò gom góp xấp xỉ 1 triệu đồng, định nấu chừng 200 suất thôi. Ai ngờ, bà con đến ăn cơm đông quá, đành chạy mua thêm nguyên liệu nấu luôn hơn 400 suất. Đang lúc “hơi lo” thì cô Kim có một mạnh thường quân ủng hộ lập tức. Và cả nhóm nấu luôn buổi chiều hơn 200 suất nữa, tổng cộng 670 suất, số tiền vừa đủ. Cười hi hi khoái chí.
Nhưng còn khoái chí hơn nữa, khi đã đủ tiền nấu rồi, mà lại có cú điện thoại của cô Hà (cty Kiết Tường) gọi đến: “Chị ơi, em chuyển khoản cho chị 3 triệu nghen”. Mèn ơi, Phật “linh” quá xá! Vậy là lần sau mình có tiền nấu nữa. Cả nhóm reo lên sung sướng.
Chưa hết, đến tối, gởi mail cho thầy Phổ Hòa bên Mỹ, kể lể niềm vui sáng nay. Thầy mail lại, có một vị Phật tử mới gởi tiền cho thầy nhờ giúp bệnh nhân nghèo ở VN, mà thầy chưa biết chuyển cho ai, may có Diệu Kim làm vụ này rất hợp, vậy thầy sẽ chuyển cho Diệu Kim. Trời, mình như chuột sa hũ nếp! Lại reo lên.
Qua hôm sau, đi làm việc, ngồi “tám” với mấy chị bạn, chị gởi liền mấy trăm ngàn ủng hộ. Không ngờ quỹ của mình phát triển như vậy. Không cần nhiều, chỉ cần lai rai có tiền nấu hết lần này tới lần khác là được. Chắc Phật thương tụi nhỏ phát tâm mãnh liệt quá. Nhưng dù quỹ có nhiều, các bạn vẫn đóng góp, cũng 20.000đ “nặng” cả trái tim. Mà thôi, những lần sau các bạn chỉ góp công nấu nướng là đã nhiệt tình lắm rồi. Trời nắng nóng, bếp lại nóng, thật vất vả. Vậy là đủ cảm động!
Trợ duyên cho người ăn chay
Mấy trăm người trong khu phố đến lấy cơm, trong đó có khoảng 30% không phải người nghèo, mà là người thích ăn chay nhưng không có thời gian và điều kiện nấu, cũng khó gặp quán chay để mua. Cho nên cô bác đến ăn với mình, mình phải trân trọng nghen các bạn. Có nhiều cô chú thuộc thành phần trí thức, kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt lấy cơm. Mình phải vừa làm vừa tiếp tân để các cô chú vui vẻ. Khi nào có điều kiện thì các cô chú sẽ phát tâm cúng dường hoặc bố thí nơi khác, nghĩa là mọi người sẽ đi lòng vòng hỗ trợ lẫn nhau, chẳng mất mát gì đâu mà lo.
Nhiều cô bác phải chạy tới chạy lui đến 3 lần mới có cơm, vì chúng ta nấu không kịp với tình hình đột xuất tăng thêm như thế. Mình thương ghê. Mấy em nhỏ tan học trường phổ thông về ngang cũng nhất quyết chờ ăn cho được món mì xào thập cẩm. Có em trong xóm tóc nhuộm vàng khè, mặc đồ quậy quậy, nhưng vui vẻ ăn chay, ngộ ghê chưa! Hạt giống thiện vẫn nằm đâu đó trong tim các em, mình tin tưởng một ngày nào đó, hoặc một kiếp nào đó, hạt giống ấy sẽ lớn thành cây bổ đề. Bữa cơm chay này xin hồi hướng công đức cho tâm bồ đề của các em mau lớn lên giữa cuộc đời đầy gió bão.
Một trường hợp thật cảm động. Có dì nọ trong xóm theo đạo Thiên Chúa, nhưng chồng của dì là Phật tử, đã qua đời lâu rồi. Dì xin phần cơm chay về cúng chồng. Tình nghĩa đến như vậy, nhớ và trân trọng đức tin của chồng. Cuộc sống có những cư xử bình thường giản dị nhưng chúng ta phải cúi mình xuống mà học hỏi.
Lạ thành quen
Phát cơm ở bệnh viện không đơn giản như mình nghĩ ban đầu. Hồi tháng trước, có đem ra bệnh viện quận 4 phát 2 lần, nhưng rồi người ta không cho vào nữa, bắt làm đơn xin phép, mình phát bực. Vậy chứ bệnh nhân mua đồ ăn trôi nổi ở mấy cái quán vỉa hè đó liệu có bảo đảm an toàn vệ sinh hay không. Người ta còn bán thịt bẩn, thịt lậu, cá ướp hóa chất nữa kìa.
Bỏ quận 4, đến bệnh viện Bình Dân, BV Nhiệt đới khảo sát, hóa ra cũng y vậy. Bà bác sĩ phó giám đốc nói: “Chúng tôi rất cảm ơn chị, nhưng phải làm theo quy tắc thôi. Bởi có lần bệnh nhân ăn bị ngộ độc, đổ thừa bệnh viện quá chừng. Bây giờ phải có đơn, rồi có mẫu thức ăn giữ lại sau mỗi lần phát, để nếu sự cố xảy ra thì chúng tôi kiểm nghiệm mẫu đó, quy trách nhiệm rõ ràng”.
Mình nghĩ, vậy cũng không công bằng. Có thể thức ăn khi phát thì đạt chất lượng, nhưng tới chiều người ăn mới bị ngộ độc, đem mẫu ra đối chiếu thì mẫu đã chua, ôi thiu (vì để trong bọc cả ngày, làm sao nguyên vẹn được), không lẽ mình gánh trách nhiệm? Bị ngộ độc cũng do nhiều nguyên nhân, có khi tay chân người ăn không rửa sạch, có khi chén đũa không vệ sinh, làm sao phân biệt được.
Bà bác sĩ nói, “thà chị ở ngoài cổng bệnh viện thì làm sao cũng được, phát thoải mái, chứ bước vô cổng thì tụi tôi phải chịu trách nhiệm, phải có cái đơn chị à”. Mình gật đầu ngay, vậy tụi tôi ở ngoài cổng nghen. Bà bác sĩ đồng ý. Thật ra bà rất muốn như vậy, đỡ phải quản lý cho mệt. Mình cũng mừng vì đỡ thủ tục rườm rà.
Nhưng tự nhiên không có hứng thú phát ở bệnh viện Nhiệt đới nữa. Còn BV Bình Dân thì đã có bếp ăn từ thiện. Mà đã cận ngày lắm rồi, một núi công việc cơ quan lẫn khâu chuẩn bị rau củ, mình không còn thời gian đi khảo sát nơi khác. Tới ngày, 6 chiếc hon da chở 12 thành viên và hơn 200 suất cơm chạy thẳng băng ra BV Nguyễn Trãi, vừa đi vừa hỏi đường vì…quên mất BV nằm ở đâu. Mình niệm Quan Âm Bồ Tát, xin gia hộ cho con nếu có duyên với BV Nguyễn Trãi thì sẽ phát xong. Cứ tin vào chữ “duyên”, và tin Phật, tin Bồ Tát. Bao giờ mình cũng có niềm tin tuyệt đối như thế.
Tới nơi, mình nhảy xuống xe, chạy ngay vào các khoa phòng để thông báo. Nhưng BV lớn quá, mình chạy lung tung, leo lầu, xuống lầu, vòng hết ngõ này đến ngõ khác mà thấy…vắng hoe. Đi lạc tới khu nhà xác nữa chứ! Hóa ra, đi nhằm khu nhà giàu, toàn phòng máy lạnh. Lát sau, Rani và Thảo cận nóng ruột chạy vô “tiếp thị” phụ mình, thì mấy thầy trò mới vô đúng khu bệnh nhân nghèo đang nằm ngổn ngang, người nuôi bệnh trải cả chiếu ra hành lang lăn lóc bụi bặm. Lập tức mọi người ùa ra cổng lấy cơm, chỉ 15 phút là hết sạch.
Lần thứ hai ra phát, cũng 15 phút là xong. Bây giờ thì mọi người đã quen với nhóm của mình rồi, và nhất định thứ bảy sẽ chờ cơm. Ráng lên các bạn, đừng bỏ ngang tâm huyết của chúng ta.
Những cô tiểu thư làm bếp
Trong club có rất nhiều nàng công chúa và hoàng tử tay yếu chân mềm. Có bạn chưa quen cầm dao, có bạn chưa biết “cái sạn” là cái gì, có bạn chưa hề vác nặng… Vậy mà chỉ qua một hai buổi tham gia, các bạn trưởng thành đến bất ngờ. Coi vậy mà đảm đang ra phết! Không ai là kém năng lực, chỉ tại các bạn chưa có động cơ để rèn luyện, chưa có niềm vui để làm. Ở nhà, cha mẹ cưng con, gánh vác hết mọi việc cho con toàn bộ thời gian ăn học, nên con “dở ẹt”. Khi thử thách, mới thấy bạn nào cũng giỏi, cũng ngoan.
Đáng nể nhất là bạn Mơ, ăn chay trường mà khỏe mạnh vô cùng. Mơ ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ bên bếp than để chiên cơm dương châu mà không than một tiếng. Hết chiên cơm, Mơ xông vô dọn dẹp, chùi rửa từng li từng tí, ai cũng thương.
Bạn Nương, bạn Thảo cận, bạn Hoa, bạn Trúc thuộc hàng “top”, khỏi cần khen cũng biết là giỏi cỡ nào.
Còn bạn Trung Kiên, bạn Vỹ vịt con, bạn Thảo (Nhật), bạn Hiền ngày thường “rên rên” vậy mà cũng chạy theo tới bến, không hề thua kém. Đặc biệt nhất là em Đạt, đi chợ vác mấy chục ký mì về nhà, ai cũng xuýt xoa. Anh Tín giỏi nên em cũng giỏi theo, tại em còn nhỏ ham chơi chút đỉnh thôi há!
Các bạn khác đều nỗ lực và vui vẻ góp sức, có bạn đi từ 4, 5 giờ sáng, tội nghiệp ghê chưa! Và dù mới làm quen với CLB nhưng các bạn rất thân thiện, gần gũi. Thậm chí, nghe cô Kim “la” suốt buổi mà vẫn cười hì hì, hổng có giận hờn gì hết.
Các bạn ơi, kỷ niệm dễ thương quá phải hôn? Mai này khi ra đời, ngồi nhắc lại chắc là sẽ cảm động lắm đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét