Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Bị cướp ở mọi nơi


Bị cướp ở mọi nơi
30/11/2012
TT - Đã có gần 700 email phản hồi của bạn đọc về tình trạng cướp giật táo tợn trên đường phố ở TP.HCM. Trong đó có nhiều người là nạn nhân kể lại câu chuyện của mình như một lời cảnh giác cho những người khác.
* Rời ngân hàng, bị cướp
Khoảng 11g ngày 22-11, sau khi rút tiền tại ngân hàng trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh), tôi về đến đường Võ Thị Sáu thì bị bốn người đi trên ba xe máy ép, dàn cảnh đụng xe và cướp của tôi 50 triệu đồng. Hiện nay tình hình cướp giật tại TP.HCM quá báo động. Đề nghị cơ quan công an cần tăng cường tuần tra, tấn công bọn cướp giật để người dân được sống bình an. phanbinhtuy@...
* Đón taxi bị giật dây chuyền
Tôi sống tại đoạn đường Trần Hưng Đạo, nơi xảy ra vụ cô gái đang đi bộ bị đối tượng chạy xe máy giật giỏ xách. Cách đây khoảng hai tháng, người nhà tôi cũng bị giật dây chuyền khi đón taxi ở đây. Hai tên cướp đi xe máy, dàn cảnh cản đường taxi tấp vào lề để đón khách, sau đó chúng len vào giữa taxi và khách, rồi giật dây chuyền một cách rất nhẹ nhàng. Người dân khu vực này cần cẩn thận vì đoạn đường ở đây rộng rãi, có nhiều nhánh chạy ra đại lộ Đông - Tây và các ngả đường khác để tẩu thoát. sarom1982@...
* Đổ xăng, bị cướp túi xách
Khoảng 21g ngày 22-11, trên đường đi làm về tôi ghé cây xăng trên đường Kinh Dương Vương để đổ xăng. Lúc mở yên xe để đổ xăng, bất ngờ một người đi xe tay ga chồm lên giật phăng túi xách để trong cốp xe của tôi gồm giấy tờ và tiền bạc. Vì quá bất ngờ nên không ai phản ứng kịp. Tôi mong ngành công an phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng cướp giật, vì hiện nay chúng quá lộng hành, quá manh động và không từ thủ đoạn nào. Bich Thuyên
* Nhiều nạn nhân
Cuối tháng 6 vừa qua tôi bị cướp túi xách, trong đó có laptop và tài liệu quan trọng. Tôi bị cướp ở đường Trần Xuân Soạn (Q.7). Sau khi bị cướp, tôi tới trình báo công an phường thì nghe một anh công an nói rằng mấy vụ này khó tìm ra thủ phạm lắm. Đúng là khó thật, vì từ đó đến nay cũng chưa có thông tin gì.
Tôi kể chuyện này cho bạn bè thì nhiều người kể họ từng bị cướp, ít nhất là một lần, trong đó nhiều người bị cướp dọc đường Trần Xuân Soạn. Tình trạng cướp giật như vậy rất nguy hiểm cho người đi đường. Giờ tôi cảm thấy rất bất an khi ra đường. Nhất Hoàng
* Cướp trong hẻm
Buổi sáng đi làm, vừa chạy xe đến một khúc cua trong hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, bất ngờ tên cướp trờ tới giật túi xách đựng laptop của tôi. May là tôi cẩn thận quàng quai túi xách vào móc xe nên túi xách bị vướng lại, vụ cướp giật bất thành. Khi tôi tri hô thì tên cướp đã bỏ chạy, hỏi ra người dân gần đó cho biết đã xảy ra mấy vụ cướp tại khúc cua này. Những ngày sau đó đứng trên gác trọ quan sát, tôi vẫn thấy tên cướp lượn ra lượn vô mấy vòng của khu hẻm. Sau đó khoảng hai ngày, tôi lại nghe một chị trong hẻm kể mới bị giật túi xách để trên xe, theo mô tả thì đúng như tên cướp hôm trước tôi gặp. Hình như tên này chuyên cướp trong con hẻm nhà tôi. Tôi kể ra đây mong mọi người cẩn thận tự bảo vệ mình trước và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người dân cảm thấy an tâm hơn khi ra đường.Linh Nhi
* Chỉ một đối tượng
Tại khu vực đường Dương Quảng Hàm và đường số 20, P.5 và P.6, quận Gò Vấp, tôi bị kẻ cướp giật dây chuyền làm cả xe và người ngã xuống đường. Ở khu vực này, tôi đã chứng kiến vài người khác cũng bị cướp dây chuyền như tôi. Đối tượng cướp là một thanh niên chừng 20-25 tuổi, chạy xe một mình. Qua lần bị cướp và nhiều lần chứng kiến người khác bị cướp, bây giờ ra đường tôi rất sợ hãi.
Tôi nghĩ để bắt được đối tượng cướp này không khó. Chỉ cần cho một phụ nữ mang nữ trang ở cổ và công an giả đóng dân thường núp quanh đoạn đường đó thì chắc là bắt được. Mong ngành công an ra tay, không nên để kẻ cướp nhởn nhơ ngoài xã hội như thế. rubynguyen20185@...
Những cách tự bảo vệ
Đây là một số gợi ý nhằm giúp người dân tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật đang lộng hành:
1. Không nên đeo trang sức giá trị cao như vòng vàng, lắc, dây chuyền, hoa tai... khi ra đường. Nếu có đeo trang sức đắt tiền, cần trang bị áo khoác, khăn choàng... nhằm tránh thu hút sự chú ý của các đối tượng cướp giật.
2. Khi lưu thông trên đường mà có mang giỏ xách, máy tính xách tay thì cần cho vào cốp xe hoặc cài quai đeo giỏ xách, balô, cặp... vào móc xe cẩn thận, tránh sơ suất tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tội phạm ra tay. Lưu ý không nên đeo giỏ xách, balô trên người hoặc để ở baga phía trước.
3. Tránh nghe điện thoại di động khi đang đi trên đường mà nên dừng hẳn xe, đỗ vào lề đường để nghe.
4. Khi sử dụng các loại xe máy đắt tiền cần tránh/hạn chế đi vào những tuyến đường vắng người, tối hoặc khi đêm khuya để đề phòng bất trắc. Khi có nhu cầu phải đi cần đi cùng người thân, chú ý quan sát phía sau bằng gương chiếu hậu để nhận biết xem có đối tượng khả nghi bám theo không để xử lý kịp thời.
5. Khi rơi vào tình huống bị cướp giật hoặc bị gây thương tích do cướp giật, người dân cần cố gắng giữ bình tĩnh, tìm cách bảo toàn tính mạng và tri hô lớn, rõ ràng để có người hỗ trợ. Gặp cướp có vũ khí nguy hiểm thì không nên kháng cự hoặc cố gắng giữ tài sản đến cùng, tránh tình trạng đối tượng phạm tội sẽ manh động và gây án đến cùng, dẫn đến thiệt hại tính mạng cho người dân.
6. Nếu chẳng may bị cướp giật, người dân cần đến trình báo cơ quan công an nơi xảy ra sự việc hoặc công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý. Khi trình báo cho cơ quan công an cần nêu địa điểm, thời gian xảy ra sự việc, nhận dạng bọn cướp, biển số xe, loại xe... giúp cơ quan công an khoanh vùng đối tượng.
7. Cuối cùng, người dân nên theo dõi trên các phương tiện thông tin truyền thông để kịp thời nắm bắt các hình thức gây án mà bọn tội phạm hay ra tay, các tuyến đường “nóng” thường xảy ra cướp giật... để phòng ngừa, ứng phó. Người dân cũng nên quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân để bảo vệ tính mạng, tài sản và ngăn chặn hành vi phạm tội nếu thấy vụ việc xảy ra.
LS NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN
Táo tợn chặt tay người đi đường cướp tài sản
TTO - Một vụ cướp táo tợn vừa xảy ra trên cầu Phú Mỹ (Q.2, TP.HCM) khi một nhóm cướp bám theo một cô gái đi xe máy rồi dùng dao chặt đứt khuỷu tay nạn nhân để cướp tài sản.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, sau khi phẫu thuật đưa sang phòng hồi sức cấp cứu, nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Thúy (28 tuổi, ngụ P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) đã tỉnh táo và thều thào kể lại sự việc xảy ra khoảng 20g30 tối 24-11-2012 với mình.
Theo chị, sau khi đi đám cưới một người bạn tại Q.7, chị chạy xe SH về nhà. Đang đổ dốc cầu Phú Mỹ hướng về Q.2 thì có hai thanh niên đi xe máy chạy song song, tên ngồi sau mặc áo đen vung dao chặt thẳng vào khuỷu tay phải chị. Chị Thúy la lên “cướp cướp” thì tên cầm dao nói “còn la nữa” rồi chặt tiếp hai nhát vào khủyu tay phải khiến chị ngã xuống đường.
Tay trái cầm tay phải gần như đứt lìa, chị vẫn cố chạy, vừa chạy vừa la “cướp” để cầu cứu người dân. Ngoái nhìn lại, thấy tên cầm dao đang đẩy xe SH của chị nổ máy nhưng không thành. Sau đó có hai thanh niên khác đi xe máy chạy đến gần nói “cướp hả em” rồi giật luôn túi xách nhỏ chị mang trên người (trong túi xách có 5 triệu đồng) bỏ chạy.
Lúc này, chạy xe tới nhìn thấy, anh Đ.V.N (42 tuổi, ngụ Q.1) mới lao đến can thiệp nên bọn cướp quăng xe bỏ chạy.
Theo anh N., thời điểm trên, anh đi làm về qua cầu Phú Mỹ thấy chị Thúy ngồi trên cầu, người bê bết máu. Khi anh dừng xe, một tên cướp bảo: “Mày muốn gì” rồi cầm dao lao đến nhưng anh N.kịp rồ máy xe chạy lên một đoạn. Gặp một người đi chạy qua, anh N. nhờ người này cùng quay lại cứu chị Thúy. Thấy bọn cướp chạy về hướng quận 7, anh đuổi theo một đoạn rồi quay lại hiện trường, cởi áo bó tay chị Thúy đưa đi Bệnh viện Q.2, chuyển qua Bệnh viện Gia Định rồi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cấp cứu.
Theo cơ quan công an, sau khi thực hiện vụ cướp táo tợn, trên đường đi, nhóm cướp gặp tổ tuần tra Công an huyện Nhà Bè, phát hiện nghi vấn nên tổ tuần tra truy đuổi qua nhiều tuyến đường. Khi biết bọn cướp trốn tại khách sạn P.L. (xã Bình Hưng, Bình Chánh), tổ tuần tra phối hợp Công an huyện Bình Chánh bắt bốn đối tượng bàn giao cho Công an Q.2.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai tên Hồ Duy Trúc, Nguyễn Hoàng Phương (cùng 19 tuổi, quê Ninh Thuận, tạm trú Q.Tân Phú), Trần Văn Luộng (24 tuổi), Huỳnh Thanh Sơn (30 tuổi, cùng ngụ H.Bình Chánh).
Hiện vụ việc đang được Công an Q.2 mở rộng điều tra. Được biết, băng nhóm này đã thực hiện liên tiếp nhiều vụ cướp táo tợn trước đó.
SƠN BÌNH - MỸ THƯƠNG (Tuổi Trẻ)
Thứ Hai, 26/11/2012,
Cướp giật táo tợn trên đường phố Sài Gòn
TTO - Ngày 26-11, thượng tá Huỳnh Trí Thạnh - trưởng Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) - cho biết đã bắt được bốn đối tượng dàn cảnh đụng xe, dùng gạch đập vào đầu anh Hồ Minh Nhựt (21 tuổi, Gò Vấp) để cướp xe.
Vụ việc xảy ra vào ngày 24-11, anh Nhựt chạy xe máy trên đường Lê Đức Thọ (P.6, Q.Gò Vấp), khi đến trước số nhà 88 thì bị một nhóm thanh niên chạy xe từ phía sau đâm thẳng vào khiến anh Nhựt ngã xuống đường, các đối tượng dùng gạch đập vào đầu anh Nhựt và cướp xe tẩu thoát.
* Điều tra kẻ giật túi cô gái đi bộ ở quận 5
Ngày 26-11, Công an quận 5 (TP.HCM) cho biết đang tiến hành xác minh bắt đối tượng chạy xe máy giật túi xách của một cô gái đi bộ trên lề đường Trần Hưng Đạo. Cảnh cướp giật táo tợn này bị một camera quan sát ghi lại.
Theo chiều kim đồng hồ: Cảnh chụp lại từ video clip cho thấy tên cướp chạy xe máy từ phía sau trờ tới chị Phượng đang đi bộ, giật túi xách của chị khiến chị lảo đảo và té sấp. Xử lý ảnh và đồ họa: TR.N.
Đoạn video cho thấy đối tượng thực hiện vụ cướp mặc áo màu nâu, đội nón lưỡi trai chạy xe tay ga màu đen lao từ phía sau với tốc độ lớn và giật túi xách của cô gái trong chớp nhoáng. Do sự việc xảy ra bất ngờ, cô gái bị kéo theo một đoạn và té ngã nằm úp mặt giữa đường, còn đối tượng rồ ga bỏ chạy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lê Phước Trường - trưởng Công an Q.5 (TP.HCM) - cho biết vụ giật túi xách trong đoạn clip xảy ra tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (P.10, Q.5) được xác định khoảng 7g10 đến 7g15 ngày 23-11. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, ngụ Q.Tân Phú). Sau khi bị cướp, chị Phượng đã đến Công an phường 10 (Q.5) trình báo vụ việc. Công an Q.5 đang tiến hành xác minh để bắt đối tượng.
* Bị bắt khi giật dây chuyền trị giá 1.300 USD
Ngày 26-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.5 (TP.HCM) đang tạm giữ đối tượng Diệp Xương Đạt (23 tuổi, ngụ quận 10) về hành vi cướp giật tài sản.
Vào trưa 26-11, tổ trinh sát đặc nhiệm Công an TP.HCM phát hiện Đạt chạy xe máy trên đường An Dương Vương có dấu hiệu nghi vấn nên bám theo. Đến trước số nhà 201 An Dương Vương, Q.5, Đạt bất ngờ tăng tốc, áp sát giật sợi dây chuyền trị giá 1.300 USD của cặp vợ chồng Việt kiều Úc chạy xe cùng chiều rồi tẩu thoát. Ngay lập tức, các trinh sát truy đuổi theo và bắt được Đạt trên đường Mạc Thiên Tích (P.11, Q.5).
HOÀNG LỘC (Tuổi Trẻ)
Nhức nhối tội phạm ở công viên
TT - Công viên Phú Lâm và công viên 23-9 (TP.HCM) đang không yên ả bởi những đối tượng sẵn sàng trộm cướp, trấn lột khi người dân thiếu cảnh giác.
Sau nhiều ngày có mặt ở hai công viên này, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến nhiều vụ dàn cảnh trấn lột, cướp giật và trộm tài sản như chốn không người.
Dàn cảnh cướp giật
Khoảng 23g ngày 12-11, tại trạm xe buýt trước cổng công viên Phú Lâm, chúng tôi tấp vào công viên khi thấy gái “ăn sương” mời gọi. Đang trao đổi thì một nhóm thanh niên lao ra cùng hai xe ôm bên ngoài đứng quanh chúng tôi “nói chuyện”. Một tên trong nhóm túm ngực, bảo: “Chọc gái định bỏ đi, không đưa tiền tao giết mày...”.
Chúng tôi phải mở bóp đưa 300.000 đồng rồi năn nỉ nhóm “đàn anh” mới thoát được. Trước đó, lúc 19g ngày 10-11, khi giả dạng người nhà quê mới từ An Giang lên Sài Gòn, mang balô đi lại hướng nhà bán vé cuối công viên, chúng tôi liền bị một nhóm “ma cô” kéo vào một góc khuất, dùng dao bấm gí vào cổ. Bọn chúng ngang nhiên lục soát balô lấy 160.000 đồng, một tên trong nhóm trấn lột trước khi bỏ đi còn ngoái lại tát một cái vào đầu.
Tại công viên 23-9 (Q.1), khoảng 17g30 ngày 7-11, chúng tôi đặt balô ngồi tại ghế đá trong khu A công viên, cách chốt trực bảo vệ khoảng 40m. Lúc này, một cụ ông đi bộ sà vào ngồi cùng ghế, đưa mắt nhìn chiếc bóp trong túi quần chúng tôi hồi lâu rồi đi đến một nhóm thanh niên ngồi cuối đường Nguyễn Thị Nghĩa “báo cáo”. Khoảng năm phút sau, một phụ nữ trong nhóm dáng người gầy còm tiến đến định giật bóp, nhưng thấy chưa thuận tiện liền dùng tay cầm mảnh khăn trắng quay trên đỉnh đầu ra “ký hiệu” cho đồng bọn hỗ trợ.
Ngay lập tức, một thanh niên đội mũ lưỡi trai sùm sụp tiến lại gần, dù đang hút chưa đầy nửa điếu thuốc nhưng thanh niên này liền quăng đi và tiến đến chỗ chúng tôi mượn hộp quẹt. Thanh niên này tay mồi thuốc, miệng bắt chuyện tới tấp để kéo dài thời gian. Lúc này, người phụ nữ mặc áo hồng quay lại phía sau, khom người thò tay móc chiếc bóp nhẹ nhàng, bỏ vào trong áo khoác quấn lại rồi đi nhanh về hướng cuối công viên băng sang đường Phạm Ngũ Lão lẩn trốn. Thoáng thấy đồng bọn “ăn xong”, tên thanh niên vỗ vai chúng tôi, nhanh chóng đi thật nhanh rời khỏi công viên. Đáng nói là suốt thời gian hơn nửa giờ chúng tôi bị dàn cảnh cướp giật, có rất nhiều người tập thể dục, đi lại trong công viên thấy rõ nhưng đều làm ngơ, không dám hé răng báo cảnh giác.
Cũng tại công viên 23-9, khi màn đêm xuống, chúng tôi còn chứng kiến không ít vụ trộm cướp liều lĩnh. Khoảng 22g ngày 6-11, chúng tôi vờ đón xe đi Khánh Hòa thăm bạn tại bến xe Phạm Ngũ Lão. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi ngồi bên vệ đường công viên cùng túi xách laptop kế bên, bất ngờ có một thanh niên đi bộ trên đường Phạm Ngũ Lão tiến thẳng đến giật túi xách đi nhanh ra xe cho đồng bọn rú ga bỏ chạy trước sự ngơ ngác của nhiều người. Bà Phương (50 tuổi, ngụ P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) đang tập thể dục nhịp điệu bức xúc kể: “Tập thể dục khoảng một giờ mà có lúc tôi chứng kiến 4-5 vụ trộm cướp, có khi người ta mang dép đắt tiền ngồi nghỉ mát cũng bị họ tháo gỡ ngay trong chân rồi bỏ chạy sang đường”...
Bi hài trấn lột
Ngoài cướp giật, trấn lột, những người chơi thể thao, hóng mát ở công viên Phú Lâm thường xuyên bị các nhóm ma cô quấy rối, hù dọa.
Chính phóng viên trong vai người đi tập thể dục cũng bị một phụ nữ núp bên cạnh phòng bán vé cuối công viên kêu “anh ơi” rồi tụt quần xuống. Ngay lập tức một thanh niên đứng kế bên la lên: “Đ.M, nhìn “hàng” phải trả tiền”, chúng tôi giả vờ làm ngơ, đi băng qua đường Kinh Dương Vương tránh mặt...
Phân chia “lãnh địa”
Theo điều tra, băng nhóm thực hiện vụ dàn cảnh cướp giật trên tại công viên 23-9 liên quan đến nhóm Mai “lé”, Hồng, Tuấn... Ngoài ra, còn nhiều đối tượng mới tụ tập về đây “kiếm sống”, chia làm ba nhóm: một nhóm hoạt động chủ yếu trên địa phận khu A, một nhóm hoạt động trên địa phận khu B và một nhóm “già neo đơn” bao gồm những người nghiện ngập tuổi xế chiều, chuyên đi “tuần” dọc đường Lê Lai trộm tài sản lặt vặt như giày, dép, mũ bảo hiểm... của những người tập thể dục mỗi chiều tối. Phần lớn họ đều có tiền án về tội trộm cướp và sử dụng ma túy, không ít lần bị bắt quả tang nhưng sau đó vẫn quay lại nơi ghế đá công viên chờ người đi đường sơ hở để ra tay.
Tại công viên Phú Lâm, những đối tượng trộm cướp lang thang quen mặt như nhóm của Phấn (Đắk Lắk), Lâm (Tiền Giang), Nhân (Hậu Giang, còn gọi “gà”)... hoạt động mạnh tay tại đây, đồng thời sẵn sàng tủa ra “ăn bay” trên những tuyến đường thuộc địa bàn các quận 5, 6, Bình Tân. Hiện Phấn, Lâm đã bị bắt về hành vi cướp giật tài sản, Nhân cũng liên quan đến vụ mâu thuẫn với nhóm giang hồ mới nổi người Hải Phòng trong công viên.
Sau thương lượng không thành, cuộc “quyết đấu” giữa hai nhóm mới đây tại một con hẻm trên địa bàn P.An Lạc (Q.Bình Tân) vào đêm 24-9 khiến một người chết và một người bị thương... Hiện nhóm người mới “lấy số” sống quanh công viên là cùng dòng họ quê Hải Phòng như Trọng, Vằn, Nhung... thường liên kết với giới xe ôm quanh công viên, gái “ăn sương” để lấy tiền bảo kê hoặc “làm thịt” khách mua dâm sau khi chiêu dụ khách vào được khách sạn quanh công viên...
Thu gom không xuể
Thượng tá Ngô Văn Thêm, phó trưởng Công an Q.6 (TP.HCM), cho biết công viên Phú Lâm là địa bàn phức tạp khi nằm ở khu vực giáp ranh giữa Q.6 và Q.Bình Tân, đồng thời là cửa ngõ bến xe miền Tây nên nhiều đối tượng lang thang tụ tập, vừa dẹp nhóm này thì nhóm khác manh nha xuất hiện. Trong năm qua, công an quận đã gom 31 đối tượng mại dâm, 295 đối tượng sống lang thang (phần lớn dính ma túy) đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, hiện các trung tâm không tiếp nhận những đối tượng như trên khiến một số đối tượng lang thang tìm về chốn cũ tụ băng tụ nhóm.
SƠN BÌNH
Chia sẻ:         
Bất an
Hiện tượng cướp giật, đâm chém ngày càng táo tợn. Có phải luật pháp của chúng ta đã quá dễ dãi nên cướp giật lộng hành?
Tất cả người dân hiên nay đang sống trong cảnh lo sợ đủ đều. Nay việc đi lại ăn ở cũng phải lo, đi xe chưa kịp bước khỏi xe cũng bị cướp, đi đường giữa buổi sáng đông người cũng bị dựng hiện trường giả cướp... Thật bất an.
Kính mong các ngành chức năng phải khẩn trương vào cuộc giúp dân. BẠN ĐỌC
Bất an
Đã từ lâu rồi nạn cướp giựt luôn là nỗi ám ảnh của mọi người khi đi ra đường. Những tháng ngày gần đây thì mức độ càng trầm trọng hơn. Thú thật không riêng vì tôi mà tất cả mọi gia đình chúng ta, khi người thân có dịp đi ra ngoài bằng xe gắn máy về trễ là đã thấy lo. Thứ nhất là tai nạn giao thông, thứ hai là bị trấn lột, cướp giựt. Tôi nhớ không lầm thì thời bao cấp xã hội mình đâu có mất an ninh, trật tự như bây giờ?
Thật đáng buồn & đáng lo sợ cho sự phát thiếu đồng bộ này. TRẦN VĂN HÒA
Nguy hiểm vẫn luôn ở xung quanh
Đây đúng là nỗi lo cho tất cả mọi người. Cướp giật ngày càng lộng hành làm mất an ninh trật tự. Xin công an hãy vào cuộc kịp thời nhanh chóng để người dân đỡ hoang mang hơn. DƯƠNG LINH
Cùng nhau chung tay bắt cướp
Hiện tượng cướp giật ngày càng nhiều và để lại nhiều hình ảnh không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam... Tôi đã từng chứng kiến vài vụ người nước ngoài bị giật túi xách tại trung tâm quận 1, nhưng hiện nay hành động của bọn chúng ngày một táo tợn hơn. Đề nghị các cơ quan chức năng tìm cách khắc phục. Và theo tôi, người dân chúng ta cũng cần phối hợp cùng nhau như vậy mới có thể làm giảm tình trạng trên. Đừng thờ ơ đứng nhìn khi người khác cần đến sự giúp đỡ.
Với công nghệ thông tin ngày nay, tôi tin chỉ cần những hình ảnh của bọn cướp được đưa lên các trang mạng xã hội thì sẽ dễ dàng tìm ra chúng (ví dụ vụ cướp ở đường nguyễn hữu cảnh hướng ra chân cầu Sài Gòn, nhờ đoạn video clip được đăng trên một trang mạng mà các cơ quan chức năng đã truy tìm ra được bọn cướp). Thiết nghĩ, Quốc hội cần phải tăng mức hình phạt đối với loại tội phạm này nhằm góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, để Việt Nam đẹp hơn trong mắt du khách nước ngoài và là điểm đến an toàn. ROSA LEE
Táo tợn
Mong các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn đối với các đối tượng đó. Không thể để người dân vô tội sống trong cảnh sợ hãi khi đi ra đường được. Đó là những con sâu làm đen tối đi bộ mặt thanh niên ngày nay. PHẠM VĂN VÀNG
Cần tiếp tục đấu tranh triệt phá bọn cướp giật
Cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chúng ta cũng cần phát huy vai trò của địa phương, nơi nào để tình trạng cướp giật xảy ra nên qui trách nhiệm thuộc về cơ quan, địa phương đó. Đã đến lúc các ngành chức năng nên vào cuộc. Tôi hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã đưa các vụ việc này lên và tôi cũng mong mỏi là báo chí nên quyết tâm hơn trong việc này. LÊ VĂN DŨNG
Cướp giật lộng hành: Căm phẫn !
Thứ Năm, 29/11/2012
(NLĐO)"Căm phẫn". Đây là ý kiến chung của hàng ngàn bạn đọc phản hồi sau bài viết bọn cướp chặt tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy vào tối 24-11 trên đường dẫn lên cầu Phú Mỹ để cướp túi xách và xe máy.
Không phải đến khi vụ việc chặt tay cướp xe của chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy diễn ra người dân mới cảm thấy cuộc sống của mình luôn bị đe dọa. Từ nhiều năm qua, trộm cướp luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Càng ngày, hành động của bọn chúng càng dã man, xem nhẹ tính mạng của người khác, bất chấp hậu quả.  
Không thể dung tha
Một bạn đọc, bức xúc: “Tội ác không thể dung tha, các quan tòa khi xét xử băng nhóm này xin nhớ tình tiết "cố ý sát thương" hoặc "cố ý giết người" trước khi ra tay "cướp tài sản" của người vô tội. Dư luận quần chúng chắc chắn rất đồng tình nếu tòa xử bọn này khung hình phạt cao nhất có thể. Lực lượng công an nên tổng ra quân lập lại trật tự về an ninh cho bà con được nhờ vì cận tết rồi, bọn tội phạm này sẽ tăng cường hoạt động nhiều hơn, bọn chúng thường sử dụng ma túy nên ra tay rất liều lĩnh. Trong đợt Tết này nếu có ân xá nên chú ý đến đối tượng nghiện ngập, nếu không thực sự hoàn lương thì hạn chế cho về vì chắc chắn xã hội sẽ gánh chịu thêm nhiều hậu quả”.
Một bạn đọc khác phân tích: “Cả hai đứng sửa xe khi nạn nhân nằm gần đó, còn hai tên còn lại tiếp tục giật ví. Nên khép bọn cướp vào “tội giết người cướp của" chứ không chỉ là cướp giật tài sản, gây thương tích. Cộng các tội có thể tử hình”. Điều đáng nói là số tài sản thu được sau khi bọn cướp bị bắt lên đến 8 xe tay ga. Số xe đã tiêu thụ chắc gấp nhiều lần và số nạn nhân chắc càng khủng khiếp hơn.
Bạn đọc tên Nguyễn, đề xuất: “Liệu những tên cướp dã man này có thể cải tạo được không? Nếu cải tạo xong thì bọn chúng sẽ làm gì với "thành tích" như vậy? Nên chăng loại khỏi đời sống xã hội để xã hội cũng bớt đi những mối nguy đang ngày đêm rình rập người dân lương thiện”.
Trước thực trạng dã man này, bạn Thanh Minh mỉa mai: “Đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về bọn cướp này. Nặng thì đòi lấy mạng, nhẹ cũng đòi chặt tay. Thật kỳ lạ, bây giờ chỗ an toàn nhất đối với bọn chúng lại là nhà tù”. Bạn đọc Trần Đình, bày tỏ: “Mất nhân tính. Tội phạm ngày càng trẻ hóa, hung tợn và cực kỳ mạnh động. Nếu Lê Văn Luyện được xem là khởi điểm cho tội phạm máu lạnh tuổi teen, thì giờ đây tội phạm dạng này ngày càng nhiều. Pháp luật cần phải có khung xử phạt linh động đối với những trường hợp đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Nếu không, người dân luôn sống trong nơm nớp lo sợ”.
Bức xúc trước hành vi của bọn cướp, bạn đọc Hữu Trí đề nghị: “Bọn này hết sức dã man, đây không đơn thuần là vụ cướp, mà là cố ý giết người cướp của. Trong khi đối tượng của chúng chỉ là một phụ nữ hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Pháp luật phải tăng tối đa hình phạt, kể cả vượt khung tù đối với chúng và kiên quyết không ân xá với bọn dã man này”. Một bạn đọc khác bày tỏ: “Bọn cướp này cho đi tù vài năm, khi ra tù cũng trở lại đường cũ thôi. Luật pháp mạnh tay thì tội sẽ không còn chốn dung thân”.
Trước thực trạng trên, một bạn đọc cho biết: “Vì đồng tiền con người ta bất chấp tất cả ngay cả việc cướp mạng sống của người khác như giết một con gà. Xã hội bây giờ xuống cấp quá, vì tôn thờ chủ nghĩa vật chất một cách mù quáng”. Nhiều bạn đọc khác cảm thán: “Giờ ở trong nhà, cửa đóng then cài mà vẫn cứ sợ. Đọc lịch sử cha ông nói thời vua Lê Thánh Tông tối ngủ không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không phải của mình thì không ai nhặt... nghe  sao mà mơ ước quá!”.
Ai bảo vệ người dân ?
Nói về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, bạn đọc Kiên Hùng đặc vấn đề: “Các vị chức sắc khi tiếp xúc cử tri liệu có thời gian để đọc những thông tin như thế này không ? Nếu có đọc thì các vị sẽ nghĩ gì và phản ứng thế nào? Tôi và các bạn, chúng ta hy vọng sẽ có vị nào đó lên tiếng”.
Bạn Đăng Khôi, bức xúc: “Chính quyền chưa làm hết trách nhiệm. Tôi thấy có những ý kiến trên diễn đàn rất hay, nhưng thật sự không biết cơ quan công quyền có đọc, có tiếp thu không, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ trật tự trị an. Vì sao hiện nay người dân bất an như thế, lực lượng công an cần phải xem lại trách nhiệm của mình với nhân dân và xa hơn là trước đất nước”. Một bạn đọc khác thẳng thắn: “Ăn cơm của dân, lãnh lương do dân đóng góp mà không bảo vệ được dân thì có tội với dân. Xin đừng nói những lời xin lỗi muộn màng! Băng cướp này lẽ ra phải bị diệt từ lâu mới đúng!”.
Nhiều bạn đọc cho rằng công tác trấn áp trộm cướp có vấn đề. Bạn đọc Anh Quân, cho biết: “Chỉ có một băng cướp, cùng một thủ đoạn, diễn ra trên nột tuyến đường mà để họ cướp hàng chục vụ mới tóm được. Cũng may là nhờ người đi đường can thiệp không thì cũng không bắt được băng cướp này. Vậy vai trò của công an ở đâu? Phải nói là các băng cướp thường chọn địa điểm hoạt động là nơi giáp ranh giữa các quận huyện vì họ biết rằng công an thường đổ trách nhiệm cho nhau về vùng ráp ranh này. Cũng tương tự cướp thường xảy ra ở các vùng giáp ranh Bình Dương và quận Thủ Đức (khu Đại học Nông Lâm)...".
Một bạn đọc phân tích: “Vậy chốt lại có 2 nơi bọn cướp thường xuyên hoạt động mạnh: Nơi giáp ranh giữa hai địa phương và nơi không có đèn đường vào ban đêm lại vắng vẻ. Tại sao nơi giáp ranh hai địa bàn cướp thường hoạt động mạnh? Có phải nơi đó chính quyền thường địa phương thường đùn đẩy trách nhiệm với nhau? Như vậy tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau giữa các phường chưa có. Cùng một mảnh đất một con đường chỉ là quy ước với nhau để dễ quản lý nhưng chính cái điều tưởng dễ quản lý này sinh ra cái phức tạp. chia rẻ với nhau như vậy thì cướp không lợi dụng nơi đây để hoạt động mới lạ. Đây là mặt yếu của chính quyền cơ sở”.
Một bạn đọc khác bức xúc đặt vấn đề: “Tại sao người dân khi xảy ra trộm cướp không đến báo công an? Việc này cơ quan chức năng cần xem xét lại mình! Nếu cơ quan công lực là chỗ dựa, là niềm tin của người dân thì khi gặp nạn chắc chắn họ phải tìm đến. Đừng đợi người dân đến báo rồi mới giải quyết thì chỉ là giải quyết "hậu quả" mà thôi. Lực lượng chức năng phải vì dân mà phục vụ, năng động chứ đừng qua loa chiếu lệ”.
Bất an
"Mày mà la tao phất chết ngay tại chỗ" nghe nạn nhân kể lại mà tui nghĩ không biết ở đâu và xã hội nào có tình trạng như vậy nữa. Chẳng thà nó cướp của rồi thì thôi đằng này còn chặt đứt cả tay của nạn nhân. Đã vậy còn dọa người nhìn thấy, đúng là lộng hành quá mức. Bây giờ đi đâu cũng sợ ra ngõ gặp ăn cướp vậy thì lòng dân bất an thật sự rồi, không lẽ cứ để vậy hay sao?” - bạn đọc Đào Tâm
“Cơ quan bảo vệ pháp luật hãy mạnh tay trấn áp bọn tội phạm trong truy bắt, trong xét xử nhằm bảo vệ nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Trong chiến tranh, nhân dân chúng ta đã đánh thắng các đế quốc, không lẽ trong thời bình nầy không triệt tiêu được bọn tội phạm trộm cướp?” - bạn đọc Nguyễn Thân
PHẠM HỒ (Người Lao Động)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét