Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Hội làng tràn lan cờ bạc

Hội làng tràn lan cờ bạc
TTO - Những ngày đầu năm Nhâm Thìn, khi về quê nội dự hội làng thôn La Cả, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội), tôi được chứng kiến một khung cảnh lễ hội thật buồn tẻ, nhốn nháo khi lễ thì ít mà “hội” cờ bạc và các trò sát phạt nhau thì nhiều.

Từ khu trung tâm của lễ hội là sân đình tới khắp các nẻo đường làng đâu đâu cũng thấy xuất hiện các chiếu cờ bạc nhóm họp và người dân của làng từ trẻ tới già, từ đàn bà, phụ nữ tới cánh đàn ông trung niên… đều xúm đông xúm đỏ chơi các trò cờ bạc sát phạt nhau.

Người ta bảo nhau mấy ngày lễ hội cứ chơi bạc công khai và thoải mái mà không sợ công an hay bảo vệ bắt. Chính vì thế không chỉ chơi bạc ngoài sân hội, ngoài đường làng, hầu như gia đình nào cũng “dựng” lên một vài hội bạc tại sân nhà để chơi thâu đêm.

Những hội bạc tại gia như vậy thường là các cụ già ngồi nhà chơi vì các cụ ngại ra đường đánh bạc. Mặc dù số tiền qua các ván sát phạt nhau không nhiều, song cụ nào cụ nấy đều ham mê lắm.

Cánh thanh niên thì khỏi phải nói, khi họ chơi “hết mình”, thậm chí... cháy túi mới thôi! Ngay như mấy chị, mấy bà vốn chất phác nông thôn chân lấm tay bùn quanh năm vậy mà những ngày hội xuân cũng bị trò đỏ đen lôi kéo vào cuộc, nên nhiều người tặc lưỡi “thả” vài ngàn cho tới vài chục ngàn để rồi… hi vọng!

Buồn nhất là đám trẻ nhỏ khi thấy ông bà, bố mẹ, anh chị chơi bạc và rồi chúng cũng bắt chước chơi mà không sợ bị nói, bị cấm, bởi chính người lớn đã không làm gương thì còn nói được ai, cấm được ai nữa đây (?!)

Chẳng riêng gì hội làng quê tôi mà hầu như ở tất cả lễ hội làng, xã tại nhiều địa phương mà tôi có dịp tham dự thì hội ở đâu cũng na ná nhau, khi trò đánh bạc luôn tràn lan khắp cả. Nghĩ mà buồn khi các trò chơi dân gian truyền thống của ngày xưa như bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, tung vong cổ chai, pháo đất... vui là vậy, hay là thế và thu hút nhiều người đi hội lại gần như vắng bóng, thay vào đó là quá nhiều hình thức trò chơi biến tướng nặng mùi cờ bạc.

Chúng ta đều biết cờ bạc là một loại hình tệ nạn xã hội nguy hiểm khi hậu quả của nó là tan cửa nát nhà, là gia cảnh ly tán, thậm chí tù tội… Thế mà không hiểu sao mọi người vẫn cứ lao vào như những con thiêu thân để tự “đốt” đời mình!

Để ngăn chặn được phần nào hậu họa của nhiều loại hình cờ bạc, cũng như không làm hỏng những lớp người trẻ, nhất là các em học sinh, mong rằng chính quyền các địa phương cần phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc khắc chế các tệ nạn nói chung và nạn cờ bạc nói riêng. Ngay cả trong các dịp lễ hội của làng, xã, vùng miền cũng không được “lỏng tay”, bởi chính những dịp như thế này cờ bạc mới càng bung ra, tràn lan, công khai lộ liễu đầy đường làng ngõ xóm.

GIA LONG (Hà Nội) (Tuổi Trẻ)

Cơ quan chức năng có biết?
28/01/2012 22:22:17
Tình trạng này theo như tôi biết là hầu như ở lễ hội xuân nào cũng có hết. Các loại hình cờ bạc này có nơi công khai, có nơi dựa vào các trò chơi có thưởng và sát phạt thắng thua rất lớn. Đặc biệt là ở các hội chợ hầu như không còn là những trò chơi thắng thì nhận quà mà thay vào đó là đặt bằng tiền và thắng bằng tiền. Ở quê rất ít có được những cơ hội vui chơi nhưng cứ trá hình như vầy thì không thể goi là giải trí cho nhân dân cả. Tôi rất thắc mắc là các cơ quan chức năng ở các địa phương có biết không?
TRẦN HẢI NGUYÊN

Ở Sài Gòn cũng vậy
Ngay trước cửa nhà tôi năm nào cũng có mấy sòng bạc “mở” từ trước tết nửa tháng và sau tết nửa tháng vẫn còn chơi tiếp. La hét ồn ào, chửi thề inh ỏi, nói tục không kể gì. Chơi hầu như suốt ngày, giờ nghỉ trưa cũng um sùm không để thiên hạ ngủ. Công an khu vực chạy qua thì họ đứng lên, nhưng khi chú công an đi rồi thì họ ngồi xuống tỉnh bơ chơi nữa. Cực kỳ chán!

Văn hóa xuống cấp thì người ta sinh hoạt như thế, công an có mấy cái chân cũng đi không xuể trong một khu phố rộng mấy trăm hộ. “Hiệu quả” của những năm không coi trọng giáo dục và văn hóa, đã sản sinh ra những thế hệ như vậy. Ngay bây giờ cũng chưa coi trọng văn hóa, vẫn xây nhà hàng, khách sạn nhiều hơn nhà văn hóa, rạp hát, rạp phim. Thử về tỉnh xem có bao nhiêu thị xã còn giữ lại rạp chiếu phim? Và đâu còn những đoàn phim lưu động chiếu miễn phí cho dân xem như hồi tôi còn nhỏ? Nói thật, đa số dân mình không đủ tiền để ăn tết, đừng nói bỏ ra 70.000đ mua vé xem phim, hoặc 100.000đ mua vé xem kịch. Vậy cả nhà từ cha mẹ tới con cái chỉ cần có bộ bài 5000đ là giải trí suốt mùa tết. Ăn chơi cho vui mỗi sòng vài ngàn đồng là đủ. Từ tuổi thơ như vậy, đứa bé lớn lên 16 tuổi là đã nghiện bài bạc, trở thành những con bạc thô lỗ, ồn ào như tôi vừa kể. Con đường hình thành nhân cách là thế đó.

Lỗi tại ai? Tại mỗi gia đình hay tại nhà nước? Có cả hai.
CÔ KIM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét