Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Người tiêu dùng bị móc túi

Người tiêu dùng bị móc túi: Nhiều khâu “ăn chặn”
13/04/2012 3:06
Hệ thống phân phối yếu là mảnh đất màu mỡ cho đầu cơ, thổi giá "sống" khỏe. Hậu quả của sự yếu kém đó là mỗi năm phải tốn hàng trăm tỉ đồng để thực hiện bình ổn giá.
Đầu cơ, sốt ảo
Là nước nông nghiệp, đứng hàng đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhưng ở thị trường trong nước sốt gạo, khan hiếm đường, thiếu thịt... thỉnh thoảng lại xảy ra. Điển hình là vụ "sốt" gạo hồi cuối tháng 4.2008, giá gạo bị đẩy lên gấp 2 - 3 lần so với bình thường, với mức cao kỷ lục 25.000 đồng/kg. Vụ gạo sốt ảo này là điển hình rõ nhất về sự yếu kém của hệ thống phân phối tại VN. Trong khi giới đầu cơ ém hàng, tung tin đồn khiến người dân đổ xô đi mua gạo dự trữ thì các DN kinh doanh lương thực lại không thể đưa gạo ra thị trường dù tồn kho rất lớn. “Chúng tôi muốn đưa hàng ra bình ổn thị trường nhưng không biết “đường” nào để đưa ra”, một DN từng ngao ngán thừa nhận. Sau vụ việc đó, vấn đề xây dựng hệ thống phân phối trong nước được đặt ra rất mạnh mẽ, gay gắt. “Nhưng từ đó đến nay, các DN lương thực vẫn chỉ lo xuất khẩu, còn thị trường gạo trong nước vẫn do thương lái nắm quyền phân phối với nhiều tầng nấc”, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bức xúc.
Nói về thực trạng này, một lãnh đạo DN trong ngành lương thực, đề nghị không nêu tên, cho biết trong nhiều năm qua tư nhân đã chiếm lĩnh kênh phân phối ở thị trường trong nước, họ mang hàng hóa đến tận các ngõ ngách của thị trường theo nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Bây giờ nếu DN bước ra xây dựng hệ thống phân phối đến tận tay NTD thì không thể cạnh tranh lại vì phải tốn thêm nhiều khoản thuế, phí, nhân công… Còn nếu thông qua các kênh phân phối sẵn có như siêu thị thì DN cần phải làm thương hiệu, bao bì, đóng gói… Tốn nhiều công sức, chi phí nhưng số lượng tiêu thụ không nhiều, lợi nhuận không cao. Do đó, nếu DN xây dựng hệ thống phân phối hay thông qua các kênh phân phối sẵn có như siêu thị thì vẫn không “ngon” ăn bằng các hợp đồng xuất khẩu.
Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), phân tích hệ thống phân phối kém linh hoạt nên khi xảy ra mất cân đối cung cầu cục bộ sẽ dẫn đến sốt giá. Điều này cũng xảy ra với mặt hàng phân bón. Phân phối chồng chéo, lòng vòng đẩy giá lên, người dân phải mua phân bón giá cao hơn giá trần, dẫn đến phân bón giả hoành hành. Hiện tượng chợ sỉ dội hàng, chợ bán lẻ giá cao do tồn tại quá nhiều tầng nấc trung gian, tư thương lợi dụng làm giá đang hoành hành trên thị trường phân bón.
Hao hụt 30 - 50%
Chuyên gia Juline Brun, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại VN, đồng sáng lập Hiệp hội Chuỗi cung ứng VN (Vietnam Supply Chain), cho biết đặc điểm của chuỗi cung ứng (CCU) hàng hóa của VN là rời rạc, nhỏ lẻ và phức tạp. Ngoài rất nhiều nhà cung cấp nhỏ lẻ cấp độ khác nhau còn có hàng triệu đơn vị thu mua trung gian, họ là những “ông bà mối” gom hàng và bán cho các nhà máy, nhà phân phối khác. Đó là chưa kể rất nhiều đơn vị giao nhận, vận chuyển nhỏ lẻ. Chính vì vậy, rất khó quản lý được chất lượng, giá cả, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hệ thống phân phối bị cắt vụn, nhiều khâu “ăn chặn” không chỉ đẩy giá lên cao mà còn khiến hao hụt cực lớn, từ 30-50%. Tất nhiên, mức hư hao này được khấu hao vào giá thành thực phẩm và NTD phải gánh chịu.
Cũng theo chuyên gia Juline Brun, trong CCU thực phẩm VN hiện nay, người nông dân rất tội nghiệp. Đến 80% chi phí của họ không quản lý được. Đó là các chi phí mua nguyên liệu chăn nuôi nhưng họ không thể tự định giá sản phẩm làm ra. Người nông dân bị hai đầu chèn ép, không có nhiều lợi nhuận, là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất trong CCU vốn rất yếu kém.
Người nông dân bị o ép, NTD phải mua hàng với giá cao, nhà nước thì tốn tiền bình ổn... trong khi các tầng nấc trung gian thì thoải mái làm giá, đầu cơ, găm hàng. Thực trạng này chưa biết bao giờ chấm dứt.
Tốn hàng trăm tỉ đồng để bình ổn giá
Từ năm 2002 TP.HCM phải thực hiện chương trình “bình ổn giá” một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp tết. Lúc ấy, số tiền mà thành phố dùng để bình ổn giá chỉ có 45 tỉ đồng. Con số này đã tăng gấp gần 10 lần vào năm 2011, với 412 tỉ. Số mặt hàng được bình ổn giá cũng được mở rộng sang lĩnh vực y tế và dụng cụ giáo dục. Năm 2012, nguồn vốn mà TP.HCM dành để bình ổn giá dù có giảm hơn so với năm 2011 nhưng vẫn còn khá cao, 288,6 tỉ đồng.
Tại TP.Hà Nội, năm 2010 TP tạm ứng 400 tỉ đồng cho 14 DN vay với lãi suất 0% để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu. Đến năm 2012, con số này dự kiến là 477 tỉ đồng để bình ổn giá cho 10 nhóm mặt hàng.
Không chỉ có TP.HCM và Hà Nội, hiện nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã và đang phải thực hiện chương trình bình ổn giá theo mô hình của TP.HCM.
Hoàng Việt - Chí Nhân (Thanh Niên)
Người tiêu dùng bị móc túi: Đường đi của giá
12/04/2012 3:01
Một ký gạo, bó rau hay lạng thịt đều phải qua ít nhất 4 - 5 tầng nấc trung gian với nhiều loại thuế, phí, hao hụt... đã đẩy giá lên cao.
Gạo bán trong nước đắt hơn xuất khẩu
Anh Lê Ngọc Lâm, một thương lái thu mua lúa ở Đồng Tháp và các tỉnh lân cận cho biết, giá gạo tiêu thụ tại thị trường nội trung bình vào khoảng 5.800 đồng/kg. Lúa từ đồng ruộng sau khi thu mua phải tốn thuê mướn nhân công bốc vác, chuyên chở, phơi sấy... khoản chi phí này lên đến 400 đồng/kg; chi phí vận chuyển 400 đồng cộng với tỷ lệ hao hụt do phơi sấy và một khoản lợi nhuận nhất định thì giá lúa mà thương lái bán cho nhà máy ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg. Do giá lúa lên xuống thất thường nên để chắc ăn, thương lái cộng thêm một chi phí "bảo hành lợi nhuận" từ 400 - 600 đồng/kg, giá lúa được đẩy lên mức 7.300 đồng/kg khi bán cho nhà máy. Nếu "ép" nhà máy không được, họ sẽ quay lại "ép" giá nông dân. Nhưng đây cũng mới chỉ là giai đoạn đầu trong "cung đường giá".
Sang đến khâu xay xát, giá tiếp tục được đẩy lên. Anh K.Lớn, chủ một doanh nghiệp (DN) xay xát gạo ở Cái Răng (Cần Thơ) kể, chi phí xay xát, nhân công, lưu kho... khoảng 300 đồng/kg gạo, lợi nhuận của DN là 500 đồng/kg. Do đó, giá gạo xuất kho bán buôn cho các DN, đại lý phân phối thì giá gạo đã lên đến mức trên 12.000 đồng/kg. Các DN, đại lý này phải bỏ ra một khoản chi phí vận chuyển gạo về thành phố rồi từ đó chia nhỏ ra phân phối cho các cửa hàng, tiệm bán lẻ, tiểu thương ở các chợ. Khâu vận chuyển từ nhà máy xay xát đến các điểm bán lẻ chủ yếu bằng đường bộ nên tốn rất nhiều chi phí kể cả chính thức và phi chính thức. Chính vì vậy, giá cả đầu ra ở khâu này thường tăng giảm bất thường, khó kiểm soát. “Các DN phân phối, đại lý bán gạo cho các tiểu thương với mức giá 14.000 - 15.000 đồng/kg là điều hết sức bình thường”, anh K.Lớn cho biết.
Chủ một điểm bán gạo ở gần chợ Bà Chiểu nói: Các đại lý giao gạo họ không giảm giá thì mình cũng đâu có giảm cho khách hàng được. Trong khi đó chúng tôi còn tốn bao nhiêu chi phí như: tiền thuê mặt bằng, thuế, công lao động, điện nước... “Một ký gạo giá mười mấy hai mươi ngàn vậy đó chứ sau khi trừ chi phí chúng tôi chỉ lời 200 - 300 đồng thôi”, chị chủ cửa hàng trên phân trần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là con đường ngắn nhất đưa hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Nhiều người lâu năm trong nghề cho biết: đằng sau cung đường ấy còn nhiều dích dắc. Chủ một tiệm gạo ở phường 4 (Q.3, TP.HCM) nói: giá gạo trên thị trường thành phố hiện nay bị đẩy lên cao còn do các cửa hàng cạnh tranh với nhau bằng hình thức khuyến mãi. Một số cửa hàng thu hút khách bằng cách tặng đường, bột ngọt, nước mắm... cho khách hàng mua với số lượng trên chục ký. Người mua thì thấy có lợi nhưng thực ra tất cả những thứ đó đã được cộng vào giá thành hạt gạo. Đến khi kết thúc chương trình khuyến mãi thì giá gạo đâu có giảm, người tiêu dùng (NTD) chẳng những không có lợi trước mắt mà còn bị thiệt lâu dài.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “Từ lâu nay NTD trong nước phải chấp nhận thực tế là mua gạo với giá cao hơn xuất khẩu. Cụ thể như giá gạo xuất khẩu là 500 USD/tấn, tương đương 10.000 đồng/kg; thì cũng loại gạo đó bán trên thị trường nội địa với giá 14.000 - 15.000 đồng/kg là chuyện bình thường”. Điều này cho thấy có vấn đề ở khâu phân phối, nhưng lâu nay chưa được giải quyết nên NTD trong nước vẫn bị chịu thiệt.
Bó rau, lạng thịt sang tay... 5 lần
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết con heo từ trại chăn nuôi phải qua 5 khâu trung gian mới đến NTD. Mỗi tầng nấc đẩy giá tăng thêm một chút. Từ thương lái mua heo tại trại chăn nuôi, phải chịu rất nhiều khoản phí vận chuyển, phí kiểm dịch, phí giết mổ..., các chi phí này cả phí chính thức lẫn không chính thức nên mỗi còn heo cõng đến cả trăm ngàn đồng, cộng với tiền lời lãi đẩy giá lên cao. Thương lái bán hàng cho tiểu thương chợ sỉ, chợ sỉ bán hàng cho chợ lẻ. Hàng đến tay tiểu thương chợ lẻ chưa phải là cuối cùng, họ còn bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn hoặc tiểu thương bán lẻ cấp nhỏ hơn, rồi miếng thịt đó mới đến tay NTD. Cái khó nữa, là khi giá heo ở trại mới nhích lên chút đỉnh thì tiểu thương chợ lẻ đẩy giá rất nhanh, mức tăng rất cao.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cũng khẳng định, đường đi của bó rau, cọng hành, củ cải thường phải qua 4 - 5 tầng nấc trung gian trong chuỗi phân phối. Mỗi khâu lại phải chịu đủ loại chi phí xăng dầu, thuế, phí cầu đường... nên giá thành hàng hóa bị đẩy lên quá cao là tất yếu. Vì vậy, có trình trạng rau củ bỏ rục ở các trang trại, thậm chí chợ sỉ dội hàng, bán đổ bán tháo nhưng giá chợ lẻ vẫn cao. Càng nhiều khâu trung gian tỷ lệ hao hụt càng lớn, giá càng cao. Bà Hà phân tích: do sức mua giảm nên tiểu thương bán lẻ lấy hàng rất ít. Một hộ bán lẻ chỉ lấy có vài chục ký hàng cũng mất chuyến xe, 1 - 2 công lao động, cũng mất các khoản phí, thuế... Chi phí quá nhiều “đè” lên lượng hàng ít ỏi, thành ra giá bán lẻ rất cao. Tất cả những khoản chi phí đó đều được tính vào giá thành, ảnh hưởng đến túi tiền của NTD.
Một cán bộ quản lý giá Sở Tài chính TP.HCM, cho biết các khoản chi phí là cố định, tiểu thương buôn bán càng nhỏ lẻ, bán hàng càng ít càng phải đẩy giá lên cao để bù vào chi phí mới có lời.
Hoàng Việt - Chí Nhân
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (5)
Hà văn Thức
Hoàn toàn đồng ý với ý kiến bạn Vũ đình Khôi. Bao giờ hệ thống vận chuyển và phân phối sau thu hoạch của Việt nam ta hiện đại như các nước tiên tiến Mỹ, Nhật... thì chênh lệch giữa giá thu mua nông sản tại nơi thu hoạch và tại chợ ở thành phố mới giảm được.
Vũ Đình Khôi
@ Hoang An: bạn có vẻ thiếu cả kiến thức về kinh tế học lẫn làm ăn kinh tế nhỉ.
Thứ nhất, không một ai có chút hiểu biết về kinh tế học mà lại nói như bạn rằng hệ thống phân phối yếu kém là nguyên nhân gây lạm phát cả bạn ạ. HTPP yếu kém có thể làm chi phí trung gian từ người sản xuất tới người tiêu dùng cao hơn nơi có HTPP tốt.
Ví dụ, cùng giá thành sản xuất là 1 đ, thì ở nơi có HTPP tốt giá bán lẻ tới NTD là 2 đ, còn nơi có HTPP kém giá bán lẻ là 3 đ. Nhưng đây không phải là lạm phát. Lạm phát là khi giá năm ngoái là 2 đ, năm nay là 3 đ, sang năm là 4 đ. Lạm phát là do Nhà nước in thêm tiền tung vào lưu thông. Khi đó thì dù HTPP có tốt thì vẫn lạm phát, và ngược lại nếu Nhà nước không in thêm tiền thì dù HTPP có kém thì vẫn không lạm phát.
Campuchia là một ví dụ: nền sản xuất của họ rất kém, và HTPP của họ cực yếu kém so với VN, nhưng họ không hề có chuyện lạm phát cả chục năm nay. Bạn rõ rùi chứ nhỉ.
Thứ hai, tôi đố bạn đi buôn rau, thịt ngoài chợ mà kiếm vài chục triệu một tháng đấy! Đủ sống là may lắm! Thứ ba, tôi đố bạn cắt giảm được một khâu nào trong chuỗi trung gian từ người sản xuất tới người tiêu dùng mà không làm chi phí tăng lên đấy! Tại sao người bán lẻ không chịu khó về tận nông thôn mua rau, thịt mang lên chợ bán, ăn từ gốc đến ngọn, bạn có biết không? Chỉ vì làm như thế thì giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với mua lại của các đầu mối bán sỉ.
Kinh tế học có nguyên tắc "economy of scale", tức là số lượng càng lớn thì giá càng giảm. Người bán sỉ vận chuyển hàng với số lượng lớn từ nông thôn về chợ đầu mối nên giá vận chuyển giảm đi rất nhiều so với việc chuyển từng lô hàng nhỏ. Người bán lẻ đến đó lấy hàng về bán thì giá sẽ thấp hơn nhiều so với việc tự mò về nông thôn mua một ít hàng.
Thứ tư, giá cả của hàng hóa là do chi phí sản xuất ra nó quyết định. Giá mớ rau ở nông thôn chỉ 500 đ vì chi phí sản xuất ra nó, tính cả công lao động của người trồng, chỉ là chừng đó. Khi về tới chợ bán lẻ thì giá của nó lên 2,000 đ, vì chi phí vận chuyển, bốc xếp, hao hụt, rồi cộng với các loại thuế, phí, công bán hàng, là 1,500 đ. Đừng có thấy con số 2,000 đ gấp 4 lần 500 đ mà cho rằng nông dân và người tiêu dùng bị đám tiểu thương bóc lột. Không tin, bạn thử ra chợ bán rau xem có giàu nổi không! Trong nhiều trường hợp chi phí vận chuyển, bốc xếp, tiêu thụ hàng hóa cao hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất, nhất là với hàng nông sản là thứ hàng có giá thành sản xuất rất thấp.
Ví dụ khác: cát, sỏi ở biển hầu như là miễn phí, nhưng khi chuyên chở về tới thành phố thì giá mỗi kg sỏi lên tới 2,000 đ, cao gấp hàng trăm lần so với "giá" của nó tại nơi sản xuất. Chính vì thế mà người ta dễ có cái ý nghĩ sai lầm là "trung gian đẩy giá lên quá cao, bóc lột cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng".
Cuối cùng, tôi đã từng làm ăn ở Trung Quốc mấy năm trời rồi bạn ạ, cụ thể là ở TP Thạch Sư, tỉnh Phúc Kiến. Nói cho ngay thì HTPP ở TQ cũng giống y như ở VN, cũng bao gồm từng đó khâu, từng đó chi phí, và giá bán lẻ tại các chợ của họ cũng ngang ngang với VN mà thôi, lấy đâu ra mà chỉ bằng 50-60% như bạn nói. Tuy nhiên hàng xuất khẩu của họ thì cực rẻ do được chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước.
Hà văn Thức
Hoàn toàn đồng ý với ý kiến bạn Vũ đình Khôi. Bao giờ hệ thống vận chuyển và phân phối sau thu hoạch của Việt Nam ta hiện đại như các nước tiên tiến Mỹ, Nhật... thì chênh lệch giữa giá thu mua nông sản tại nơi thu hoạch và tại chợ ở thành phố mới giảm được.
Hoang An - Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh
Bài viết quá đúng rồi, khâu phân phối ở Việt Nam mình cực kỳ kém làm cho lạm phát ở Việt Nam cao nhất nhì thế giới, tôi thấy giá thực phẩm từ tay người làm ra cho đến tay người tiêu dùng có rất nhiều mặt hàng cao gấp hơn mười lần, tỷ suất lợi nhuận của những người bán lẻ rất cao, bằng chứng là một ngày chỉ cần bán 1 lượng hàng nhỏ mà thu nhập của họ rất cao, 1 tháng không dưới 30tr đâu mà không cần phải đóng thuế thu nhập gì cả, công việc cũng chẳng phải bỏ chất xám, nặng nhọc hay trách nhiệm gì nhiều.
Bài viết nói đúng, khâu phân phối kém và nhiều trung gian dẫn đến phân phối thu nhập bất công càng làm cho xã hội có nhiều người làm khâu trung gian, ít người tạo ra sản phẩm hay gián tiếp thúc đẩy năng suất sản phẩm và cứ như thế càng làm lạm phát tăng cao.
Đình Khôi này chắc có vợ hay người thân làm buôn bán nhỏ bị bài viết này đụng chạm tới quền lợi nên mưới phản ứng thái quá như vậy. Bạn có biết là giá bán lẻ gạo và thịt ở Trung Quốc chỉ cỡ 50-60% giá bán lẻ ở Việt Nam hay không đó là nhờ khâu phân phối ở TQ tốt hơn vì giá gốc ở họ ngang ngữa giá gốc ở Việt Nam.
Vũ Đình Khôi
Tác giả bài báo này hình như không hiểu tí gì về kinh tế, nên mới đặt cái tít "Người tiêu dùng bị móc túi"! Nếu là người có chút hiểu biết về kinh tế học, và tốt hơn nữa là có kinh nghiệm làm ăn kinh tế thực thụ, thì sẽ thấy ngay rằng việc một ký thịt, một mớ rau từ chuồng, vườn của người nông dân tới tay người tiêu dùng cuối cùng bị tăng giá lên đáng kể là chuyện hết sức hợp lý. Bởi vì khoản tăng đó là các chi phí hợp lý, nghĩa là những chi phí không thể tránh khỏi để ký thịt, mớ rau vượt được hàng trăm cây số tới tay người tiêu dùng. Còn bản thân người bán hàng chỉ hưởng phần lợi nhuận khiêm tốn thôi. Những chi phí hợp lý đó bao gồm: vận chuyển, bốc xếp, phí và thuế, hao hụt. Không có những chi phí này thì đừng hòng có chuyện mớ rau, con cá về được tới từng khu chợ trong từng khu dân cư để phục vụ người dân.
Chỉ cần đặt vấn đề thế này là rõ ngay thôi: nếu người tiêu dùng không muốn mua hàng tại khu chợ cạnh nhà mình, mà tự mò xuống nông thôn để mua ký thịt, mớ rau, thì giá của ký thịt, mớ rau đó sẽ là bao nhiêu? Chắc chắn là đắt gấp nhiều lần so với mua tại chợ, kể cả khi được cho không ký thịt, mớ rau đó đi chăng nữa, nếu tính chi phí xăng xe, ngày công bỏ ra để đi làm việc đó.
Có lẽ chính tác giả cũng không dốt đến mức đi làm cái việc ngu ngốc đó. Các cụ dạy mãi rồi, một tiền gà ba tiền thóc, ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng là thế! Hệ thống phân phối như tác giả trình bày trong bài đã tồn tại hàng trăm năm nay, và đó là hệ thống tối ưu, giúp giảm chi phí tối đa. Nó không có vấn đề gì hết. Chỉ những ai suy nghĩ thiển cận mới tưởng rằng có "vấn đề".
Ngay cả cái ông viện trưởng Lê Văn Bảnh kia phát biểu cũng hết sức buồn cười, khi so sánh giá bán lẻ gạo ngoài chợ với giá bán sỉ hàng ngàn tấn gạo xuất khẩu. Ông này quên rồi sao, rằng cái giá 500$/tấn đó chỉ là giá FOB tại cảng, cho một lô hàng hàng ngàn tấn được chở thẳng từ kho ra cảng, chứ đâu phải giá bán lẻ tại các siêu thị ở nước ngoài! Giá bán lẻ gạo tại siêu thị nước ngoài đắt hơn giá gạo ngoài chợ ở Việt Nam nhiều, ông nên nhớ điều đó rồi hãy phát biểu!
Đủ kiểu “móc túi” người tiêu dùng
24/11/2011 23:39
Bằng những chiêu thức tinh vi hoặc cố tình lập lờ, nhà sản xuất (NSX) thẳng tay móc túi người tiêu dùng (NTD) mọi nơi, mọi lúc.
"Cân điêu" hợp pháp
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, quy định không bắt buộc NSX ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì. Về mặt kỹ thuật, hàng đông lạnh cũng được phép có nước, được mạ băng. Chính vì thế, nhiều NSX cố tình lập lờ để "bịp" NTD.
Ví dụ, sản phẩm cá trứng được NSX ghi khối lượng tịnh 200g/vỉ nhưng thực tế sau khi rã đông chỉ còn 160g/vỉ. Tỷ lệ mạ băng lên đến 20%/tổng khối lượng nhưng không được thể hiện trên bao bì. Cũng có sản phẩm, tỷ lệ mạ băng lên đến 25%, thậm chí hơn. Vấn đề này đang ở tình trạng "ông nào muốn mạ băng bao nhiêu tùy ý. Ông nào "nhân đạo" thì mạ băng ít ít, ông nào muốn ăn nhiều thì làm nhiều. NTD nếu có nghi ngờ cũng chỉ là ngờ ngợ chứ không biết nguyên nhân thật sự là khối lượng ghi trên bao bì đã bao gồm cả nước đá" - bà Lâm bức xúc. Cũng theo bà Lâm, khối lượng tịnh là khối lượng sau rã đông nhưng NTD không biết chuyện này nên NSX lập lờ, ăn gian. Sau khi rã đông thực phẩm đông lạnh, NTD cân lại thấy trọng lượng không đủ thì có quyền khiếu nại.
Một hình thức gian lận phổ biến hiện nay là độn hàng thấp cấp vào hàng chất lượng tốt rồi bán giá cao. Ví dụ, một số NSX cố tình độn cá không có trứng, giá chỉ bằng một nửa, khoảng 23.000 đồng/gói 500g rồi bán với giá cá trứng. Một số NSX ghi là xuất xứ cá hồi từ Na Uy, Canada nhưng thật ra là nhập từ Nhật Bản. Lý do là cá hồi Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với cá hồi Na Uy, Canada, NTD khó mà phát hiện được.
Các loại hàng hóa như nước ngọt, bia, gas... cũng bị phát hiện “ăn gian” thể tích. Nổi tiếng nhất là thủ đoạn “rút ruột” gas thông qua chiết nạp thiếu trọng lượng. Có trường hợp “ăn” đến 1/2 trọng lượng bình gas, rồi khuyến mãi giảm giá dụ khách hàng ham rẻ.
Mặt hàng đồ gỗ cũng bị tố ăn gian kích cỡ và chất lượng. Bà Nguyễn Thị M.X (Q.Thủ Đức) khiếu nại Công ty T.T (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tráo gỗ “dỏm”, ăn gian kích cỡ để đỡ tốn nguyên liệu, thay các phụ kiện kém chất lượng, không đúng thiết kế...
 Ông Nguyễn Tường Minh - Tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ NTD TPHCM (AFCA) - cho biết thời gian qua tiếp nhận và xử lý rất nhiều vụ gian lận thương mại, phổ biến nhất là đo lường không đủ thể tích, đóng gói (nước giải khát, gas, xăng...); về chất lượng sản phẩm (bếp điện, bình điện xe máy...); gian lận về giá.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Theo ông Đỗ Ngọc Chính - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng, quy định về hàng thực phẩm đóng gói chưa cụ thể nên các DN lợi dụng sơ hở để lách luật, trục lợi. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa, Sở Công thương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng... phải có trách nhiệm giám sát, khảo sát phát hiện và xử lý các hiện tượng gian lận nêu trên. Cần thông tin rộng rãi qua phương tiện truyền thông để NTD biết và tẩy chay các đơn vị làm ăn gian dối. Ông Chính nhận xét, các hình thức “treo đầu dê bán thịt chó”, đặc biệt là gian lận trong hàng bao bì đóng gói xảy ra khá phổ biến. Trường hợp này NTD rất yếu thế, bởi bằng mắt thường thì rất khó để nhận ra. Tuy nhiên, đối với cơ quan chức năng, việc phát hiện là không có gì khó khăn. Vấn đề là có làm và quyết tâm làm hay không mà thôi.
Ông Minh cũng cho rằng, việc gian lận thương mại, lừa dối NTD diễn biến ngày càng phức tạp là do cơ quan chức năng xử phạt không nghiêm nên DN tiếp tục vi phạm. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát các hành vi gian lận này. Đặc biệt, cần có chế tài thật mạnh khi phát hiện gian lận gây thiệt hại cho NTD.
Hoàng Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét