Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Dân khốn đốn vì titan

cô Kim: Chúng ta đang đánh đổi môi trường để lấy những đồng tiền ngắn hạn. Rất nhiều địa phương đang gặm dần vào tài nguyên của mình, mà cứ tưởng đó là phát triển kinh tế. Y như chuyện con cáo quá đói đã gặm cái đuôi của chính mình, ăn cho đỡ đói, cuối cùng chết vì mất đuôi, mất máu. Những báo cáo về phát triển kinh tế, tăng trưởng thu nhập, có lẽ cần phải xem lại, đừng lạc quan ảo.


Dân khốn đốn vì titan
Chủ Nhật, 08/04/2012 22:07
Mới chỉ khai thác titan trên diện tích 236 ha nhưng đời sống người dân ven biển tỉnh Bình Định đã lâm vào khốn đốn, trong khi diện tích được phép khai thác loại sa khoáng này ở đây lên đến hơn 3.500 ha
Ngày 23-3, lực lượng chức năng của huyện Phù Mỹ - Bình Định phải đình chỉ hoạt động của một doanh nghiệp khai thác titan ở 2 xã Mỹ An và Mỹ Thọ sau khi hàng trăm người dân ở 2 xã này kéo đến ngăn chặn việc doanh nghiệp này đốn, chặt rừng phòng hộ để chuẩn bị khai thác titan.
Rừng phòng hộ bị xóa sổ
Tính đến tháng 9-2011, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Bình Định đã cấp 51 giấy phép thăm dò, khai thác titan cho 31 đơn vị với tổng diện tích hơn 3.530 ha. Đến thời điểm này, mặc dù các doanh nghiệp chỉ mới khai thác 236 ha nhưng đã đẩy hàng vạn người dân ven biển tỉnh Bình Định vào cảnh khốn đốn.
Giữa cái nắng tháng 3, các xã ven biển như Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát), Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ)… lúc nào cũng ngột ngạt vì khói bụi. Nhiều nơi không còn một bóng cây, thay vào đó là những hầm hố, đụn cát khổng lồ. Cát bay quất vào người bỏng rát mỗi khi có cơn gió cuốn qua.
Các điểm khai thác titan làm biến dạng môi trường  
Tại xã Mỹ Thành, một trong những địa phương có trữ lượng titan lớn nhất Bình Định, hiện có đến hơn 10 doanh nghiệp đua nhau xới tung bờ biển với hơn 20 giàn hút titan. Nhiều năm qua, người dân nơi đây bất lực đứng nhìn cảnh môi trường sống bị hủy hoại. Nhiều người dân xã Mỹ Thành cho biết trước đây, dọc bờ biển của xã là những cánh rừng phi lao phòng hộ dày đặc, quanh năm xanh tốt. Thế nhưng, bãi biển giờ trống trơn, không bóng cây.
Thay vào đó là những hầm hố có chu vi hàng trăm mét, sâu đến 20-30 m. Phía dưới những hầm hố đó là những bè hút cát, giàn lọc titan. Ông Cao Văn Tân (ngụ thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành) bức xúc: “Nơi chúng tôi đang ở luôn bị sóng lớn, triều cường uy hiếp. Vậy mà nay không còn rừng phòng hộ. Trong khi đó, bờ biển ngày càng bị rỗng ruột do người ta hút titan tận đáy sâu. Khi nước biển xâm thực, chúng tôi không biết tránh đâu?”. Cả bờ biển thuộc 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát dài hơn 50 km nay đã trở thành sa mạc.
Cát tràn, nước cạn, cá không sống được
Dọc các xã ven biển thuộc 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ đang hình thành hàng trăm núi cát khổng lồ. “Từ khi các doanh nghiệp ồ ạt khai thác titan, cuộc sống của chúng tôi đã bị đảo lộn. Mỗi khi có gió biển, cát bay mù mịt xóm làng. Lắm khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, đành bỏ bữa - bà Nguyễn Thị Nga (ngụ thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành) than thở. Nhiều diện tích đất sản xuất giờ bị bỏ hoang do cát phủ kín. Theo nhiều người dân xã Mỹ Thành, điều họ sợ hơn hết là bão cát. Nếu một cơn bão cát quét qua vùng này, có nhà phải bị vùi lấp trong cát.
Cuộc sống của người dân ven biển Bình Định càng thêm điêu đứng vì nguồn nước sinh hoạt ngày càng cạn kiệt. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra tại nhiều xã. Ông Trần Văn Mẫn (ngụ xã Mỹ Thành) nói: “Cái kiểu hút tận “âm phủ” để lấy titan cùng với việc hút cạn kiệt nguồn nước ngọt để tuyển quặng thì không nguồn nước nào còn được. Trước đây, giếng của gia đình tôi đủ nước để cung cấp cho hàng chục gia đình vậy mà hơn năm nay, giếng trơ đáy vào mùa khô”.
Nguồn nước sau khi tuyển quặng được các doanh nghiệp khai thác titan công khai hoặc lén lút xả ra biển khiến nước biển khu vực gần bờ trở nên đục ngầu, bùn lắng bám đầy mép biển. Theo phản ánh của nhiều người dân ở các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), vùng biển này trước đây có nhiều loài thủy sản như cá, ngao, sò, ốc, ghẹ sinh sống là nguồn kiếm sống hằng ngày của hàng ngàn hộ dân nghèo địa phương.
Vậy mà gần đây, vùng ven biển này hầu như không còn loài thủy sản nào sống được. Ông Đinh Minh Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, nói: “Trên trời, khói bụi mù mịt, dưới biển thì nước đen ngòm, người dân bức xúc lắm. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh không biết bao nhiêu lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được gì”.
Kỳ tới: khai thác ẩu, quản lý lỏng lẻo Bài và ảnh: Hồng Ánh (Người Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét