Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Người mẹ mù lòa bán thóc đưa con đi thi ĐH.


Bạn t vaa vừa gởi đến blog một bài sưu tầm trên báo Dân Trí trong mùa thi Đại học
Người mẹ mù lòa bán thóc đưa con đi thi ĐH.

Trong đợt thi ĐH khối A vừa rồi, trước cổng ĐH Sư phạm Hà Nội có một phụ huynh đặc biệt. Bà đứng cạnh cổng trường, đôi mắt mờ đục, hướng vào khoảng không vô định. Đó là bà Cao Thị Vệ, quê ở Thái Bình, đưa con gái đầu Dương Thị Duyên đi thi ĐH.
 
Khi trò chuyện, tôi mới hay bà bị mù. Bà là Cao Thị Vệ, quê ở Thái Bình. Khi tôi bảo bà ngồi xuống gần phía gốc cây cho khỏi mệt và nắng, bà bảo đó là chỗ bà quy định với con. Bà đứng như thế hàng tiếng đồng hồ, chỉ sợ lúc con thi xong ra không tìm thấy mẹ. Đưa con đi thi, nhưng bà bảo, thực ra là con đưa mẹ đi, bởi bà chẳng nhìn thấy gì.

Hỏi chuyện bà sao không để chồng đưa con đi thi, bà nói chuyện, lời nhẹ tênh mà xót xa. Bà ở trong Hội Người mù Thái Bình, còn chồng ở Hội Người tàn tật Thái Bình. Chân tay chồng bà bị teo, co quắp lại, chỉ cắm được dây nồi cơm, còn bưng nồi cũng khó, làm sao có thể đưa con đi thi. Xót xa hơn, nhà có 2 người con, thì cậu con trai út cũng bị tàn tật.
Gia đình bà thuộc hộ nghèo, được chính quyền địa phương hỗ trợ cứu đói. Tuy vậy, hai vợ chồng cũng cố gắng nuôi con ăn học. Ngoài việc nhà nông, vợ chồng bà nuôi thêm lợn gà.
Trước ngày đưa con đi thi vào ĐH, bà thu hoạch được 3 tạ thóc. Là loại gạo tám thơm, nhưng vì bí tiền nên bà bán rẻ được 700.000 đồng/tạ. Đây là số tiền làm lộ phí cho hành trình đưa con đi thi ở 2 trường ĐH, CĐ. Ngoài ĐH Sư phạm Hà Nội, Duyên còn đăng ký thi vào CĐ Cộng đồng Hải Phòng. Cũng tình cờ, lên Hà Nội, hai mẹ con may mắn được một anh cùng xóm cho ở nhờ nhà anh thuê nên cũng đỡ khoản tiền trọ.

"Ước mơ duy nhất của vợ chồng tôi là mong con được học tập nên người, có công ăn việc làm ổn định, thoát khỏi cảnh nghèo khó của bố mẹ. Nên việc đưa con đi thi vất vả mấy tôi cũng đi để động viên tinh thần cho con thi tốt" - bác Vệ tâm sự.
Đang dở cuộc chuyện với bà Vệ, thì cũng là lúc hết giờ thi. Duyên ào ra với mẹ. Nét mặt em trầm ngâm khi tôi hỏi về bài thi, nhưng lại tươi cười ngay khi tôi hỏi về ước mơ. Em bảo, em mơ ước được làm cô giáo nên đăng ký thi vào khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội. Kể cả nguyện vọng 2 em cũng đăng ký sư phạm.
Chiều 6/7, trò chuyện với Duyên qua điện thoại, em cho biết, sau khi thi xong môn Hóa trưa 5/6, em và mẹ bắt xe về Thái Bình luôn. Em vẫn đang ôn bài để “vượt vũ môn” trong đợt thi vào CĐ Cộng đồng Hải Phòng sắp tới.
Theo Dantri



Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

GÁNH NẶNG NHẸ TÊNH

Đây là nội dung cuốn sách nhỏ mà cô Diệu Kim chuẩn bị in để phát hành và làm quà tặng đến các đạo tràng, mời các bạn xem trước. Hiện nay, rất nhiều chùa trong cả nước mở đạo tràng tu học cho lớp trẻ, cần rất nhiều sách để tham khảo. Và với trình độ sơ cơ của các bạn trẻ cũng như người lớn tuổi nhưng chưa học giáo lý bao nhiêu, cô Kim thiết nghĩ những cuốn sách mỏng, nội dung thiết thực với đời sống xã hội sẽ được đón nhận dễ dàng hơn. Vì vậy, xin cung cấp đến mọi người một tài liệu nhỏ, hy vọng góp phần tăng trưởng duyên lành của quý vị đối với Phật giáo. Xin hồi hướng công đức cho tất cả chúng snah đều trọn thành Phật đạo. 
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

GÁNH NẶNG NHẸ TÊNH

            Sinh ra làm người, hình như chỉ có thời ấu thơ cho tới niên thiếu, là thời gian chúng ta được thư thái nhẹ nhàng nhất, bởi còn sống trong vòng tay của cha mẹ, gia đình. Sau đó, từ tuổi 18, 20 trở đi, là giai đoạn trưởng thành, mỗi người phải lăn xả vào cuộc đời tìm miếng cơm manh áo, tìm chỗ đứng, để tồn tại. Và những bổn phận đối với bản thân, gia đình, cơ quan, cộng đồng…liên tiếp đè nặng lên vai, kéo dài đến mấy chục năm. Nhạc sĩ Y Vân đã viết trong bài hát 60 năm cuộc đời rằng: “Em ơi có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu. Hai mươi năm sau sầu vương cao vời vợi. Hai mươi năm cuối là bao…”. Những gánh nặng ấy có phải bắt buộc dành cho chúng ta hay không? Và nếu phải gánh thì làm cách nào để nó nhẹ nhàng hơn, để nó không bóp nghẹt cuộc sống chúng ta trong sự nặng nề, chán nản.       

Thực sự, đã sinh ra làm người, nghĩa là từ tấm bé cho tới lúc trưởng thành, chúng ta đã thọ nhận biết bao nhiêu ơn nghĩa của cộng đồng chung quanh. Từ cha mẹ dưỡng nuôi vất vả, cho tới thầy cô dạy dỗ, rèn luyện, bạn bè giúp đỡ, cận kề, rồi hạt gạo của người nông dân, tấm áo của người công nhân dệt may hôm sớm, đến giọt nước uống, quyển sách, cây bút, chiếc bàn làm việc, chiếc xe di chuyển, ngôi nhà trú mưa ẩn nắng, lọ hoa xinh tươi, bộ phim hay, vở kịch tốt v.v… tất cả đều có công lao của những người chung quanh. Mấy mươi năm cuộc đời, chúng ta thọ nhận nhiều không kể xiết.

Như vậy, chúng ta phải biết đền đáp, phải có bổn phận gánh vác trách nhiệm với đời, coi như trả ơn. Ai cũng có những điều hữu ích cần phải làm, thì mới đúng nghĩa là con người. Nếu trốn tránh, lười biếng, thì chẳng khác nào loài ký sinh, vô dụng, chỉ làm người khác chán ngán và mệt mỏi. Một người được kính trọng, yêu thương chính là người đã gánh vác nhiều bổn phận cho tha nhân, đem lại niềm vui và sự bình an cho mọi người.

            Riêng người Phật tử tại gia, lại càng phải ý thức về bổn phận của mình, càng tự nguyện gánh vác nhiều hơn, đúng nghĩa là Bồ Tát hạnh. Người đời có thể làm bổn phận với tinh thần miễn cưỡng, hoặc “sòng phẳng” ơn nghĩa, nhưng người Phật tử phải làm bổn phận với trái tim vị tha, yêu thương, vui vẻ mà làm, tận tụy mà làm, coi đó là niềm hạnh phúc của mình. Có như vậy, hai chữ “bổn phận” mới không trở thành áp lực, không đè nặng lên đôi vai, và mọi gánh nặng sẽ trở thành nhẹ nhàng hơn, dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách. Suy cho cùng, “bổn phận” phải trở thành “công hạnh” thì chúng ta mới tiến tu lên quả vị thánh. Làm mọi bổn phận trong một tâm thế an nhiên, tự tại, thì cuộc đời này nơi nào cũng an vui, thanh tịnh.

            Đức Phật đã dạy rất đầy đủ về những bổn phận này. Nay chúng tôi xin trình bày lại với những cái nhìn phù hợp trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, vị trí và tâm thế con người thay đổi khác xưa. Hy vọng lời Phật sẽ nâng đỡ chúng ta trên đường đời vất vả, để chúng ta không mắc sai lầm, không thấy nặng nề, mệt mỏi, trái lại, càng tăng thêm phước đức và vững vàng trên lộ trình giải thoát. 

I. BỔN PHẬN CỦA PHẬT TỬ ĐỐI VỚI BẢN THÂN

1. GIỮ NGŨ GIỚI.
Con người ai cũng phải tu tâm dưỡng tánh để trở thành nhân tố tốt đẹp cho xã hội. Nhưng chuẩn mực của mỗi nơi mỗi khác, thế thì người Phật tử lấy Ngũ giới làm chuẩn mực cho mình là căn bản nhất. Bởi lời Phật dạy là chân lý không hề sai chạy, ai làm theo sẽ được trời và người tôn kính, sẽ gặt hái những kết quả an lành. Giới là rào cản không cho chúng ta phạm sai lầm, từ đó mà cuộc sống được an ổn cả thân và tâm.

Ngũ giới gồm có:
-không sát sanh
-không trộm cắp
-không tà dâm
-không nói dối
-không uống rượu

Dù cuộc sống có phức tạp đến đâu, Phật tử chúng ta vẫn có thể giữ được Ngũ giới, không trọn vẹn 100% thì cũng được 50%, chứ không thể đổ thừa hoàn cảnh. Thí dụ, còn ăn mặn chưa thể ăn chay, cũng nên tránh tự mình giết hại, nên chọn thịt làm sẵn, hoặc cá tôm vừa ngộp chết, gọi là tam tịnh nhục, như thế đỡ phạm giới sát sanh. Hoặc khi đi làm việc, bắt buộc phải uống rượu với đối tác, thì uống rất hạn chế, hoặc cáo bệnh mà từ chối, hoặc chỉ dùng rượu nhẹ. Rất nhiều ứng xử khéo léo có thể giúp chúng ta giữ giới mà không ảnh hưởng tới công việc, hoạt động. Khi đã giữ giới lâu ngày, tự nhiên sinh ra uy đức, người khác sẽ kính nể chứ không còn ép uổng chúng ta nữa.

2. SÁM HỐI NHỮNG VIỆC SAI TRÁI ĐÃ LÀM
Trong đời, ai dám tự hào là mình chưa hề mắc sai phạm. Dù ngay trong hiện tại không sai phạm, nhưng nhiều đời nhiều kiếp trước kia vẫn có. Hoặc trong tuổi ấu thơ, khi chưa nhận thức đầy đủ, là lúc người ta phạm lỗi một cách vô thức. Do đó, cần thực tâm sám hối. Có thể đến chùa lạy sám hối theo nghi thức, hoặc tự trong lòng ăn năn, nguyện không tái phạm.

Sám hối là một sự dũng cảm không phải ai cũng dám làm. Ngay cả khi phạm lỗi mà nói tiếng xin lỗi đã là dũng cảm. Nếu con cháu trong nhà phạm lỗi, chúng ta nên bắt chúng quỳ lạy trước bàn thờ Phật, đó là cách giáo dục hiệu nghiệm nhất, hơn hẳn đòn roi, mắng nhiếc. Kinh nghiệm của chúng tôi từng dạy con cháu như thế, các em ngoan hơn và càng tin Phật nhiều hơn. Lạy 49 lạy, hoặc 81 lạy, tùy theo lỗi nặng nhẹ, vẫn vừa sức các em. Lạy Phật vừa sinh công đức, vừa là cách tập luyện thân thể khỏe mạnh. Nghĩa là vừa tâm linh vừa khoa học. Và ngay bản thân chúng ta, nếu có lỗi, cũng phải tự “phạt” mình như vậy, để làm gương, để bớt nghiệp.

3. PHÁT TRIỂN HẠNH LÀNH, LÀM VIỆC THIỆN.
Giữ ngũ giới là bước đầu ngăn việc ác, nhưng còn thụ động. Người Phật tử cần thái độ chủ động, tích cực hơn nữa, bằng cách làm các việc thiện. Thí dụ, chẳng những không sát sinh mà còn phóng sinh, không trộm cắp mà còn bố thí, không nói dối mà còn nói lời ái ngữ khuyên lơn, an ủi người khác v.v…

Làm việc thiện lâu ngày, thân tâm sẽ nhẹ nhàng, thư thái, gương mặt tươi tắn, rạng ngời, toát lên cái đẹp nội tại rất dễ gây cảm tình với người khác. Đó là cách “làm đẹp” hiệu quả hơn đi thẩm mỹ viện. Phật nói, nếu chúng ta không có hình hảo tướng (ngoại hình đẹp) thì sự tu tập, làm điều thiện sẽ giúp chúng ta có được tùy hình hảo (người khác vì thiện cảm với ta mà thấy ta đẹp).

Làm điều thiện còn là cách giáo dục trực quan đối với con cháu. Lớp trẻ sống ra sao là do nhìn vào thế hệ đi trước. Người lớn lấy “thân giáo” song song với “khẩu giáo”, nếu không, chỉ có lý thuyết suông thì lớp trẻ cũng không nghe, không phục. Những bậc cha mẹ hay làm việc thiện thì con cháu trong nhà ít hư hỏng. Nhân quả từ việc thiện không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chúng ta mà còn ảnh hưởng đến con cháu chúng ta.

4. DÀNH THỜI GIAN ĐỂ TU HỌC.
Dù làm những việc thiện nhưng chúng ta vẫn còn trong vòng luân hồi sanh tử, do đó cần phải dành thời gian tu học để vượt thoát ra, hướng đến giải thoát. Tu phước thôi chưa đủ, cần phải tu huệ. Cuộc sống hiện đại thực sự rất bận rộn, nhưng không phải là không tìm ra được thời gian để tu và học. Mỗi ngày bớt đi thời gian giải trí, xem phim chừng 1 tiếng đồng hồ, là ta có thể tụng kinh, ngồi thiền, đọc sách Phật, nghe băng đĩa thuyết pháp,…
Dễ nhất là áp dụng pháp môn niệm Phật, thích hợp trong điều kiện bận rộn. Lên xe chạy đi làm, đi chơi: niệm Phật. Làm công việc nhà: niệm Phật. Ngồi xe đò đi công tác: niệm Phật. Trước khi đi ngủ: niệm Phật. Rất nhiều cơ hội để tu. Chen giữa bộn bề công việc cũng tu. Không có công phu tu hành thì dù phước báu đến mấy cũng có thể tái sanh ở cảnh giới xấu, hoặc được phước mà vẫn gây lầm lỗi, lại tạo nghiệp xấu cho đời sau nữa. Trí tuệ quan trọng hơn tất cả, cho nên Phật mới nói “Duy tuệ thị nghiệp”.

II.BỔN PHẬN CỦA PHẬT TỬ ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH:

Gia đình là nơi con người có mặt đầu tiên, là mối liên hệ đầu tiên, cho nên chúng ta phải có bổn phận với gia đình. Ai chưa có tình thương và trách nhiệm gia đình thì đừng mong có tình thương và trách nhiệm đối với những người xa hơn, hoặc xã hội rộng lớn hơn.
Để cho dễ hình dung, trong một mẫu gia đình phổ biến, chúng ta thử tưởng tượng mình là trung tâm, phía trên ta là cha mẹ, phía dưới ta là con cái, và ngang bằng hai bên là anh chị em và vợ (hoặc chồng)

              CHA MẸ



             ANH CHỊ EM                         TÔI                         VỢ CHỒNG



               CON CÁI
1-BỔN PHẬN ĐỐI VỚI CHA MẸ:
Cha mẹ là vị Phật sống trong đời, nên có câu “khi không có Phật tại thế thì thờ cha kính mẹ chính là thờ kính Phật”. Cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục ta, nên ta phải có bổn phận hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ cả đời đã lo cho con cái, đến khi sức cùng lực kiệt không còn khả năng tự nuôi nấng, bảo vệ bản thân nữa, thì dĩ nhiên phải dựa vào con cái. Đừng xem việc nuôi cha mẹ như một trách nhiệm để than thở, hoặc là điều để khoe khoang, đúng như câu ca dao
Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng.
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày
Chúng ta phải thấy nuôi cha mẹ là lẽ đương nhiên, bình thường, bất cứ người con nào cũng phải làm một cách tự nguyện, vui vẻ, y như ngày xưa cha mẹ đã tự nguyện và vui vẻ nuôi nấng chúng ta.

Hiếu thảo thể hiện ra bằng 4 cách: Hiếu tâm, Hiếu dưỡng, Hiếu hạnh, Hiếu đạo.
a-Hiếu tâm: là sự thương yêu, tôn kính chân thành từ lòng mình vì nghĩ đến sự vất vả sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
b-Hiếu dưỡng: là chăm sóc cha mẹ về vật chất.
Thí dụ:
- Đỡ đần công việc, lo miếng ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa...
- Cha mẹ đau ốm thì lo thuốc men, chăm sóc.
- Cha mẹ qua đời thì lo tang chế chu đáo.
c-Hiếu hạnh: là làm cho cha mẹ hãnh diện vì những đức hạnh tốt đẹp của con.
Thí dụ:
- Học hành chăm ngoan hoặc lao động chuyên cần được nhà trường, cơ quan khen ngợi.
- Hiền lành, hòa nhã với mọi người, tiếng lành bay về cha mẹ.
- Cứu giúp người nghèo khổ, cha mẹ thơm lây.
d-Hiếu đạo: là hướng dẫn cha mẹ đi vào con đường thánh thiện, để đời này và đời sau cha mẹ được nhiều phước báo, không đọa lạc vào đường khổ.
Thí dụ:
- Khuyên cha mẹ tin luật nhân quả tội phước, đừng làm điều ác.
- Khuyên cha mẹ quy y Tam bảo, niệm Phật, giữ Ngũ giới, bố thí, phóng sinh...
- Nếu cha mẹ đã biết tu rồi, thì người con phải hỗ trợ thêm điều kiện tốt để cha mẹ tiến bộ. Thí dụ, cáng đáng việc nhà cho cha mẹ đi chùa, niệm Phật, thọ Bát quan trai, hoặc đưa tiền cho cha mẹ cúng dường, làm từ thiện.
- Khi cha mẹ qua đời thì cầu siêu cho cha mẹ chứ không làm đám tang rình rang, giết thịt ăn nhậu, như thế cha mẹ càng thêm tội, càng mau đọa địa ngục.

Tóm lại, trong 4 phần báo hiếu, có thể nói hiếu đạo là quan trọng nhất. Bởi nếu chỉ lo cho cha mẹ được sung sướng về vật chất nhưng cha mẹ vẫn còn tạo nghiệp xấu, thì khi chết đi cha mẹ vẫn đầu thai vào những cảnh giới khổ sở như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc làm người trở lại nhưng trả nghiệp rất đau đớn. Như vậy, ta chỉ lo được cho cha mẹ có một đời này, còn những đời sau thì ta đành chịu. Thậm chí, khi tiền bạc sung túc mà không hướng dẫn cha mẹ về tâm linh, đạo đức, thì có khi chính đồng tiền của ta lại tạo cơ hội cho cha mẹ gây tội nhiều hơn. Chẳng hạn, cha mẹ có tiền sẽ đi nhậu nhẹt, đánh bài, cá độ, ăn xài hoang phí…Vật chất và tinh thần luôn phải cân bằng thì chữ hiếu của ta mới trọn vẹn.

Ngoài ra, còn những cách báo hiếu như sau:
*gánh vác công việc cho cha mẹ được thảnh thơi tuổi già. Thông thường, nhiều bậc cha mẹ dù tuổi cao, sức yếu, mỏi gối chồn chân cũng không dám nghỉ việc, không dám về hưu, vì thấy con mình chưa trưởng thành, chưa gánh vác được gia đình. Hoặc có khi con cái có vợ có chồng mà hoàn cảnh khó khăn, nên cha mẹ cứ phải làm lụng tiếp tục để tự nuôi thân hoặc nuôi luôn những đứa cháu.

Hoặc nếu không làm việc kiếm tiền, thì cha mẹ lại trở thành ô-sin cho con cháu. Thời công nghiệp bận rộn, bọn trẻ suốt ngày đi làm, đi học, giao hết chuyện nấu nướng, lau chùi, dọn dẹp, trông em bé cho cha mẹ. Cả một đời vất vả, cứ tưởng già là được nghỉ ngơi, nhưng thực ra còn bận rộn hơn nữa với bao nhiêu việc không tên. Chưa kể, ở chung với dâu (rể) thì những đứa dâu (rể) ấy lại không hề biết ơn cha mẹ chồng (cha mẹ vợ), mà còn nghĩ mình phải nuôi hai ông bà tốn kém. Người già vốn hay tủi thân, ăn chén cơm mà con cái không vui, nên thường kiếm việc mà làm để xứng đáng mấy bữa ăn. Như thế con cái tội lỗi rất nặng, làm ăn không bao giờ khấm khá nổi. Đừng nghĩ càng cố bươn chải kiếm tiền hoặc học hành thì công danh sự nghiệp sẽ thăng tiến đúng như ý mình muốn. Nếu làm cha mẹ phải vất vả vì vợ chồng con cái của mình, có nghĩa là chúng ta đã hao tổn phước đức, thì công danh sự nghiệp đó khó mà thành tựu, hoặc thành tựu nhưng không lâu bền, sẽ mau chóng sụp đổ. Trong thực tế, nhiều người tuy ít học, ít tài, nhưng nhờ hiếu thảo mà họ vẫn vươn lên rực rỡ.

Chúng ta phải cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc của mình, không được ỷ lại vào cha mẹ. Ngày xưa, cha mẹ đã nuôi chúng ta, thì đến lượt chúng ta nuôi lại con cái của mình là điều tự nhiên, đi làm kiếm tiền cũng là điều tự nhiên, không lý gì phải kêu ca than thở và lôi cha mẹ vào cuộc. Phải dành thời gian ít ỏi còn lại của cha mẹ cho việc tu tập, vì đó là hành trang để cha mẹ tái sanh đời sau thuận lợi hơn, tốt đẹp hơn. Cha mẹ đã gần kề bờ sanh tử, không thể lơ là những giây phút tu tập quý báu.

*có thể nối chí cha mẹ, giữ gìn sự nghiệp của cha mẹ như Đức Khổng Tử đã dạy. Nếu nghề của cha mẹ là lương thiệnphù hợp với người con, thì người con nên giữ nghề ấy, phát triển cơ sở làm ăn, tạo nên truyền thống gia đình quý giá. Cha mẹ dựng nghiệp vất vả, có khi chỉ bằng hai bàn tay trắng, nên rất trân quý sự nghiệp đó. Nay thấy con kế thừa và làm cho sự nghiệp vững vàng thì cha mẹ vui lòng không kể xiết. Nếu nghề đó là nghề truyền thống của dân tộc, thì giữ nghề là giữ bản sắc dân tộc, càng quý giá bội phần.

Tóm lại, hãy làm theo lời Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh
Năm điều con cái phải ghi
Dưỡng nuôi cha mẹ hộ trì phương Đông
Chăm lo cung phụng hết lòng (1)
Mọi điều gánh vác(2), đề phòng chuyện xa (3)
Giữ gìn truyền thống của nhà (4)
Mới là xứng đáng hưởng gia tài người
Đến khi cha mẹ qua đời
Cúng dường hiếu thảo như thời hiện sanh (5)

2-BỔN PHẬN ĐỐI VỚI ANH CHỊ EM:
            Anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra, phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Có câu “Tứ hải giai huynh đệ”, huống chi là sinh trong một gia đình. Chẳng những không tranh chấp quyền lợi, tài sản, mà anh em còn phải nhường nhịn nhau, hỗ trợ khi khó khăn.
Chuyện xưa kể có ông lão khi hấp hối gọi các con đến, đưa cho một chiếc đũa, các con bẻ gãy ngay. Nhưng khi ông đưa cả bó đũa thì không ai bẻ được. Ông muốn nhắc nhở về sự đoàn kết trong một gia đình, vì thông thường khi cha mẹ mất đi thì anh em dễ dàng ly tán, tranh đoạt, tị hiềm. Và chính điều đó làm suy yếu dòng họ. Gia đình nào mà anh em đoàn kết thì nội lực tăng thêm. Bởi suy cho cùng, mỗi người chỉ có một vài khả năng hoặc tài lực nổi bật, không thể gọi là hoàn hảo, nếu bù đắp cho nhau thì khuyết điểm bớt đi, ưu điểm vượt trội, và sự cộng hưởng với nhau làm nên sức mạnh đáng kể. Tại sao ta đi tìm người bên ngoài để cộng tác, để làm việc và chung sống, mà lại không chấp nhận chính anh em ruột thịt của mình?

Chuyện con trai con gái bây giờ đã được pháp luật công nhận bình đẳng. Tài sản thừa kế cũng chia đều. Như vậy, đối với việc phụng dưỡng cha mẹ hoặc bổn phận trong gia đình thì anh em trai gái có quyền và bổn phận đóng góp, gánh vác như nhau, không còn câu “Nữ sanh ngoại tộc” nữa. Thậm chí, có nhiều gia đình, người nữ lại thờ cúng ông bà vì anh em trai không có điều kiện thờ cúng. Đổi mới cách nhìn như thế, anh chị em sẽ không còn phân biệt, tị nạnh, lấn lướt lẫn nhau.

3-BỔN PHẬN ĐỐI VỚI VỢ CHỒNG:
            Thực tế cho thấy, người vợ (hoặc chồng) chính là người kề cận chúng ta nhiều nhất, có khi còn hơn cả anh em, cha mẹ. Bởi khi chúng ta lớn lên, hoặc ra ở riêng, thì có một khoảng cách nhất định với anh em, cha mẹ, nhưng lại gần gũi và tiếp xúc trực tiếp với người bạn đời, có thể sống đến răng long đầu bạc. Chính con đường tình ái đã kết nối hai cá thể xa lạ với nhau đến mức mật thiết như thế. Cho nên đừng ngạc nhiên khi tâm lý mỗi người thương yêu hay hờn giận đều dành cho vợ chồng nhiều nhất. Mối quan hệ vợ chồng rất dễ gắn bó nhưng cũng dễ phiền não và ly tan. Và nó càng mong manh hơn trong thời đại bùng nổ những yêu cầu cao về kinh tế, hưởng thụ, về tâm hồn, bản ngã. Vì vậy, bài học về mối quan hệ vợ chồng bao giờ cũng rất quan trọng và cần thiết.

a-chung thủy: là bổn phận trọng tâm giữa hai người khi chấp nhận kết hôn với nhau. Mọi lỗi lầm khác có thể tha thứ dễ hơn, nhưng thiếu chung thủy thường bị lên án nặng nhất. Thời đại bây giờ rất nhiều cám dỗ và nhiều điều kiện thuận lợi cho cả vợ lẫn chồng tìm kiếm niềm vui mới khi ra ngoài hoạt động. Cho nên, mỗi người phải chuẩn bị nghị lực chống lại cám dỗ đó. Tình yêu và sức hấp dẫn, trẻ trung rồi cũng dần phai theo thời gian, chỉ có tình nghĩa mới giữ chân người ta được trong gia đình. Vì thế, nếu mỗi ngày vợ chồng biết vun đắp cái nghĩa cho nhau thì đến lúc nguy hiểm, thử thách mới có “vũ khí” chống lại cám dỗ.

Tuy nhiên, ai cũng là một chúng sanh, cho nên không dám chắc mỗi người đều không lỗi lầm, sa ngã. Có thể người vợ hoặc chồng của mình vẫn rất yêu thương gia đình nhưng vì một phút yếu lòng mà rơi vào cạm bẫy của tình trường. Chính vì hiểu rõ quy luật tâm lý như thế, nên mỗi người còn phải biết tha thứ cho vợ chồng nếu chẳng may gặp điều sơ suất. Tha thứ là thực hành chữ Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả). Cứu vãn được thì hãy cứu vãn. Đừng biến cái lỗi nhỏ thành lỗi lớn hơn, đẩy người bạn đời đi xa hơn, đến mất tất cả. Chung thủy không có nghĩa là chấp chặt, mà còn biết rộng lượng cho nhau, quay về hối cải. Có khi sự mất mát làm người ta trưởng thành hơn, biết sống tử tế gấp mấy lần trước kia.

b-chia sẻ gánh nặng gia đình:  Ngày nay, địa vị nam nữ đã bình đẳng nên không còn thiệt thòi cho người vợ nữa, và có những trách nhiệm mà lắm khi cả vợ lẫn chồng đều phải gánh vác như nhau. Từ chuyện đi làm kiếm tiền nuôi gia đình cho đến công việc nội trợ, dạy con, cả hai phái nam và nữ đều có thể làm rất giỏi. Cho nên, tùy theo hoàn cảnh mỗi nhà mà phân chia công việc, làm sao để vợ và chồng đều có cơ hội đóng góp, cơ hội nghỉ ngơi, cơ hội hưởng thụ.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ chữ “bình đẳng” không có nghĩa là rạch ròi từng ly từng tí, phân chia như toán học, tôi rửa chén thì anh cũng phải rửa chén v.v… Bình đẳng cũng phải dựa trên cơ sở giới tính, để phân chia trách nhiệm phù hợp. Tạo hóa ban cho mỗi giới một khả năng riêng, nên khó mà nói hoàn toàn thay thế cho nhau. Chẳng hạn, đa số người đàn ông có thể làm việc nặng nhọc giỏi hơn phụ nữ, ngược lại đa số phụ nữ thì tỉ mỉ, khéo léo. Thành ra, nếu giỏi tổ chức thì vợ chồng sẽ tận dụng được ưu thế thiên phú của mình mà không quá chênh lệch, quá bức xúc trong công việc. Tạo hóa đã tạo ra hai giới, có nghĩa là đã có sự bù đắp cho nhau. Ai biết sử dụng sự bù đắp này một cách khôn khéo thì gia đình sẽ thịnh vượng, hòa thuận vô cùng.

c-hoan hỷ, kính trọng: Đây là điều không dễ trong mối quan hệ vợ chồng. Có thể người ta rất yêu thương nhau, nhưng lại hay giận hờn, lỗi phải, xem nhẹ nhau. Nhiều đôi vợ chồng sống tới đầu bạc, nhưng cứ cắn đắn, làm cho không khí gia đình luôn u ám. Nhất là người nữ, tánh hay nhỏ nhặt, cằn nhằn. Còn người nam thì cộc cằn, nóng nảy. Nên tập hạnh hoan hỷ, đừng quan tâm tới những điều quá chi li, rồi tự mình chuốc lấy phiền não, lại khiến người trong gia đình phiền não theo. Phiền não chính là kẻ thù của nhan sắc. Và nó còn làm giảm hiệu quả công việc. Làm cha mẹ nên giữ sự vui tươi, thì con cái sẽ vui theo, sẽ hồn nhiên hơn, dễ dạy hơn. Những gia đình cha mẹ hay cằn nhằn, cãi cọ thì con cái dễ trầm cảm, hoặc bướng bỉnh, nổi loạn.

Kính trọng cũng cần thiết khi một trong hai người có năng lực yếu hơn về kinh tế, về thể chất, về tri thức. Thông thường, ai làm ra tiền nhiều, ai xinh đẹp hơn, ai học vấn cao hơn, thì hay xem nhẹ người bạn đời của mình. Có trường hợp khinh rẻ lộ liễu, có trường hợp khinh rẻ vi tế. Là Phật tử, chúng ta nên lấy hạnh từ bi mà thương người yếu thế hơn mình, chấp nhận làm chỗ dựa cho người bạn đời, coi như bù đắp lẫn nhau. Chính người ta yếu thế nên mới cần đến mình, mình mới thực hiện được tấm lòng Bồ tát.

Thực tế, mỗi người muốn được vợ chồng của mình coi trọng thì phải nỗ lực trong công việc, trong đạo đức. Có thể mình thua kém, nhưng mình đã làm hết sức, thì vẫn đáng khen. Còn thái độ lười biếng, buông thả, thụ động, ỷ lại, sẽ bị rẻ khinh và loại trừ. Đặc biệt, khi tập tành những thói hư tật xấu như hút xách, rượu chè, cờ bạc, mua sắm quá tay, ngồi lê đôi mách… thì càng bị khinh rẻ.

Kinh Thiện Sanh dạy rằng:
Năm điều chồng phải khắc ghi
Để mà đối đãi hộ trì phương Tây
“Ngọt ngào yêu mến vợ hoài (1)
Không thường phiền nhiễu hay bày miệt khinh (2)
Chân thành trao vợ niềm tin (3)
Giao quyền cho vợ “tự mình nội gia” (4)
Sửa sang trang điểm vợ ta (5)
Những điều hợp lý thì ta nên chìu”

Được chồng đối xử tin yêu
Vợ dùng năm cách noi theo tỏ lòng
“Luôn luôn thành tín với chồng (1)
Hai bên thân quyến coi đồng như nhau (2)
Giữ gìn tài sản chồng giao (3)
Khéo làm tròn phận nâng cao gia đình (4)
Siêng năng tháo vát tận tình (5)
Thông minh thu vén gia đình yên vui”

4-BỔN PHẬN ĐỐI VỚI CON CÁI:
            Con cái là “tác phẩm” trực tiếp do chúng ta làm ra, nên chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn. Bởi nếu ta cung cấp cho xã hội một đứa trẻ hư, nó làm tổn hại bao nhiêu người khác, thì tội lỗi của ta rất lớn. Ngược lại, ta cung cấp cho đời một công dân tốt, làm lợi ích chúng sanh, thì phước báu cũng không thể nghĩ bàn.
Nhìn chung, cha mẹ có bổn phận với con cái trong hai lĩnh vực là nuôi và dạy.
           
*Nuôi con: phải chăm sóc chu đáo về thực phẩm, thuốc men, sinh hoạt. Chú trọng thể chất cho con được cao lớn, khỏe mạnh, quan sát từng chiếc răng mới mọc, từng đêm con ngủ ấm lạnh, từng con muỗi con kiến chích đốt, nấu nướng thức ăn đúng chất, an toàn vệ sinh v.v…
Tuy nhiên, ngày nay xã hội phát triển, trẻ em lại có quá nhiều điều kiện sống sung sướng, cho nên lại nảy sinh vấn đề ngược lại. Đó là cha mẹ nuôi con quá dư thừa, dẫn đến những hệ lụy. Chẳng hạn, ăn nhiều thịt cá hơn rau quả, nhiều bánh ngọt, thức ăn nhanh, nhiều loại thuốc bổ, sữa, nhiều loại đồ chơi độc hại… dẫn đến béo phì, hại gan, thận, lệch lạc nhân cách. Cái gì thái quá cũng không tốt. Cần tiết chế vừa phải, để giữ sức khỏe, để đừng tổn phước của con, đó mới thật là thương con. Nếu có thể, nên tập cho trẻ thỉnh thoảng ăn chay, không sợ mất sức, mà còn có phước báu.

*Dạy con: Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con. Dạy con từ những bước đi chập chững, những tiếng nói bập bẹ, cho đến sau này là cách ứng xử, văn hóa, kiến thức xã hội, nghề nghiệp, kinh nghiệm sống, đạo đức v.v… Nhìn chung, có mấy khía cạnh cần chú ý là:

a-dạy đạo đức: cha mẹ có thể chênh lệch với con về học vấn, không tiếp cận được, nhưng về đạo đức thì chắc chắn dạy con dễ dàng. Bởi đứa trẻ lớn lên trong môi trường nào thì ảnh hưởng rõ rệt của môi trường đó. Vì thế, thân giáo của cha mẹ vô cùng quan trọng. Cha mẹ làm gì thì con cái bắt chước như vậy. Nhìn chung:
+ Phải sống tử tế để làm gương cho con.
+Đồng thời dùng lời nói phân tích phải trái, xác định thiện ác để con hiểu và thực hành.
+Không những vậy, còn tạo điều kiện cho con gần gũi người trí tuệ để học hỏi điều lành.
Những bài học đạo đức của cha mẹ đôi khi còn quan trọng hơn cả miếng cơm manh áo. Nhà có thể nghèo, nhưng có đạo đức thì hạnh phúc hơn, và chắc chắn sẽ có cơ hội vươn lên nhờ những nhân lành đã gieo. Còn nhà giàu mà thiếu đạo đức thì tương lai chưa chắc bảo đảm.

b-dạy kiến thức: Ở đây không chỉ là học vấn cụ thể, vì trình độ của hai thế hệ có khi chênh lệch, và chuyên môn nghề nghiệp của cha mẹ khác với chuyên môn nghề nghiệp của con. Kiến thức chính là những vấn đề rất phổ thông chung quanh cuộc sống, xã hội. Cha mẹ là người đi trước, nhiều kinh nghiệm sống, nên thường có kiến thức nhiều hơn con cái, rất dễ truyền đạt cho con. Thí dụ, người mẹ dạy con nấu ăn, sẽ hướng dẫn con những loại rau quả nào cứng, mềm, bỏ vào nồi trước hoặc sau cho phù hợp. Hoặc người cha dạy con xếp đặt nhà cửa, cách phân biệt các loại cây, cách bơi thuyền v.v… Hoặc những câu chuyện lịch sử, một sự tích gắn với địa danh nào đó, một truyền thống, tập tục quê nhà, một câu ca dao, dân ca… đều có thể xem là “văn hóa nền” để đứa trẻ lớn lên một cách đầy đặn, chứ không rỗng tuếch. Nhờ những bài học nho nhỏ này mà tình cha mẹ con cái gắn bó, gần gũi, và con cái sẽ rất ngưỡng mộ cha mẹ.

Ngày nay, cha mẹ viện lý do quá bận rộn nên giao phó toàn bộ sự nghiệp giáo dục con cái cho nhà trường. Nhà trường thì nhồi nhét lớp trẻ bằng những bộ sách giáo khoa dầy cộp, khô khan. Rốt cuộc, các em học nhiều nhưng quên hết, và hụt hẫng trầm trọng về văn hóa nền. Chính điều này làm nên diện mạo một lớp trẻ rỗng tuếch, thời thượng, đua đòi, phù phiếm, hỗn hào, thích đi bụi…Lỗi tại người lớn chúng ta nhiều hơn. Hãy bớt chút thời gian kiếm tiền để kề cận con cái. Bởi đồng tiền ấy sau này cũng sẽ không mua được nhân cách đứa con một khi nó đã sa đà, hư hỏng. Và số tiền để chữa trị nó thoát khỏi những thói hư tật xấu sẽ lớn gấp nhiều lần số tiền hôm nay chúng ta dám hy sinh bỏ bớt.

c-dạy kỹ năng sống: Hiện nay xã hội đang bức xúc vì trẻ em thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Lý do thường thấy là bởi học hành quá nhiều không còn thời gian vui chơi, sinh hoạt, lao động, là bởi con ít nên cha mẹ cưng chiều. Cha mẹ tốt sẽ chú ý điều này hơn. Thí dụ, phân công việc nhà hợp lý để con vừa vận động tăng cường sức khỏe, vừa phát triển kỹ năng, kinh nghiệm. Hoặc cho con đi làm từ thiện, đi dã ngoại, cho con trợ giúp người khác trong công trình nào đó, thậm chí cho con thử nghiệm phụ trách những công trình do chính con sáng tạo. Nhờ vậy khi lớn lên ra đời đứa con không bỡ ngỡ, có tính tự tin, tự lập, chịu đựng được áp lực, biết kiên nhẫn, biết nắm bắt tâm lý người khác, biết khéo léo xử lý…Nhiều đứa trẻ nhà nghèo lại thành công hơn con nhà giàu do kỹ năng sống tốt hơn trong thời gian cọ xát thực tế.

Kinh Thiện Sanh có dạy:
Được con cư xử thế thời
Năm điều cha mẹ thực hành khôn nguôi:
“Dạy con điều thiện phải nuôi (1)
Không cho điều ác sinh sôi nảy mầm (2)
Dạy con chân thật, chánh tâm
Sống đời ngay thẳng, thăng trầm không lay (3)
Thương con bể rộng sông dài (4)
Gả chồng dựng vợ an bài cho con (5)”

Chú ý: Xã hội ngày nay rất nhiều gia đình ly hôn, tan vỡ, làm những đứa trẻ trở nên bất hạnh, bất thiện. Trong trường hợp này, cha mẹ vẫn có thể nuôi dạy con chu đáo nếu không đùn đẩy trách nhiệm, nếu một trong hai người biết hy sinh cho con. Dù là Phật tử nhưng chúng ta vẫn có thể bị chi phối bởi môi trường, thời cuộc, vì vậy nếu gặp hoàn cảnh ly hôn thì phải ý thức trách nhiệm cao hơn, phải nhận lấy phần thiệt thòi về mình, phải bình tĩnh và đầy nghị lực sống, như vậy con cái mới giảm bớt thiệt hại. Đừng so kè, tị nạnh, sân hận với người bạn đời, vì dễ đưa đến hậu quả xấu cho những đứa trẻ.

III. BỔN PHẬN CỦA PHẬT TỬ ĐỐI VỚI NGƯỜI NGOÀI GIA ĐÌNH:

            Biết chăm lo cho bản thân, rồi đến người trong gia đình, đã là tốt rồi. Nhưng tiến bộ hơn nữa, chúng ta còn bước ra khỏi ngưỡng cửa để làm tròn bổn phận đối với những người bên ngoài. Có thể không quan hệ trực tiếp về máu mủ ruột thịt, nhưng vẫn là những người hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống, và làm nên một tập thể sinh hoạt gắn bó mỗi ngày.

1-BỔN PHẬN THẦY TRÒ:
           
*trò đối với thầy: Ai cũng có một thời đi học chữ hoặc học nghề, cho nên thầy dạy văn hóa và thầy dạy nghề rất quan trọng. Có thể nói, đó chính là người tạo nền tảng cho chúng ta làm ăn nuôi sống bản thân và gia đình, càng phải tri ân. Nho giáo có Tam cương: Quân- Sư- Phụ, vẫn có giá trị cho đến bây giờ. Bởi lắm khi cha mẹ đẻ con ra mà không biết dạy con, để nó lớn lên hư hỏng, phá hoại xã hội. Nhưng một người thầy dạy cho thế hệ trẻ có kiến thức, có đạo đức, trở thành hữu dụng, rõ ràng công thầy lại lớn hơn công cha. Vì vậy Nho giáo đặt chữ Sư trước chữ Phụ cũng là hợp lý.
-Kính mến thầy là bổn phận đầu tiên của người học trò. Phải kính mến với tất cả tấm lòng, dù thầy khó tính, nghiêm khắc đến đâu. Nhưng thông thường, thầy khó trò mới nên. Những vị thầy lúc dạy nghiêm khắc, không sợ học trò oán than, sau này lại được học trò nhớ nhất. Và có câu tục ngữ “Kính thầy mới được làm thầy”, chính là đề cập đến nhân quả. Nếu ta biết tôn kính thầy thì ta mới được người đời tôn kính, mới có khả năng bảo ban, khuyên dạy người khác.

-Chú tâm học tập, không phụ công lao của thầy. Thực sự, người thầy nào cũng mong học trò của mình tiếp thu thật tốt những điều mình truyền dạy. Đó chính là thương thầy, trả ơn thầy một cách đích thực, còn hơn những quà tặng, của cải nào khác. Vì thế, nhiều vị thầy lại thương yêu những học trò nghèo mà học giỏi, ngoan hiền, hơn là những đứa giàu sang, lười biếng, dù gia đình nó trả thù lao cao hơn.

Trong quá trình học, có thể thầy thử thách trò xem có đủ nghị lực, bền chí theo đuổi sự nghiệp hay không, cho nên người học trò đừng vội nản lòng. Khi vượt qua những sát hạch nghiêm khắc đó, trò sẽ được thầy tín nhiệm truyền dạy tất cả kinh nghiệm quý giá.

-Quán xuyến, đảm đang giúp thầy. Học văn hóa ở trường phổ thông hoặc đại học, không có nhiều công việc để trò phụ giúp thầy. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm tròn bổn phận bằng cách giải quyết bớt những chuyện lặt vặt trong lớp, trong sinh hoạt tập thể, để thầy không mất thời gian. Nhiều em sinh viên bây giờ vào lớp không hề biết lau bảng, chuẩn bị phấn, nước uống cho thầy. Thậm chí cái bàn cũng không có tấm khăn trải lên cho lịch sự, đừng nói tới một lọ hoa nho nhỏ như ngày xưa. Hoặc gặp thầy cô ở bãi xe, biết dắt giùm chiếc xe, cũng là đảm đang.

Học nghề thì có nhiều việc để giúp thầy hơn. Trong làng nghề, công xưởng, đơn vị…đều rất bộn bề, ta hãy xắn tay lên giải quyết, đừng câu nệ đó là việc của ai, hoặc tôi đóng học phí thì chỉ biết học thôi, không cần phải vất vả làm việc gì khác. Khi ta gánh bớt việc cho thầy, thì thầy có sức khỏe, có tâm trí nghiên cứu bài học, sẽ dạy tốt hơn, đem lợi ích đến nhiều người.

-Thăm viếng, giúp đỡ thầy dù khi đã thôi học. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, nghĩa thầy trò tồn tại mãi theo thời gian. Vì thế, dù đã tốt nhgiệp, đã ra nghề, nhưng nếu có điều kiện thì học trò phải thăm viếng thầy, và giúp đỡ thầy khi khó khăn, nguy hiểm.

Nhất là đối với thầy cô dạy ở cấp thấp, khi ta mới vào mẫu giáo, tiểu học, càng phải trân trọng. Thông thường, học trò học lên cao thì trình độ vượt xa thầy cô ấy. Nhưng không được so sánh rồi xem nhẹ thầy cô. Bởi không có những viên gạch đầu tiên thì làm sao có những nấc thang tiếp theo? Thực tế, dạy trẻ em càng nhỏ càng vất vả, hoặc ở những lớp vỡ lòng đòi hỏi thầy cô sự chịu đựng và kiên nhẫn rất cao. Chúng ta phải tri ân và hỗ trợ nhiều hơn.

Kinh Thiện Sanh dạy rằng:
Năm điều trò đối với thầy:
“Phụng thờ (1), tôn kính (2), trong ngoài đảm đang (3)
Đúng thời, đúng lúc lo toan (4)
Chú tâm học hỏi lời vàng ân sư (5)”

*thầy đối với trò: Muốn học trò tôn kính thì người thầy phải trau dồi về kiến thức và phẩm hạnh, đúng với mẫu mực sư phạm. Dạy người cũng chính là rèn mình. Dù có ăn lương hoặc hưởng thù lao đi chăng nữa, nhưng đã gọi là sư phạm thì không thể xem đó như một nghề kiếm cơm bình thường. Bởi một người thầy như một chiếc “máy cái”, có thể “sản xuất” ra nhiều cái “máy con”, và những máy con này không nhiều thì ít sẽ ảnh hưởng từ “cái khuôn” của máy cái. Vì vậy, thầy hay thì trò giỏi, thầy tốt thì trò nên. Hay-giỏi là nói tới phạm trù kiến thức, tay nghề, còn tốt-nên là nói tới phạm trù đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Hai mặt này phải song song với nhau, không thể khiếm khuyết.
           
Nói chung thầy có những bổn phận như sau:
            -Cần mẫn, chuyên tâm dạy dỗ học trò. Dạy trò với cả tình thương thì người thầy mới tập trung vào nghề, vào bài học, mới chịu khó nâng cao chất lượng. Không yêu nghề thì đừng theo, còn đã theo phải quyết lòng vượt qua khó khăn. Chọn con đường sư phạm (dạy chữ hoặc dạy nghề), ít khi giàu sang, danh vọng như các hoạt động khác, nhưng nếu đã chọn là phải chấp nhận. Niềm vui của người thầy thực ra rộng lớn lắm. Một vị thầy mẫu mực, thì học trò ca ngợi mãi, và có khi thăm viếng luôn luôn. Nhiều vị thầy để lại tên tuổi cho hậu thế, không thua gì những danh nhân khác.
-Sáng tạo, cập nhật. Chỉ cần mẫn thôi chưa đủ, trong thời đại tiến bộ như vũ bão, người thầy phải cập nhật kiến thức thì bài học mới hiệu quả. Đặc biệt là tính sáng tạo của người thầy, tìm ra những phương pháp dạy và học sinh động, dễ tiếp thu, dễ nhớ, chính là hỗ trợ cho học trò rất cao. Người thầy nào yêu nghề, có cái tâm, coi công việc dạy học là niềm hạnh phúc lớn, coi học trò là những đứa con của mình, thì càng ham cập nhật và sáng tạo.
Chính thầy cũng phải tự học mỗi ngày, chứ không thể bằng lòng với kiến thức đã có. Phải đào sâu hơn nữa, nghiên cứu rộng hơn, có vậy mới bảo đảm bài học không sai lệch. Kiến thức sai đem dạy người sẽ đưa đến những tai hại khôn lường.
-Mong trò giỏi hơn mình. Điều này hơi khó làm, vì thầy cũng có bản ngã, tất khó chịu khi thấy mình lùi lại phía sau. Nhưng đã là Phật tử, chúng ta hiểu quy luật vô thường, và biết tu vô ngã, thì phải càng mừng khi “hậu sanh khả úy”, thấy lớp trẻ vượt qua, phát triển. Nếu không, cuộc sống chắc phải dừng lại. Chính vì thế, thầy không nên giấu nghề, mà phải truyền hết cho trò, để nghề đừng mai một, và để trò có cơ hội phát triển nhanh hơn, không mất thời gian tìm tòi trở lại.
Thậm chí, khi trò thôi học với mình rồi, nhưng nếu phát hiện những điều sai sót của trò, hoặc những thành công mới, thầy cũng lên tiếng bảo ban hoặc khen ngợi. Đó là hộ trì cho trò, dõi theo từng bước đi, giúp đỡ.  

Chúng ta tham cứu Kinh Thiện Sanh như sau:
Được trò tôn trọng thật tình
Năm điều thầy giáo dặn mình nên theo:
“Dạy điều đã hiểu thật nhiều (1)
Bảo ban mọi thứ (2), thường theo hộ trì (3)
Dạy trò không giấu điều gì (4)
Ngợi khen những việc đáng thì ngợi khen (5)”


2-BỔN PHẬN VỚI HỌ HÀNG, BÈ BẠN:
            Họ hàng, bè bạn cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Vì họ hàng, bè bạn gắn liền với chúng ta trong lễ lạt, công việc, giải trí, học tập v.v…làm sao không có bổn phận cho được? Nhưng ứng xử thế nào mới đúng chánh pháp?
           
            *nhường nhịn, giúp đỡ: Không ai dám chắc mình không có lúc sa cơ thất thế, cần sự giúp đỡ của người khác. Cho nên, khi có điều kiện, chúng ta phải biết giúp bạn, giúp họ hàng, coi như gieo nhân lành thì sẽ nhận quả ngọt. Tuy nhiên, tiến xa hơn nữa, thì lấy tâm Bồ Tát mà làm, vô tư mà làm, không mong cầu lợi lộc cho mình.
            Giúp bạn đôi khi phải dám hy sinh, như chuyện Lưu Bình-Dương Lễ- Châu Long. Đặc biệt chú ý, sự giúp đỡ ở đây không hẳn là trực tiếp thì mới hiệu quả. Giúp đỡ bằng cách động viên bạn tự thân nỗ lực để vươn lên, thì hiệu quả cao hơn gấp bội. Phương pháp này đòi hỏi sự nhẫn nại, hy sinh nhiều hơn, chứng tỏ một tình bạn rất lớn.
           
*tôn trọng, thân thiết: Dù có công giúp đỡ bạn, nhưng ta vẫn phải giữ ý tôn trọng, đừng có thái độ kẻ cả, sẽ làm bạn mặc cảm. Làm sao để cân bằng giữa thân thiết và tôn trọng, thì tình bạn mới bền vững. Khách sáo quá thì trở nên xa lạ, mà thân thiết đến mức suồng sã thì không còn trân trọng nữa. Đôi khi một thái độ nhỏ vô tình của ta cũng xúc phạm bạn mà ta không biết. Cho nên, về ứng xử tâm lý phải nên khéo léo, chứ đừng nghĩ giúp nhau của cải vật chất là đã đủ.
           
*chân thật, tin cậy: Mình chân thật với bạn, ngược lại cũng tin cậy rằng bạn chân thật, đó là hiệu ứng hai chiều giữa bạn bè với nhau. Mình không chân thật thì ắt sẽ nghi ngờ bạn, và bạn cũng chẳng tin cậy mình. Chuyện Thạch Sanh-Lý Thông là ví dụ cho tình bạn phản trắc, cuối cùng vẫn lãnh hậu quả tai hại.

            Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa bạn đối xử với mình ra sao thì mình đối xử y như vậy. Dù khi bạn sai lầm, chúng ta cũng nên lấy tâm tha thứ, rộng lượng mà đối đãi, và nếu có thể thì khuyên lơn hoặc hành động giúp bạn quay về con đường chân chánh. Bạn trong thuận cảnh thì quá dễ, nhưng bạn trong nghịch cảnh mới đúng là thử thách những trái tim cao cả.

            Lời Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh:
Họ hàng, bè bạn với nhau
Năm điều cư xử làm đầu nhớ ghi:
“Giúp nhau trong lúc hàn vi (1)
Đó là chỗ dựa những khi nguy nàn (2)
Đó là tôn trọng họ hàng (3)
Đó là sướng khổ, kinh hoàng có nhau (4)
Đó là giữ của bạn giao
Mọi điều chân thật chớ nào dối gian (5)”


3-BỔN PHẬN CHỦ TỚ:
            Hiện nay, mối quan hệ chủ tớ đã thoải mái, bình đẳng hơn xưa. Có thể đó là quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trong đơn vị, cơ quan, hoặc nếu là người giúp việc nhà thì cũng là một dạng “công nhân nội trợ”, không bị xã hội khinh rẻ. Cho nên, bổn phận chủ tớ phải đặt lại cho phù hợp thời đại. Nhưng vẫn không thể xem thường bổn phận này, vì thực tế nó diễn ra hằng ngày trong cuộc mưu sinh. Lắm khi người ta có mặt ở cơ quan, đơn vị đến nửa ngày, chỉ còn nửa ngày có mặt trong gia đình. Bởi thế, stress có thể đến từ mối quan hệ này một cách dễ dàng nếu chúng ta không khéo điều khiển tâm ý của mình.

            a-thấu hiểu, thông cảm:
Đây là yếu tố đầu tiên để chủ-tớ cộng tác với nhau vui vẻ, hiệu quả.
Tất nhiên, mọi người không dễ có sự gần gũi để mà thấu hiểu cặn kẽ, nhưng vẫn có thể thấu hiểu trong chừng mực nào đó nếu chúng ta chịu quan tâm đến nhau một chút. Cả chủ lẫn người làm công đừng quá quan liêu, chỉ biết riêng mình, chỉ biết công việc, mà nên quan sát, thăm hỏi lẫn nhau, thì sẽ phát hiện những thông tin, những tín hiệu, những ẩn ý, thậm chí những uẩn khúc, để xử lý khéo léo. Con người không phải là cái máy, nên không thể lập trình giống y như nhau trong mọi thời điểm. Chắc chắn có lúc thăng, trầm, thuận lợi, khó khăn, vui buồn, ốm đau, thai sản v.v... Kỷ luật lao động, hợp đồng lao động phải tuân theo, nhưng phải biết có lúc châm chước, chờ đợi. Chủ thông cảm cho nhân viên khi họ có sự cố mà giảm hiệu suất công việc. Nhân viên thông cảm cho lãnh đạo khi bị trễ lương, hoặc bị áp lực mà nổi giận la mắng…Nhìn người phải nhìn trên đại thể, trên đường dài, chứ không nên chấp vào những thời điểm đột xuất, hoặc những tiểu tiết, hiện tượng bên ngoài.

b-tôn trọng, biết ơn:
-Tôn trọng là yếu tố không thể thiếu trong thời đại văn minh. Ai cũng có nhân quyền, có vai trò cần thiết trong xã hội. Dù một người đổ rác, một anh chạy honda ôm cũng đóng góp lợi ích cho cuộc sống, không ai dám coi thường. Cho nên, người chủ tôn trọng nhân viên, xem họ như thành viên trong cùng một “đại gia đình” là cơ quan, đơn vị, thì họ sẽ tận tụy hơn, trung thành hơn. Hình thức cổ phần hóa công ty, cho tất cả nhân viên được tham gia mua cổ phiếu, chính là hình thức trân trọng, dân chủ, coi nhân viên cũng là “chủ” của đơn vị, để cùng làm việc, cùng hưởng thụ tiền lãi. Tôn trọng còn thể hiện trong lời ăn tiếng nói, hoặc hành động không quan cách, không xúc phạm. Có như vậy mới cộng tác với nhau lâu bền.

-Biết ơn bởi vì chủ và nhân viên cộng sinh với nhau trong công việc để cùng tồn tại. Một đơn vị mà không có công nhân làm sao hoạt động? Không lẽ một mình giám đốc may được hàng nghìn đôi giày, dệt được hàng trăm mét vải, in được hàng triệu cuốn sách? Ngược lại, công nhân không có lãnh đạo thì lấy ai lên kế hoạch sản xuất, ai quan sát thị trường, ai tìm đối tác v.v…? Đôi bên rất cần có nhau, cho nên phải biết ơn nhau. Một bên suy yếu thì kéo theo bên kia cũng suy yếu. Hỗ trợ nhau chính là giúp bản thân mình trước vậy.

c-sòng phẳng, không bóc lột: Nền kinh tế thị trường đã quy định sự thỏa thuận rất rõ ràng giữa đôi bên người chủ và người làm công, chấp nhận nhau thì mới cộng tác, không thể kêu ca. Tuy nhiên, vẫn có sự bóc lột tinh tế. Và bóc lột diễn ra từ cả hai phía, chứ không riêng chủ bóc lột nhân viên, mà nhân viên cũng bóc lột được chủ. Chẳng hạn, nhân viên lười biếng, làm ẩu, ăn cắp của công, ăn cắp giờ công…đều làm thiệt hại thu nhập của người chủ. Do đó, đã thỏa thuận với nhau thì cố gắng làm tròn bổn phận đúng với thù lao. Suy cho cùng, ai có sự bóc lột làm tổn hại cho đối tác coi như đã phạm giới trộm cắp trong Ngũ giới. Nhân quả không hề sai lệch, sẽ gặt hái những thất thoát khác.

Tóm lại, chúng ta nhớ rằng:
Chủ phân chia công việc vừa sức nhân viên, để họ còn thời gian phục hồi sức khỏe hoặc vui với gia đình. Chủ công bằng trong đánh giá khen thưởng, đừng thiên vị người thân, người mình ưu ái. Không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng, sẽ gây mất đoàn kết, cơ quan sẽ mau tan rã. Chủ tha thứ khi nhân viên phạm lỗi, biết ăn năn. Chủ tạo điều kiện cho nhân viên học tập, nâng cao tay nghề.

Nhân viên trước hết là vâng lệnh chủ một cách hợp lý, đó cũng là kỷ luật, là tôn ti trật tự để đơn vị không náo loạn. Nhân viên chăm chỉ, tận tụy, cầu tiến, sáng tạo trong công việc. Không chỉ sòng phẳng với đồng lương mà còn vì yêu nghề. Nên nhớ, chủ có thể thay đổi, đơn vị có thể thay đổi, nhưng công việc và tay nghề giỏi giang sẽ theo mình suốt đời, mình dễ dàng tìm việc nơi khác. Lười biếng, dở nghề trước sau sẽ bị đào thải. Vì thế, mình tận tụy với nghề chính là có lợi cho mình trước tiên. Nhân viên còn phải trung thực, không mờ ám, ăn cắp, bè phái, luồn lách, nịnh hót. Tư cách tốt như thế sẽ tìm được người biết trọng dụng.

IV. BỔN PHẬN CỦA PHẬT TỬ ĐỐI VỚI XÃ HỘI

            Là Phật tử cũng là công dân của xã hội, chúng ta càng có ý thức hơn về cộng đồng chung quanh, về quốc độ mà ta đang sống. Làm sao để người khác đừng hiểu lầm rằng tu Phật là yếm thế, an phận, thụ động, không đóng góp cho xã hội. Ngược lại, sự tích cực của người Phật tử lại làm xã hội tốt đẹp, làm mọi người có thiện cảm với đạo Phật, chính là góp phần hoằng pháp.

1-Tôn trọng luật pháp, làm tròn nghĩa vụ công dân:
            Về căn bản, luật pháp là chuẩn mực để xã hội có tôn ti trật tự, có nề nếp, không loạn lạc, xáo trộn, giúp mọi người sống bình an, thoải mái. Cho nên, tuân thủ luật pháp là điều đương nhiên. Tuân thủ một cách thuần thục, thì con người không cảm thấy gò bó nữa, mà còn lấy đó làm thước đo văn minh, lịch sự. Ví dụ, ở nước ngoài, việc dừng xe ở đèn đỏ, không xả rác, không hút thuốc, nói bậy, bóp còi xe nơi công cộng…đã trở thành điều tự nhiên, dễ chịu.

Bên cạnh đó, còn những qui định như cấm buôn lậu, cấm bài bạc, sử dụng ma túy, bạo hành gia đình, bạo lực học đường, đua xe, hối lộ, tham nhũng, trộm cắp, đầu cơ nâng giá, trốn thuế v.v… đều rất gần với Ngũ giới mà Phật đã dạy. Phật tử giữ ngũ giới, ắt sẽ tuân thủ luật pháp một cách dễ dàng.

2-Tham gia các phong trào xã hội, từ thiện:
            Nhiều phong trào xã hội rất có ích cho cộng đồng, chúng ta nên hăng hái tham gia. Bởi trong đó đã hàm chứa các việc thiện, các hạnh lành, là hạnh nguyện của người tu theo con đường Bồ Tát.
            Có rất nhiều phong trào tốt như giữ gìn môi trường sạch và xanh, xóa mù chữ, lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt thiên tai, dọn vệ sinh khu phố, truyền thông HIV, thăm nom và chăm sóc trẻ em mồ côi, các cụ già neo đơn, đi bộ gây quỹ từ thiện, văn nghệ phục vụ các trại cai nghiện, xây cầu, đắp đường, hỗ trợ mùa thi bằng cách đón rước sinh viên, cho sinh viên ở trọ, viết thư thăm hỏi các chiến sĩ ở đảo xa, trồng cây mùa xuân v.v…

            Xã hội đang rất cần những bàn tay chung sức chung lòng xây dựng và phát triển ngày càng giàu đẹp. Đó chính là lợi ích của đồng bào chúng ta, của mọi chúng sanh mà ta đang yêu thương theo tinh thần từ bi của Đức Phật. Tham gia phong trào với tâm tư như thế thì ta sẽ không có cảm giác bị bắt buộc, hoặc chỉ làm cho “có lệ”, mà thấy phấn khởi, vui thích.

V. BỔN PHẬN CỦA PHẬT TỬ ĐỐI VỚI PHẬT PHÁP
            Đây là bổn phận đương nhiên, và cũng rất quan trọng, vì đã là Phật tử thì phải gánh vác trách nhiệm với “ngôi nhà” Phật pháp, cho Phật pháp mãi mãi trường tồn.

1-Thân cận Tam Bảo, cúng dường Tam Bảo:
Người Phật tử được gọi là Cận sự nam, Cận sự nữ chính vì vai trò thân cận và hộ trì Tam Bảo. Nên lui tới chùa thường xuyên, để lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, làm công quả, cúng dường chư Tăng. Nếu không có Phật tử thì ngôi Tam Bảo khó hoạt động được, bởi thiếu nguồn tài vật, thiếu nhân lực làm việc, thiếu người hộ trì. Ngược lại, không có ngôi Tam Bảo thì Phật tử không có chỗ nương tựa tâm linh, không có nơi học hỏi Phật pháp, cũng thiếu nơi gieo nhân lành, phước đức lớn lao.

Nên tập thói quen đi chùa thường xuyên, ít nhất mỗi tuần một lần như nhiều tín đồ của tôn giáo khác thường xuyên đến thánh đường của họ. Họ có nề nếp từ thuở nhỏ, dù bận cách mấy vẫn sắp xếp được thời gian đi lễ. Còn Phật tử chúng ta đa số chỉ đi chùa vào ngày lễ lớn, hoặc may lắm là ngày rằm, mùng 1. Những vị đi chùa thường xuyên lại là thành phần lớn tuổi, về hưu, chứ giới trẻ và trung niên chỉ mải mê lo kiếm sống và vui chơi giải trí. Chúng ta không tập thói quen thân cận Tam Bảo, nên cũng không giáo dục được con cháu trong gia đình quy hướng Tam Bảo. Coi như chúng ta không Phật hóa được gia đình, nói chi đến truyền đạo ra bên ngoài.

Đến chùa, như trở về ngôi nhà thân thương của mình, với vị Cha lành là Đức Phật. Vì thế, thấy việc thì lao vào làm hoặc cúng dường một cách tận tụy, không nệ vất vả, tốn kém, nguy hiểm. Có như vậy, ngôi Tam Bảo mới trường tồn và phát triển cho chúng ta và những thế hệ tiếp nối được tựa nương, an ổn.

2-Học hỏi giáo lý của Đức Phật:
            Phật nói: “Tin ta mà không hiểu ta chính là phỉ báng ta”. Giữa tín ngưỡng đơn thuần và đức tin dựa trên sự thấu hiểu, chiêm nghiệm, có một khoảng cách rất xa. Cho nên, để trở thành người Phật tử chân chính không thể thiếu sự học hỏi chánh pháp, nâng cao trí tuệ. Không có nền tảng giáo dục, thì dù có đi chùa, làm phước bao nhiêu, một ngày nào đó người Phật tử vẫn có thể gây ra sai lầm, lại trầm luân đau khổ. Xã hội còn chủ trương nâng cao dân trí, thì người theo đạo Phật cũng thế, phải nâng cao trí tuệ, để không lạc hậu, si mê. Học lời Phật dạy, như cầm trong tay ngọn đèn sáng mà đi trên đường đời tăm tối, phức tạp, không lo bị vấp ngã.

            Việc học Phật pháp hiện nay vô cùng thuận lợi. Nếu không rảnh để đến chùa nghe giảng, thì có thể mua băng đĩa về nghe, mua sách về đọc. Internet bây giờ đã về tới nông thôn, ta chỉ cần nhấp chuột là nhận được bao nhiêu kiến thức và bài giảng rất phong phú. Hoặc những bộ phim, những tuồng cải lương với nội dung Phật giáo cũng là một dạng bài học sinh động. Tóm lại, người già người trẻ đều có thể học rất dễ dàng.

3-Hoằng pháp rộng rãi:
Trong xã hội hiện nay, nhiều loại hình sinh hoạt đang tìm cách thu hút giới trẻ đi theo cách sống kém lành mạnh, hoặc các tín ngưỡng khác đang tìm cách thu hút người Phật tử về phía họ. Vì thế, chúng ta không thể lơ là trong công tác hoằng pháp, mà cần sự nỗ lực của tất cả mọi người, trên tinh thần từ bi.
Hoằng pháp không phải là công tác của riêng giáo hội hay chư tăng, mà bất cứ Phật tử nào cũng có thể làm được. Tùy sức mình, tùy điều kiện của mình mà chọn lựa hình thức hoằng pháp. Chẳng hạn, giảng dạy, viết sách, viết báo, sáng tác nhạc, phim, hoặc ấn tống kinh điển, sách báo, hoặc khuyên lơn, giúp đỡ người khác, rủ nhau đi chùa…cũng là góp phần đem đạo đến khắp nơi.
Và chúng ta làm những việc đó trên tình thần từ bi, vì thương yêu mà làm chứ không vì cạnh tranh, sân si, có khi dẫn đến mất lịch sự, mất đoàn kết, thậm chí thành chiến tranh, tai họa.

CÁCH XƯNG HÔ VÀ MỘT SỐ NGHI THỨC CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA

1-Chào hỏi:
            *Khi vào chùa hoặc ở ngoài đường, nếu gặp chư tăng, chúng ta phải chắp tay xá và nói: “Nam mô A Di Đà Phật”. Có người nói gọn thành câu: “Mô Phật” vẫn chấp nhận được. Đó là lời chào vừa thân thiết vừa mang đậm dấu ấn Phật giáo.
*Ngay cả khi gặp cư sĩ đồng đạo, nhất là những chú tiểu mới tập tu, chúng ta cũng dùng hình thức chào hỏi như thế. Bởi noi theo hạnh của Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, ta thấy trong mỗi người đều có Phật tánh, mỗi người đều là một vị Phật tương lai, nên ta kính trọng. Đó cũng là cách ta hạ thấp cái ngã cao ngạo của mình, càng tiến dần đến vô ngã thì mới được giải thoát.
*Khi muốn nói “vâng”, “phải”, “đúng vậy”, chúng ta cũng có thể dùng chữ “Mô Phật”, người nghe hiểu ý ngay, và thấy rất hay, rất lịch sự. Tránh những chữ Hello, OK mà ngoài đời quen dùng, nghe không được trang nghiêm.
2-Xưng hô
            *Với chư tăng: chỉ cần dùng chung chữ “thầy” là đủ tôn kính và thân thiết, không cần phân biệt Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, nghe rất khách sáo. Những vị mới thọ Sa di hoặc mới là chú tiểu, thì ta gọi chung là “chú”.
            Riêng với chư ni, thì hơi khó khi xưng hô. Đa số gọi chung là “sư cô”. Nếu là Ni sư thì gọi “Ni sư”, hoặc Ni trưởng thì gọi “Sư bà”. Hiện nay, nhiều nơi gọi chung tiếng “thầy” như chư tăng, có nhiều luồng dư luận chưa chấp nhận. Nhưng thiết nghĩ, chữ thầy hàm nghĩa là người dạy dỗ giáo pháp, đạo đức, thì tăng hay ni đều góp phần, vậy gọi như thế cũng không sai.
            *Với Phật tử: ta gọi chung người nữ là “cô”, người nam là “chú”, dù già hay trẻ.

3-Lễ lạy
            *Trước khi vào chánh điện phải rửa mặt, rửa tay sạch sẽ, để giày dép bên ngoài.
            *Lạy Phật phải 5 vóc sát đất (đầu, hai tay, hai gối).
            *Khi tụng kinh, chắp hai tay ngang ngực, mang hình búp sen (mười ngón thẳng từng cặp, lòng bàn tay khít nhau), chân đứng ngang bằng.
            Rửa tay sạch rồi mới cầm quyển kinh. Tụng vừa rõ tiếng, vừa độ lớn, không lấn giọng người khác.
Khi di chuyển, thì ôm kinh trên ngực, không được cắp vào nách. Khi muốn chào người, thì để kinh lên bàn hoặc ôm lên ngực rồi xá chào, không được cầm kinh mà xá.
4-Ăn mặc
            *Ăn mặc trang nghiêm, tốt nhất là mặc áo lam, khi cúng lễ, tụng kinh thì mặc áo tràng lam.
            *Tuy nhiên, cuộc sống hiện nay rất bận rộn, có thể người Phật tử đi chùa kèm theo những công việc khác, nên có thể mặc trang phục ngoài đời. Nhưng phải giữ ý tứ, chẳng hạn, không hở hang, không mỏng manh, không phô trương sự giàu có, kiểu dáng. Tránh mặc đồ bộ đến chùa, vì thực chất đồ bộ chính là đồ ngủ.
            *Đang có tình trạng người đi chùa mặc áo đầm, mặc váy, dư luận cũng có hai chiều chấp nhận và phản đối. Thực ra, có sự khác biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Theo phương Tây, đầm, váy chính là trang phục lịch sự, để đi lễ, hội, đám tiệc, trong khi quần jean như ta hay sử dụng hiện nay chỉ dành để đi phố, đi chơi. Vì vậy, tùy duyên mà ta chấp nhận hay phản đối.
            Thí dụ, nếu người Phật tử đi công việc nào đó phải mặc đầm, váy, rồi ghé chùa luôn, hoặc người đi hành hương, người vãng lai lễ Phật, khách nước ngoài, thì ta đừng quá chấp nhứt. Chỉ cần họ có thái độ kính cẩn, trang nghiêm, thì chiếc áo không gây phản cảm.
            Nhưng nếu cốt ý đi chùa, thì đừng nên mặc đầm, váy, mà nên tùy thuận theo văn hóa phương Đông.

KẾT LUẬN
            Người Phật tử quả là nhiều bổn phận, và càng phải ý thức về bổn phận đó để làm cho tròn. Thật không dễ dàng khi phải gánh vác như thế suốt cả cuộc đời. Cho nên, không thể hưng phấn trong một giai đoạn ngắn, trong một lúc nhất thời, mà phải nuôi nghị lực, lòng kiên trì, dũng cảm ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày đều có khó khăn cho ta đối diện, mỗi ngày đều có thử thách cho ta vượt qua. Phải cố gắng tinh tấn, không được thối chí.
            Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa cường điệu sự khó khăn để rồi sợ hãi. Nếu ta làm với tâm Bồ Tát, với lòng bình tĩnh, sáng suốt, thì mọi việc có thể xử lý thấu đáo, chu toàn. Sức mạnh tâm linh là một điều rất nhiệm mầu. Thậm chí có những việc khi phát nguyện mà làm thì ta có đủ sức mạnh và có cả sự gia hộ của chư Phật. Gánh nặng rồi sẽ nhẹ tênh trong bàn tay nâng đỡ của mọi người.