Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Cuộc đời không như tên gọi

Cuộc đời không như tên gọi
TT - Hoàn tất ba năm công tác tại miền núi, vì hoàn cảnh gia đình, gần chục lần chị viết đơn xin chuyển về đồng bằng để chăm sóc con gái bị bệnh hiểm nghèo. Nơi chị công tác đồng ý nhưng nơi nhận luôn từ chối. Thế là đã tám năm biền biệt trôi qua...
5g sáng, dắt xe ra khỏi nhà, vượt 35km đường đèo dốc, 7g đến nơi, ăn vội tô mì gói (có hôm chậm giờ không kịp ăn sáng) rồi vội vã lên lớp dạy học trò đến 11g30 tan trường lại quày quả quay về cũng ngần ấy cây số đến TP lúc 13g30 để kịp đưa con đi học, bữa ăn trưa của chị thường diễn ra lúc 14g cùng ngày... Đó là thời gian biểu và lịch trình công tác gần tám năm qua của cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn (35 tuổi), quê ở TP Quảng Ngãi, để đến với Trường tiểu học - THCS Sơn Trung, huyện vùng cao Sơn Hà, dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Không có chỉ tiêu
Chúng tôi gặp chị khi chị vừa từ Sơn Hà về đang chuẩn bị hành lý để đưa con gái 10 tuổi - Nguyễn Thị Như Ngọc - mắc bệnh hiểm nghèo vào TP.HCM tiếp tục chữa trị. Hai dòng nước mắt cứ tuôn chảy cùng với những câu nói đứt đoạn: “Cháu bị ung thư u vùng hạ vị, đi Sài Gòn hóa trị, xạ trị đã gần bốn năm nay. Thằng nhỏ mới hơn 2 tuổi, không có người trông nom nên cứ sáng lên chiều về. Xin chuyển về gần nhà nhưng người ta không nhận...”. Ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô giáo Nhàn là những giọt nước mắt lăn dài và những đêm thao thức không ngủ. Chị khóc thương cho đứa con gái bất hạnh và buồn vì hoàn cảnh gia đình quá đỗi khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, năm nào cô giáo Nhàn cũng mang hồ sơ đi xin chuyển công tác về đồng bằng. Nhưng mỗi lần xin chuyển trường là mỗi lần nhận được câu trả lời: “Chị thông cảm. Không có chỉ tiêu”. Mỗi lần nghe câu nói ấy là mỗi lần chị thấy cay sè nơi khóe mắt. Bước chân ra khỏi nơi xin việc, chị khóc như chưa từng được khóc.
“Sao chị không trình bày với người ta là con gái bị bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ thông cảm mà tiếp nhận?”. Cô giáo Nhàn đưa tay quệt nước mắt, nói: “Mình đâu quen biết ai đâu. Cứ mang hồ sơ đi xin đại, nhưng lần nào họ cũng bảo không có chỉ tiêu. Đâu có ai ngồi nghe mình nói hết câu chuyện”.
Chi tiết không có trong hồ sơ
Cô giáo Nhàn không ghi trong hồ sơ là con gái bị ung thư mà chỉ ghi do “hoàn cảnh gia đình”. Ai mà chẳng có “hoàn cảnh gia đình”, nhiều người mới lên miền núi chỉ một hoặc hai năm công tác nhưng cũng thuyên chuyển được và chỉ ghi trong hồ sơ là “hoàn cảnh gia đình”. Còn người giáo viên - người mẹ đáng thương ấy đau lòng đến độ chẳng thể cầm bút để viết trong hồ sơ là con gái bị ung thư, dù thực tế là vậy.
Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ khi đứa con do chính mình sinh ra bị bệnh hiểm nghèo, chẳng biết sống chết thế nào. Thế nhưng còn nước còn tát, vợ chồng cô giáo Nhàn vay mượn tiền khắp nơi để đưa con vào TP.HCM điều trị bệnh, từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 lại qua Bệnh viện Ung bướu.
Mỗi tháng cháu bé phải vào TP.HCM hóa trị ba lần. Nhìn mái tóc xanh con trẻ cứ ngày một rơi rụng đến khi không còn cọng nào trên đầu, người mẹ ấy đau đớn như bị chính những cọng tóc ấy thắt lại đâu đó trong lòng. Chị kể: “Mỗi lần vô thuốc bé nằm miên man suốt hơn mười giờ. Lúc tỉnh dậy bé gọi điện cho mẹ bảo: Mẹ ơi, mấy bạn khác lúc vô thuốc có mẹ ở bên cạnh, còn con không thấy mẹ. Con nhớ mẹ lắm...”. Kể xong, chị nghẹn lại chẳng nói nên lời, chị kéo bé Ngọc vào lòng, như sợ buông ra là bé rời xa chị.
Gần đây, sức khỏe bé rất yếu nên anh Nguyễn Văn Hùng, chồng chị Nhàn, phải bỏ nghề lái xe đường dài, vào TP.HCM làm mướn đủ nghề, thuê phòng trọ đón con gái vào ở hẳn hai tuần mỗi tháng để chữa bệnh cho đỡ bớt chi phí đi lại. Hai tuần còn lại bé lại về TP Quảng Ngãi để tiếp tục đi học. Bé Ngọc mới 10 tuổi mà thông minh lém lỉnh, nghe mẹ nói chuyện, thỉnh thoảng lại thêm vào: “Ai bảo mẹ xung phong đi núi”. “Lần này xin chuyển về không được, có lẽ tôi phải bỏ dạy vào Sài Gòn làm thuê kiếm tiền nuôi con, gần con để động viên con chữa bệnh thôi”.
Nợ hơn 200 triệu đồng
Hơn tám năm công tác, mức lương mỗi tháng của chị được hơn 3 triệu đồng. Tính riêng tiền đổ xăng đi từ TP Quảng Ngãi lên Sơn Hà dạy học mỗi ngày đã “ngốn” hết hơn nửa. Để có tiền chữa bệnh cho con, chị vay mượn khắp nơi, để rồi nợ chồng lên từng ngày và bây giờ đã lên đến hơn 200 triệu đồng.
Cái nghèo, cái khó, cái tội nghiệp của chị Nhàn gần như đã “nổi tiếng” khắp Sơn Hà nên khi nhắc đến chị, ông Đặng Ngọc Dũng, chủ tịch UBND huyện Sơn Hà (trước là trưởng phòng giáo dục huyện, phó chủ tịch phụ trách văn xã), biết rành rẽ về hoàn cảnh gia đình chị, phải thốt lên: “Trường hợp này hoàn cảnh gia đình đáng thương lắm, tôi đã giải quyết mấy lần cho đi rồi, vẫn chưa có nơi nào nhận sao?”. Ông Dũng nói rồi thở dài lắc đầu ngao ngán...
Ông Thái Văn Đồng, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo Quảng Ngãi, cho biết sở chỉ quản lý giáo viên trung học phổ thông. Trường hợp cô Nhàn sở không trực tiếp giải quyết được. Tuy nhiên, với trường hợp này, ông Đồng đề nghị trong 30 ngày, cô Nhàn đem đơn trực tiếp đến sở. Sở sẽ làm việc với Sở Nội vụ tìm hướng giải quyết sớm nhất để đưa cô Nhàn về giảng dạy một trong các trường ở đồng bằng, gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình.
TRÀ GIANG (Tuổi Trẻ)
Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là ba năm đối với nữ và năm năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét