Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Bạn Cúc của tôi

Bạn Cúc của tôi

Sau hơn hai mươi năm sống ở xứ người, tôi có rất nhiều bạn, nhưng người mà tôi luôn thán phục đó là Cúc.
Đã gần 50 tuổi, nhưng nhìn Cúc rất trẻ trung và dễ thương, tuy nhiên lại không… “thương dễ” đâu nha!
Cúc sống một mình với ba con: tương lai sẽ là một nữ bác sĩ, một nữ luật sư và một đứa con trai út học lớp 7 rất giỏi.
Nhìn qua dáng người tưởng là ốm yếu nhưng thật ra chứa bên trong cả một sự mạnh mẽ và một tấm lòng từ thiện bao la.

Nói thật, quen Cúc đã hai mươi năm, nhưng tôi chưa từng thấy bạn ấy giận dữ và lớn tiếng. Cúc hiền lành tốt bụng lại siêng năng nữa. Cúc ăn chay. Sáng tối đều tụng kinh, hàng tuần đi chùa, hàng tháng đều cho máu giúp bệnh viện; thỉnh thoảng còn đi bơi cho khỏe. Và đặc biệt là những cuộc gây quỹ nào mà Cúc biết, thì đều tham gia. Làm việc ở hãng may, Cúc luôn luôn giúp đỡ bạn bè, thậm chí còn mang đồ về nhà giùm bạn.Và điều mà tôi thán phục Cúc nhất là: làm việc ở hãng, đem đồ về nhà làm thêm, đi chùa, tụng kinh… nhưng đến nhà Cúc thì rất sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi không hiểu thời gian ở đâu mà Cúc làm được nhiều việc như vậy. Riêng tôi làm không nổi.
Có thể mọi người nếu đọc bài này sẽ nói tôi hơi quá lời. Nhưng nếu được quen và tiếp xúc với Cúc sẽ thấy còn hơn như thế nữa.

Chỉ là một công nhân bình thường, tiền lương không nhiều lắm, nhưng Cúc luôn luôn giúp đỡ người ta (nếu có khả năng). Đó là một tấm gương, một tấm lòng tốt mà tôi đang học tập ở Cúc.
Hy vọng có nhiều người như Cúc mở rộng lòng bác ái từ bi để “Quỹ Cơm chay từ thiện” có thể giúp được nhiều người hơn, mang nhiều no ấm và niềm vui đến cho mọi người.
                                                                                                              Phụng (Australia tháng 9-2011)

Tái bút: Khi vừa nghe tôi kêu gọi ủng hộ “Quỹ Cơm chay từ thiện” là Cúc đã giúp ngay 100 AUD liền.

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Thiền xông hơi

Đây bạn ơi : số E7, khu phố 4, phường Tân Hiệp, Tp.Biên Hoà tỉnh Đồng Nai.

Thiền xông hơi không phải chuyện chơi

28/08/2011 20:45 Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Tự nhiên người tôi bị mệt. Mệt xỉu người đi. Như người mất sức, mất hết sinh khí. Mấy ngày liền nằm nhà và mê man đến tận chiều. Nguyên Thảo – một học trò của tôi nhắn tin bảo “Thầy vào ngay TP HCM, em sẽ đưa thầy đi chữa bệnh”. Thế là tôi bay vào Sài Gòn.

Nói thật là tôi thích xông hơi. Hồi nhỏ mẹ tôi hay cho tôi và cả nhà xông hơi khi bị cảm. Lá xông là cúc tần, hương nhu, lá tre,… Tôi ngồi trong 1 cái chăn, quấn chiếu bên ngoài cho kín và bên cạnh là nồi nước xông mới nấu từ bếp bắc ra. Nóng. Thơm. Để rồi hết cảm.

Lớn lên, đi làm tôi rất thích xông hơi mát xa ở cơ sở của bác sỹ Nguyễn Tài Thu trên phố Thái Thịnh, Hà Nội. Và tự nhẩm tính sẽ lên kế hoạch tuần xông hơi 1 lần. Cho thông lỗ chân lông. Cho sạch thân thể. Cho thư giãn. Nói vậy chứ năm cũng chỉ đi được vài lần vì bận bịu và nhiều thứ chi phối.

Thật sự tôi bắt đầu tập thiền cách đây 8 năm và ngày càng thấy giá trị của thiền định. Tôi đã tự chứng minh rằng là doanh nhân, dù bận đến mấy cũng hoàn toàn có thể thu xếp thời gian để thiền. Thiền là cuộc sống, là hơi thở. Thiền không mất thời gian như người ta tưởng. Giá trị của thiền mang lại lớn hơn ta nghĩ.

Còn bây giờ học trò Nguyên Thảo của tôi lại giới thiệu phương pháp mới: thiền xông hơi. Vừa quen vừa lạ.Vừa thú vị vừa gây tò mò. Tôi đang kiệt sức, không biết phải làm gì, nay có người trò quá tốt bụng và nhiệt tình nên tôi đồng ý lên xe máy đi cùng em về Biên Hòa, Đồng Nai. Để thử và thật!

Tôi gặp người thanh niên khá trẻ, tâm huyết, chu đáo, khiêm tốn có tên là Tứ. Nguyễn Văn Tứ. Anh mở ra trung tâm thiền xông hơi và không thu tiền. Ai có bệnh thì đến xông. Ai khỏe cũng đến xông. Có thể ăn ở tại đó cũng miễn phí luôn. Thật là lạ giữa thời buổi kinh tế thị trường, khi đồng tiền thống soái này!

Tôi được anh Tứ giải thích về nguyên tắc thiền xông hơi, về công dụng của thiền xông hơi và các bước phải làm. Vốn là dân khoa học nên tôi phải: nghe + thấy + nghiên cứu + tin thì mới dùng bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào. Và tôi mất nửa ngày để tìm hiểu và suy ngẫm. Cuối cùng là trải nghiệm.

Hàng ngày tôi xông 4 lần. Tôi ngồi trong lều xông hơi, được thiết kế bằng gỗ thông, chắc chắn, có mùi thơm dễ chịu. Lều xông được bao bọc bởi tấm bạt kín hình kim tự tháp. Nếu thấy quá nóng, quá nhiều hơi có thể kéo khóa xuống cho cửa mở để giảm nóng. Trong lều có tấm gỗ tựa lưng dành cho ai chưa quen ngồi – giúp nhắc nhở lưng thẳng đứng khi thiền. Phía dưới là nồi nước xông nấu loại thuốc dân gian, gia truyền của người Dao đỏ trên Lào Cai chuyển về.

Ngồi thiền và theo dõi hơi thở. Ngồi thiền để hít mùi thơm của thuốc. Ngồi thiền để cảm nhận cái nóng. Ngồi thiền để toát mồ hôi và thải độc. Lần đầu tôi gắng ngồi được quãng 15 phút. Nóng và ngộp quá. Chưa quen!

Sau khi thiền xông hơi bạn nhất định nên nằm nghỉ thư giãn và đắp chăn hay bạt kín cơ thể. KÍn từ chân đến cổ. Để mồ hôi tiếp tục ra. Để thư giãn. Đây là lúc chúng ta thiền nằm, hoặc đơn giản bạn theo dõi hơi thở của mình và thả lỏng toàn thân. Quãng 20 phút cho việc thư giãn trước khi lau khô người và mặc quần áo là hợp lý nhất.

Sáng tôi xông 2 lần, chiều 2 lần. Mỗi lần vị chi hết quãng 1 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày trôi đi tôi thấy mình khỏe hơn, năng lượng nhiều hơn, thân tâm đều tốt lên. Tôi ăn tốt, ngủ ngon và thấy như được làm mới, được tẩy sạch bệnh tật và ô nhiễm trong cơ thể. Tôi nghĩ, chắc mình làm việc nhiều quá. Hơn nữa chất độc thông qua thức ăn và không khí ngấm vào người hơn 40 năm nay không ít nên đến lúc phải thư giãn và thải “rác” ra ngoài. Thân và tâm trong sạch ắt khỏe mà thôi!

Tác dụng tốt của cả thiền xông hơi thật kỳ diệu. Sau 5 ngày tôi như là người mới. Thay đổi đáng ngạc nhiên. Tôi thật sự thấy thú vị và tin tin tưởng ở phương pháp này. Làm 1 việc mà được cả 2: vừa thiền vừa xông hơi. Thiền là ta dưỡng tâm còn xông hơi là ta dưỡng thân. Thân tâm cùng nhau được thanh lọc.

Hàng ngày ta niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Nam Mô là quay về và nương tựa. Ta nương tựa đức Phật và các vị Bồ Tát. Ta cũng không thể quên rằng mình cần nương tựa vào chính mình. Nương tựa vào hơi thở của mình. Vào sức khỏe của mình. Có sức khỏe thì ta mới dựa vào thân tứ đại này tu tiếp được chứ. Có ai thở giúp ta đâu. Có ai tẩy độc trong người ta giúp ta đâu. Có ai biết về sức khỏe của ta và chăm sóc thân ta tốt hơn ta đâu.

5 ngày thiền xông hơi với anh Nguyễn Văn Tứ ở Biên Hòa, Đồng Nai thật là tuyệt. Trước đó tôi đã ngại khi phải đi xe máy 35 km từ Sài Gòn xuống. Xa quá. Và nguy hiểm nữa. Nay biết thêm đường đi mới: xe buýt. Cứ đi bất cứ xe nào đến Suối Tiên và nhảy ra 601 là đến nơi. Tôi đã giới thiệu thêm cho mấy người bạn là doanh nhân và học trò, nhất là ai đang có bệnh. Thật vui: ai cũng cám ơn tôi vì thấy kết quả tốt.

Khi gõ những dòng chữ này tôi vui hơn vì bố mẹ tôi ở tận Thái Bình đã thiền xông hơi bằng chiếc lều tôi mua tặng cách đây 1 tuần và thấy khỏe và phấn khởi lắm. Món quà thật quý cho bố mẹ nhân mùa vu lan. Mà có gì quan trọng hơn sức khỏe đâu, nhất là đối với người lớn tuổi./.

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sách Thái Hà

Thư ngỏ về lễ hội tắm máu ở Bắc Ninh



Vì tương lai của con cháu, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh hãy xét lại và hủy bỏ lễ hội này bởi vì chúng ta đang dạy con em chúng ta về đạo đức, yêu mến động vật và không nên xem phim ảnh bạo lực, chém giết nhau.

THƯ NGỎ

Kính gửi
Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bắc Ninh
Quý ông bà Đại Biểu Nhân Dân Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Bắc Ninh

Kính thưa quý vi,
Trong những năm gần đây, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian được khôi phục. Việc tổ chức lễ hội và đi dự lễ hội càng trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Có những lễ hội được mô tả là tích cực, tuy nhiên cũng có những lễ hội tiêu cực, trong số ấy có một lễ hội cần phải được xét lại và hủy bỏ. Đó là “Lễ Hội Chém Lợn Tế Thần” ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào ngày mồng 6 Tết âm lịch hàng năm. Họ nói đó là lễ hội cầu may, cầu tài, cầu lộc, máu lợn trong lễ tế tượng trưng cho sự sung túc, sự may mắn…Ngay cả đài truyền hình quốc gia VTV4 cũng làm phóng sự trình chiếu trên tivi phát sóng ra nước ngoài khoe với người ngoài nước cái lễ hội truyền thống của dân tộc mà họ không biết rằng những người nước ngoài cho đó là “dã man mọi rợ”.

Những người ở nước ngoài, sau khi xem xong đều cho rằng đó là một lễ hội dã man, một lễ hội tắm máu tàn bạo. Họ không hiểu tại sao ở thế kỷ thứ 21 này mà vẫn còn tồn tại cho một lễ hội như vậy, một lễ hội biểu trưng cho sự tàn ác của con người, cho sự thiếu vắng văn hóa và đạo đạo đức xã hội.

Vì tương lai của con cháu, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh hãy xét lại và hủy bỏ lễ hội này bởi vì chúng ta đang dạy con em chúng ta về đạo đức, yêu mến động vật và không nên xem phim ảnh bạo lực, chém giết nhau. Tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng vì có một lễ hội mang đầy tính chất văn hóa và tình tự dân tộc “Lễ Hội Quan Họ” được thế giới biết đến và ca ngợi. Xin hãy đừng để thế giới biết đến “lương tâm con người” của người dân tỉnh Bắc Ninh qua hình ảnh đầy dã man tàn bạo như lễ hội tắm máu này.

Chúng tôi mời quý vị xem lại hai video clip, một cái là của quý vị và cái kia là phản hồi của Thượng Tọa Thích Chân Tính, Trụ Trì chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn TP. Hồ Chí Minh với ước mong được ông Chủ tịch và quý Đại Biểu Nhân Dân trong Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Bắc Ninh xét lại vấn đề.

Trân trọng,
Hoàng Liên Tâm
Ban Biên Tập Website Thư Viện Hoa Sen





Xem thêm ảnh và bài tại đây

GẶP LẠI NGƯỜI ƠN

GẶP LẠI NGƯỜI ƠN
Nguyễn thị Phụng

Tôi không phải là văn sĩ, cũng không phải là thi sĩ, và tôi cũng chưa từng mơ ước như vậy. Tôi viết chỉ vì thích viết, chỉ vì muốn đem những điều tôi nghe, tôi biết và đã từng chứng kiến tận mắt, để giúp “Quỹ Cơm chay từ thiện” của bạn tôi càng có nhiều người ủng hộ. Xin đọc những truyện và thơ của tôi bằng sự chia xẻ chân tình, bằng sự cảm thông và tha thứ nếu có những sai lầm (vì tôi không phải là chuyên nghiệp viết văn). Nếu được như vậy tôi xin chân thành cảm ơn, và xin cống hiến mọi người một câu chuyện nữa. Đây là câu chuyện có thật một00%, và tôi (Phụng) xin viết lại với đại từ danh xưng “tôi” dành cho nhân vật chính, tức là chú Hai mà Phụng đã gặp trong chuyến về thăm Việt Nam vừa qua.

Quê tôi ở Vũng Tàu, trong một dịp đi khám sức khỏe ở Bệnh viện TP, vì con gái bảo lãnh qua Úc du lịch. Tôi đã bị móc túi mất hết tiền và giấy tờ (nói ra thật là xấu hổ) chỉ còn một bộ đồ dính da mà thôi. Là một ông giáo già về hưu đã 68 tuổi, tôi rất trọng danh dự. Suy nghĩ đủ cách không biết phải làm sao. Cuối cùng để có tiền mua vé xe về Vũng Tàu, tôi đành phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người.
Nhìn xung quanh, tôi đến gần một cô gái ăn mặc rất đẹp khoảng tuổi con gái út tôi và nói: “Cô ơi, tôi lỡ bị móc túi, không tiền mua vé xe về Vũng Tàu, mà ở TP không có người quen, nhờ cô giúp đỡ”. Cô ta nhìn tôi, trợn mắt nói lớn: “Ông nội, đi tìm mấy người ở quê lên mà gạt, còn tôi ở đây thì rành mấy cái mánh nầy của mấy ông quá rồi”. Mọi người đều nhìn tôi, không trả lời, tôi bước đi mà nước mắt sắp trào ra. Tìm một chỗ trống ngồi xuống, mà thấy tức trong bụng vì bị con nhỏ đáng tuổi con cháu mình xài xể, mình đâu phải là dân lường gạt. Cứ tính tới, tính lui hoài, không còn cách nào đành làm liều nhờ người giúp đỡ thêm lần nữa. Tôi đi qua khu khác và đến gần một cô khoảng ngoài 40 và nói: “Tôi bị móc túi, không tiền về xe nhờ cô giúp đỡ”. Một giọng nói nhẹ nhàng và đầy tình cảm làm tôi xúc động: “Dạ bác cần bao nhiêu để mua vé xe về nhà”. Câu nói nầy đối với tôi rất quen thuộc, vì mỗi lần cần tiền làm gì phone qua con gái tôi đều nói: “Ba cần bao nhiêu để làm việc đó”. Thấy tôi đứng yên không trả lời (vì tôi đang suy nghĩ), tưởng tôi ngại, cô lặp lại lần nữa: “Bác cần bao nhiêu?”. Giựt mình, cắt đứt suy nghĩ, tôi trả lời: “Dạ vé xe Vũng Tàu 80 ngàn đồng”. Mở bóp, cô lấy ra tờ giấy 200 ngàn và nói: “Bác cầm lấy mua vé xe, đồ ăn và nước uống đi”. Tôi rung rung cầm lấy và nói: “Nhiều quá, chỉ cần đủ tiền mua vé xe là đủ rồi”. Cô cười: “Đâu có bao nhiêu, bác đừng ngại”. Mừng quá, tôi nói cảm ơn và đi nhanh vì sợ cô sẽ nhìn thấy nước mắt của tôi sắp trào ra. Hai lần tôi chảy nước mắt, nhưng cảm xúc thì khác xa nhau. Tôi nguyện khi về nhà sẽ đem tiền vô đền ơn cô gấp 10, 20 lần mới xứng đáng với lòng tốt đó. Nghĩ như vậy nên tôi đi vòng đường khác, trở lại đứng ở một góc nhìn mặt cô cho kỹ (mà không cho cô nhìn thấy tôi) để ngày mai đem tiền vô đền ơn cô.
Sáng mai, dậy sớm tôi nói với con trai, Ba có chuyện cần phải trở vô TP nữa để mua chút đồ làm quà cho cháu ngoại bên Úc. Sự thật là tôi đến BV, nhìn hàng ghế chờ đợi hôm qua để tìm cô. Tìm từ sáng đến chiều không thấy, tôi nghĩ mình thật là già lẩm cẩm, đi tìm một người không biết tên, biết tuổi. Thôi thì tìm cầu may vậy, liên tiếp 2, 3 ngày như vậy nhưng không gặp. Trong lúc tìm cô, gặp những người nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn, túng ngặt, tôi sẵn sàng giúp một cách nhiệt tình. Vì đã trải qua cảnh khổ lúc không có tiền nên tôi rất thông cảm.
Sau đó những lần đi ngang qua chỗ đông người, tôi hay nhìn, hy vọng có một ngày nào đó gặp cô để đền ơn. Mặc dù số tiền cô giúp rất nhỏ (bình thường tôi cho cháu nội tôi 200 ngàn nó chê ít không lấy, phải 500 ngàn mới chịu) nhưng lúc đó đối với tôi rất quý và to lớn. Tôi cứ nghĩ nếu không gặp cô lúc đó, chắc tôi phải ngủ bụi đời ngoài đường, vừa đói, vừa khát, trong mình không có giấy tờ gì cả, lại mặc một cái áo sơ mi rất mỏng manh vì lúc trưa trời nóng. Bây giờ hồi tưởng lại tôi còn thấy lo sợ cho cái thân già của mình.
Ngày tháng trôi qua, tôi tới ngày qua Úc du lịch. Nhưng ý nghĩ trong lòng mong gặp lại cô vẫn không phai mờ.
Và như chuyện thần thoại không ngờ, trong một dịp tình cờ tôi đã gặp lại cô trong khu mua sắm và ăn uống ở Úc, khi đi chơi với con gái tôi và cháu ngoại. Thật xúc động và mừng rỡ, tôi kể lại cho cô nghe, tôi tìm cô mà không biết gì về cô, chỉ biết mặt thôi nên tìm hoài không gặp, để đền ơn đã giúp tôi lúc đó. Cô nói: “Bác đừng để trong lòng, có gì mà phải đền ơn, chỉ là số tiền nhỏ thôi. Nếu muốn thì bác giúp lại cho những người khác có hoàn cảnh bất hạnh hơn mình, là cháu cảm thấy vui rồi. Hay là cháu đang kêu gọi mọi người ủng hộ “Quỹ Cơm chay từ thiện” của bạn cháu, bác có thể góp phần. Nghe cô nói, tôi cảm ơn một lần nữa và hứa sẽ góp tiền ủng hộ. Trong túi có 50 AUD tôi cầm đưa cô và nói: “Đây tôi ủng hộ trước, khi về VN tôi sẽ liên lạc với bạn cô và góp thêm”. Những vướng bận trong lòng sau khi gặp cô đã được giải tỏa. Tôi bước đi nhẹ nhàng, thoải mái trở về bàn của con gái và mấy đứa cháu. Trước khi ra về, tôi quay nhìn trở lại bàn của cô, thấy gia đình rất vui vẻ và hạnh phúc với 2 đứa con (một trai một gái) rất dễ thương và học giỏi. Thật đúng với câu làm nhiều việc tốt thì được hưởng nhiều may mắn và tốt đẹp. Vì cô kể con gái cô đang học trường tuyển nữ, và hôm nay là ngày gia đình cô ăn mừng thằng con trai thi đậu trường tuyển nam. Thành thật tôi cũng chúc mừng gia đình của cô.

Đó là tâm sự của chú Hai (tôi đã biết chú chỉ hơn tôi 18 tuổi thôi). Chú là người được tôi giúp 200 ngàn ở BV Chợ Rẫy khi chú bị móc túi không có tiền mua vé xe về Vũng Tàu, trong khi tôi ngồi chờ làm giấy xuất viện cho thằng em. Bởi vậy mấy ngày sau chú trở lại tìm tôi không gặp vì lúc đó tôi đã về quê. Thật đúng là trái đất tròn có duyên thì gặp lại.
Gặp lại chú, thật tình tôi không nhớ mặt, nhưng khi nghe chú nhắc lại thì nhớ liền, vì xảy ra chuyện đó cách 3 tháng mà thôi. Tôi xúc động lắm, không phải vì được chú kể công ơn, mà tôi mừng vì những hạt giống từ thiện mà khi về VN tôi gieo đã nảy mầm. Tôi giúp chú một, chú giúp lại 10 người, và bây giờ hy vọng 10 người đó sẽ giúp lại nhiều, và nhiều người nữa… để mọi người bớt khổ và cùng nhau sống vui vẻ hơn. Tôi thấy cuộc sống của mình càng có ý nghĩa hơn.
                                                                                   Australia tháng 8-2011