Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Hội hè nhiều quá !

Hội hè nhiều quá !
Thứ Năm, 12/04/2012 22:21
LTS: Hiện nay, nhiều festival (ngày hội, hội hè, liên hoan) được tổ chức ở các địa phương, tốn kém hàng chục tỉ đồng nhưng lợi ích mang lại chẳng là bao, thậm chí không có. Đã đến lúc cần phải ngưng tổ chức những festival không cần thiết.
Tiền tỉ trôi theo lễ hội
Mục tiêu quan trọng mà ban tổ chức các festival luôn đặt ra là thu hút khách du lịch, tạo thu nhập cho người dân, qua đó phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, kết quả thực tế không như mong đợi
Tỉnh Phú Yên là một trong những trường hợp như vậy. Chấp nhận tốn kém lớn, tỉnh này hy vọng Festival Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011 sẽ giúp quảng bá tốt hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch...
Không kích được du lịch
Theo ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, đến nay sở vẫn chưa tổng kết được kinh phí chi cho việc tổ chức Festival Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, tổng kinh phí tổ chức festival nói trên kết hợp với kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên là gần 300 tỉ đồng (hơn 1/5 tổng thu ngân sách năm 2011 của tỉnh).
Dù vậy, từ khi kết thúc “năm du lịch” đến nay, tình hình chẳng có gì khởi sắc. Tổng lượt khách đến Phú Yên trong 3 tháng đầu năm 2012 vẫn chỉ dừng lại ở con số 105.000 lượt, bằng cùng kỳ năm 2011 - thời điểm chưa tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết tại hội nghị tổng kết ngành, mặc dù bí thư Tỉnh ủy đề nghị nâng số lượt khách du lịch đến Phú Yên dự kiến trong năm 2012 lên cao nhưng ngành du lịch tỉnh chỉ dám đưa ra mục tiêu phấn đấu khiêm tốn là 500.000 lượt, bằng năm 2011.
“Có rất nhiều cái khó để thu hút khách du lịch về Phú Yên, nhất là về giao thông. Đường đến các điểm tham quan ở trong tỉnh nhỏ và xấu nên khách ngại đi. Dịch vụ du lịch thuần túy để phục vụ khách đến vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng còn kém nên không có sức hút...” – ông Bảy nói.
Theo ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khách đến tỉnh này trong năm 2011 chủ yếu là khách công vụ, dự các sự kiện lớn. Không có những sự kiện như vậy thì chỉ còn trông chờ chủ yếu vào khách du lịch thuần túy.
Ông Nghiêm Nhật Minh, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Intour (trụ sở tại TPHCM), cho rằng điều kiện đi đến Phú Yên còn khó khăn, dịch vụ lại sơ sài, tạo cảm giác chán ngán đối với khách, ngay cả 2 điểm du lịch tuyệt đẹp là Gành Đá Dĩa và Vũng Rô cũng thiếu dịch vụ cho khách, thậm chí nhà vệ sinh cũng không có.
Với cách làm ăn như vậy thì dù có tổ chức bao festival đi nữa, du khách cũng khó mà đến, nếu có đến thì cũng sẽ sớm quay lưng!
Nhàm chán, lãng phí
Từ năm 2005 đến nay, cứ 2 năm một lần, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Hoa Đà Lạt. Riêng Festival Hoa 2012 vừa qua, để có 5 ngày lễ hội (từ ngày 30-12-2011 đến 3-1-2012), tỉnh Lâm Đồng đã phải chi hơn 22 tỉ đồng và huy động hàng ngàn người để tập huấn, tập dượt cho các nội dung của festival trong một thời gian dài.
Nếu như những festival hoa trước, các không gian hoa được trải đều xung quanh khu vực hồ Xuân Hương và trên một số tuyến đường trong TP để người dân và du khách được ngắm hoa miễn phí thì trong dịp Festival Hoa 2012, muốn được ngắm hoa đẹp, mỗi người phải tốn 50.000 đồng. Nguyên nhân là do toàn bộ “Không gian hoa đẹp” đã được ban tổ chức sắp đặt trong khu vực rộng 3 ha thuộc sân golf Đà Lạt, bao quanh là những hàng rào thép kiên cố.
Ngoài khu vực này, trên một số tuyến đường thuộc trung tâm TP Đà Lạt, ban tổ chức chỉ lắp đặt lèo tèo vài điểm tập kết hoa khiến một số du khách đến từ TPHCM phải thốt lên: “Festival Hoa Đà Lạt mà thua xa đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn!”. Trong những ngày diễn ra festival hoa, hàng trăm lượt người vì không đủ tiền (hoặc vì tiếc tiền) mua vé nên đã lén lút vạch thép gai để nghía “Không gian hoa đẹp” trong sân golf Đà Lạt!
Anh Bùi Phú Quốc (38 tuổi, nhà ở đường Bế Văn Đàn, phường 12, TP Đà Lạt) nói: “Người trồng hoa chúng tôi chẳng được gì sau mỗi lần tỉnh tổ chức festival hoa cả. Từ năm 2005 đến nay, đã có 4 festival hoa nhưng giá hoa cúc vẫn không tăng, thậm chí giảm. Không ít lần các chủ nhà vườn trồng hoa cúc đã phải nhổ hoa đem vứt vì bán không có người mua. Nếu festival hoa giúp cho người trồng hoa khấm khá hơn, hoa bán chạy với giá cao hơn thì nên tổ chức đều đặn. Đằng này, chẳng hiệu quả gì, lãng phí lắm...”.
Một cán bộ làm việc tại một sở của tỉnh Lâm Đồng có tham gia công tác tổ chức Festival Hoa 2012 cho biết trước thời điểm diễn ra festival vài tuần, anh chạy rạc cả người để lo chỗ ăn ở, đón tiếp đại biểu và các khâu chuẩn bị cho festival; việc cơ quan phải gác sang một bên.
Cụ Nguyễn Văn Ninh (nhà ở đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt) phàn nàn: “Nhiều nội dung của festival hoa lần sau cứ lặp lại những lần trước, các chương trình cứ na ná nhau khiến người xem nhàm chán”.
Lèo tèo… festival quốc tế !
Tại Bình Thuận, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ resort” của cả nước với lượng du khách hằng năm lên đến hàng triệu lượt người nhưng việc tổ chức Festival Thuyền buồm quốc tế vừa qua đã không mang lại hiệu quả thiết thực.
Tiếng là Festival Thuyền buồm Quốc tế nhưng chỉ có 21 chiếc tham gia. Sự đơn điệu này thể hiện ngay sau lễ khai mạc, các đoàn vận động viên điều khiển thuyền lượn lờ trên biển chỉ nhằm phục vụ công tác tuyên truyền chứ không thể hiện chút nghệ thuật nào.
 Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chương trình dành quá nhiều thời gian cho các bữa tiệc tùng, chiêu đãi…, đến nỗi nhiều người cứ ngỡ là ban tổ chức đã… quên sự kiện chính! Thậm chí, chương trình biểu diễn thuyền buồm chỉ luẩn quẩn ở khu vực Mũi Né - Hàm Tiến chứ không vào cảng Phan Thiết như đã quảng bá trước đó, một số nội dung cũng bị ban tổ chức lược bỏ.
Về hiệu quả của festival này, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, nói: “Đó là Festival Thuyền buồm quốc tế đầu tiên tỉnh Bình Thuận tổ chức. Bây giờ, tỉnh đã có các giải lướt ván buồm, khinh khí cầu… rồi. Chúng tôi tập trung lo cho những giải này để thu hút du khách”.
L.Trường- Hồng Ánh - Thạch Thảo (Người Lao động)
Kỳ tới: Phô trương là chính
Có 8 ý kiến
Hai Phong 12/04/2012 23:01
Chính xác ! Tiền thuế của dân mà tiêu xài vô tội vạ nên dân đen càng khổ !
Hoàng 12/04/2012 23:01
Tôi thắc mắc tại sao không dùng chữ lễ hội mà cứ là Festival, khiến cho chữ nghĩa tiếng Việt nửa Tây nửa ta?
BẢY BÙ LON 12/04/2012 23:15
Lễ hội chẳng qua là để cho dân chơi cho đỡ buồn khi kinh tế khó khăn , vật giá leo thang , và đời sống quá lệ thuộc vào cơm áo gạo tiền...
Vinh Hân 12/04/2012 23:21
Tôi là con dân của đất Lâm Đồng, sao tôi thấy mấy cái vụ các lễ hội sao nhàm chán quá, nhất là Lễ hội Hoa Đà Lạt. Sao cứ phải Festival đầu tư tốn kém lãng phí, chỉ được cái chớp nhoáng trống rỗng, mà ẩn sâu bên trong nó cả một tỉnh Lâm Đồng thơm lấy tiếng Thành phố Hoa, nhưng đi suốt chặng đường từ huyện Đạ Hoai cho tới TP Đà Lạt, chưa thấy một vườn bông đúng nghĩa cả chỉ toàn vài cây bông giấy "Bông giấy xứ nào chẳng trồng được, đâu phải loại hoa đặc trưng". Nhưng quan trọng nhất là trồng xuống không đầu tư chăm sóc, cây ngả ,cây nghiêng trông nhếch nhác. Lên tới thành phố thì cũng chẳng kém trên đường đi là bao...dịch vụ du lịch thì thật tệ,ăn uống thì chặt chém, dở tệ. Mong sao các cấp lãnh đạo địa phương nên có Sức Mạnh đầu tư đừng vì ham đua đòi mà chẳng được gì...
Thiên Kim 12/04/2012 23:45
Hãy làm du lịch một cách chuyên nghiệp và trung thực. Quảng bá rầm rộ, tổ chức lễ hội hoành tráng tốn kém mà làm ăn chụp giựt, chặt chém, móc túi, cướp giật... thì du khách một đi không trở lại là chuyện thường tình. Cuba là một nước nghèo , lại bị Mỹ cấm vận vậy mà du lịch lại là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại nguồn ngoại tệ quý giá cho họ. Hằng năm rất nhiều du khách đến Cuba, đặc biệt là dân vùng Bắc Mỹ. Nhiều người Canada thường xuyên du lịch Cuba, và rất nhiều lần họ quay lại đây bởi người dân thân thiện, thật thà, bãi biển sạch đẹp, không có tệ nạn XH. Chúng ta mắc căn bệnh thích phô trương hình thức, và nhiều "đầy tớ" cũng lợi dụng những lễ hội đó để tìm cách đục khoét ngân sách. Đáng xấu hổ!!!
Ngỗng 13/04/2012 02:04
Làm lễ hội về khía cạnh kinh doanh là để kích cầu. Nhưng cung chỉ có thế, không nhích được thì có cầu cũng vô ích. Dồn tiền của làm một quảng cáo mong bán cái mình chưa đủ sức bán, chẳng thà làm ngược lại còn đỡ tốn bạc tỷ và hiệu quả lâu dài hơn. Hay chỉ coi Phét-ti-van là một dịp làm ăn xổi, rồi lần sau làm tiếp?
Bà Tám 13/04/2012 05:27
Bạn Bảy Bù Lon viết: "Lễ hội chẳng qua là để cho dân chơi cho đỡ buồn khi kinh tế khó khăn, vật giá leo thang..." cũng đúng, còn tui thì "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Đang rầu thúi ruột vì viêm màng túi mà thấy tưng bừng phét-ti-van, sao buồn ghê!
Hungnhatrang 13/04/2012 08:00
Các fetíval diễn ra như một phong trào...Rồi đây sẽ đến nhà nhà tổ chức fetíval...Tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của của dân. Đã đến lúc chúng ta phải tiết kiệm để nhìn xa hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét