Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

YÊU HOA

YÊU HOA
Diệu Kim

Ngày Valentine và 8 tháng 3, mấy đứa cháu tôi là sinh viên hùn tiền bỏ vốn ra mua hoa về bán dọc lề đường. Năm nào cũng vậy, những ngày này, nhiều công viên, lề đường của thành phố rực lên màu hoa, làm đẹp thêm bộ mặt văn hoá, tôi thường lấy máy ảnh chụp lại cảnh các bạn trẻ lúi húi cắm hoa và bày bán. Và tôi cũng cảm mến các bạn trẻ đã năng động, tự lực làm ra những đồng tiền phụ giúp cha mẹ nghèo ở quê. Chính các bạn cũng là những đoá hoa đẹp.

Tuy nhiên, trong cuộc mưu sinh ấy có những điều cần phải góp ý. Và mấy đứa cháu của tôi đã học được một bài học về hoa từ một bà cô “nghiêm khắc” là tôi. Không biết có phải là tôi nghiêm khắc, hay các bạn trẻ cần phải nhìn lại mình?

Đầu tiên, cháu tôi về khoe hôm nay bán được lẵng hoa giá 120.000đ mà chỉ có 5 bông hồng thôi. Lãi to. Nhiều lẵng khác cũng bán giá cao xêm xêm như thế. Và lai rai thì giá mỗi bông hồng lẻ dao động từ 15 -20.000đ. Cả đám bạn hớn hở ra mặt. Tôi kêu lại rầy ngay. “Cô đồng ý kinh doanh là phải có lãi, nhưng con làm sao để mình sống được mà người khác cũng sống được, chứ không nên ham tiền rồi mất lương tâm. Bởi tính ra giá vốn mỗi bông hồng là 3.500đ, cộng với chút lá cỏ nữa làm tròn 4.000đ, nhân lên 5 bông là 20.000đ. Tiền cái lẵng 10.000đ, miếng xốp nhỏ 3.000đ, vị chi 33.000đ, cô làm tròn luôn là 40.000đ. Bán 80.000đ đã lãi 100% rồi. Đằng này bán 120.000đ nghĩa là giá gấp 3. Còn bông lẻ 3.500đ + bao nhựa, nơ, cỏ 1.500đ = 5.000đ, bán 10.000đ cũng lãi 100%. Nếu bán 20.000đ là cao. Con dũng cảm cầm tiền kiểu đó chứ cô thì không dám. Bởi chúng ta là Phật tử, đừng quên lời Phật dạy, sống sao cho tử tế. Đồng ý là những ngày này cung nhỏ hơn cầu nên thị trường mới như vậy. Mình chấp nhận quy luật thị trường, nhưng cũng không được quên mình là Phật tử”.

Cháu tôi chống chế: “Quầy kế bên người ta bán cái lẵng có 1 bông thôi mà đã 40.000đ”. Tôi đáp: “Nhưng người ta có học Phật pháp như tụi con không? Người ta có quy y không?”. “Con bán vậy để bù cho những bông hoa bị héo, bán chậm. Con sợ ban đầu bán rẻ thì sau lại khó bán”. “Sao con không nghĩ chính vì con ra giá cao nên mới bán chậm? Cô cũng đâu có kêu con bán rẻ. Cô nói con bán “giá phải chăng” cơ mà”.
Các cháu học kinh doanh nên phân tích nào là quy luật “hớt váng” đối với sản phẩm mới, y như bài học trong trường đại học. Tôi lắc đầu: “Đó là sản phẩm có tính chất công nghệ đặc biệt kìa, chứ hoa là sản phẩm phổ thông thôi. Và ngay cả những tập đoàn lớn cũng sản xuất dòng sản phẩm phổ thông cho người trung lưu, bình dân, chứ không phải thứ nào cũng cao cấp và lo hớt váng”

Thứ hai, đứng về mặt thị trường, thì phải nghiên cứu đối tượng khách hàng. Người có tiền, khá giả thì họ đã vào shop mua hoa rồi. Người chịu mua ở lề đường thường là công chức, học trò, tiểu thương, giáo viên, lao động bình dân, với đồng lương giới hạn, túi tiền eo hẹp. Nhưng họ vẫn cố gắng dành ra một khoản mua hoa để làm đẹp lòng người phụ nữ của họ, để giữ gìn tình yêu, tình mẹ, tình chị em. Đối tượng này giống như cô nè, như cha mẹ tụi con nè, và thậm chí giống anh bạn cùng lớp của con. Vậy không nỡ nào mình hớn hở móc túi họ cho được. Cái túi ấy đã vốn mỏng, giờ nếu vì hoa mà mỏng thêm một cách đau xót thì tội họ quá!

Thứ ba, nếu họ tặng hoa cho người thân mà xót lòng như thế thì ngày vui trở thành bớt vui, và chính người thân của họ cũng bớt vui, cũng xót lòng theo. Dĩ nhiên, vì quá yêu thương mà họ chấp nhận mua hoa để tặng, nhưng giá hoa quá cao thì trong vô thức của họ vẫn nảy sinh sự “xót lòng”, bấm bụng mà mua. Mình là Phật tử, thường phát nguyện đem lại niềm vui cho chúng sanh, vậy mà đẩy giá hàng lên cao làm chúng sanh phiền não? Mình bán hoa không chỉ để kiếm tiền, mà còn phải có tâm nguyện “tôi đem lại chút niềm vui cho những người biết yêu thương nhau”. Nhìn họ mua hoa tặng nhau mình phải trân trọng và mỉm cười cùng họ, vì thế không nỡ nào làm họ xót lòng. Bán cái gì thì phải có tâm nguyện tử tế với món hàng đó, chứ không thể xem nó chỉ là “công cụ kiếm tiền” đơn thuần. Như bán thuốc, thì tâm nguyện đem lại sức khoẻ cho người bệnh. Bán tập bút thì tâm nguyện góp phần cho học trò phát triển học vấn. Bán hủ tiếu thì tâm nguyện cho người ăn no lòng, có sức mà sinh sống, phục vụ cho đời, vì vậy không nỡ bỏ chất hoá học, rửa tô dơ bẩn v.v… Luôn luôn tác ý tốt đẹp trong kinh doanh.

Thứ tư, về nhân quả, tôi nhắc các cháu xem tấm gương của những kẻ kinh doanh đầu cơ, trục lợi, cuối cùng con cái cũng phá nát gia tài sự sản. Còn những ai buôn bán tử tế thì lâu bền, chắc chắn. Đừng thấy cái lợi trước mắt mà ham, vì kết cục có thể rất tan hoang, ảm đạm. Tôi cẩn thận nhắc thêm, tụi con bán hoa kiểu đó coi chừng cả đời không có ai tặng hoa cho con. Cái duyên cái đẹp đã bị những đồng tiền ấy cướp mất rồi.

Cuối cùng, tôi phê bình rất dữ khi thấy các cháu bỏ tấm xốp cắm hoa vào cái thau vốn chỉ để pha nước lau nhà, vô cùng dơ uế. Nhà mấy chục cái thau, cái xô, tại sao không chọn một cái tử tế mà ngâm. Các cháu nghĩ hoa bán cho thiên hạ, cần chi giữ sạch? Nhưng tôi nhấn mạnh: Không thể xúc phạm hoa như thế. Hoa là biểu tượng tinh khiết của trời đất, vạn vật, cho nên mới thấy người ta cúng hoa cho Phật, cúng hoa cho chư thiên, trưng hoa vào các dịp lễ, tết, đám tiệc… Các cháu bán hoa mà không có tâm hồn như hoa, không biết trân trọng, thẩm mỹ. Dù tấm xốp nằm bên dưới, không khoe sắc khoe hương như hoa, nhưng nó cũng trong một tổng thể lẵng hoa, là nơi để hoa làm điểm tựa vươn lên, thì cũng phải giữ cho thanh sạch. Nếu chẳng may, anh con trai đó đem tặng bạn gái mình, rồi cô bạn gái vì yêu kính Phật mà đặt lên bàn thờ dâng Phật trước tiên, thì các cháu sẽ có tội. Hoặc người ta đem hoa để lên bàn học, đặt ở đầu giường, thì vi khuẩn trong tấm xốp sẽ bay ra gây bệnh. Nhưng nói chung, dù người ta đặt hoa ở đâu đi nữa, thì các cháu cũng phải trân trọng từng đoá hoa ấy, vì nó vốn là cái đẹp, vốn là tinh khiết, mình không thể tự bôi nhọ nó, và bôi nhọ cả tâm hồn mình. Có thế mới gọi là người biết yêu hoa, người biết bán hoa. Còn không, chỉ là một loại thương buôn tầm thường đặt đồng tiền là trên hết.

Nhiều bạn đã và sắp là cử nhân đại học, nhưng kỹ năng sống và sự sâu sắc trong tâm hồn còn quá yếu ớt. Hình như nền kinh tế thị trường đã giáo dục các bạn theo cách khác với cách mà thế hệ nghèo khó của chúng tôi đã sống. Nghèo nhưng nhạy cảm với thơ, nhạc, hoạ, văn chương, thiên nhiên, hoa cỏ quanh mình… Và từ khi học lời Phật dạy thì chúng tôi càng cố gắng từ bỏ những điều bất thiện, sám hối lỗi lầm. Từ đất bùn, chúng tôi đang cố trồng những đoá hoa đời thơm tho, tinh khiết. Nhớ câu thơ của vua Trần Thái Tông
Hoa nở sáng ngời trên đất tâm
Hoa tiên rơi xuống chẳng thơm bằng
Hái dâng từng đoá lên chư Phật
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rung
                                                                                                   Sài Gòn 14-3-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét