Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Phụ phẩm gia súc bẩn kinh hoàng !

Đọc bài này mà thương cho các em sinh viên và công chức thường phải ăn cơm quán, cơm vỉa hè, chắc chắn là phải ăn thịt bẩn. Các em chịu khó hùn tiền lại nấu nướng, mua thịt cá trong siêu thị, giá cũng không đắt hơn bao nhiêu, thậm chí còn bình ổn giá nữa. Chịu khó, nghĩa là bớt làm biếng một chút, vì đa số là các tiểu thư không thích nấu nướng, lại còn nạnh hẹ nhau công việc. Đoàn kết và siêng năng thì mới sống tốt các em ạ. Phân công lịch trực rõ ràng thì đỡ mích lòng. Ai nấu cơm, ai rửa chén, ai đi chợ... không lẽ có nồi cơm nhỏ xíu mà 4 đứa làm không nổi? Để rồi khi mắc bệnh xem cái nào vất vả và tốn kém hơn?

Phụ phẩm gia súc bẩn kinh hoàng !
Thứ Năm, 15/03/2012 22:31

Nhiều phụ phẩm gia súc, gia cầm như đuôi, nội tạng trâu, bò; chân, cánh, lòng gà... đang là món khoái khẩu nhưng ít người biết chúng được chế biến từ nguyên liệu hư thối, không qua kiểm dịch
Các cơ quan chức năng tại TPHCM thời gian gần đây đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển chân, đuôi, nội tạng gia súc, gia cầm. Nguồn hàng này được đưa từ khu vực miền Bắc, miền Trung vào TPHCM tiêu thụ. Đa số đều đã bốc mùi hôi thối, rỉ nhớt.

Hàng “quá cảnh”

Cuối tháng 2 vừa qua, Đội Cảnh sát Kinh tế Môi trường quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) tịch thu, tiêu hủy khoảng 300 kg đuôi bò bốc mùi hôi thối được vận chuyển trên một xe khách. Chủ hàng khai mua từ Hà Nội về dùng hóa chất tẩy trắng để giao cho các nhà hàng, quán lẩu. Trước đó, Công an Quảng Trị cũng bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển phụ phẩm gia súc, gia cầm (gồm chân gà; đuôi, móng, nội tạng trâu, bò…) hư thối trên đường chuyển vào TPHCM tiêu thụ. Ngay tại Hà Nội, cơ quan chức năng vừa bắt giữ, tiêu hủy gần 30 tấn thịt thối tại một kho chứa trên địa bàn... Tại TPHCM, tuần qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141 vụ vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép, trong đó đã xử lý gần 19 tấn thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

Theo giới kinh doanh thực phẩm, nguồn hàng nội tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm hư thối, không bảo đảm vệ sinh lâu nay tuồn vào TPHCM tiêu thụ phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Ông Đoàn Ngọc Bình, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thịt đông lạnh nhập khẩu tại TPHCM, cho biết: Đây là hàng tạm nhập tái xuất. Loại này chủ yếu là chân, cánh gà; chân, đuôi, nội tạng trâu, bò (phần lớn là bò) vốn là thứ bỏ đi ở các nước châu Âu, châu Mỹ… nên không được bảo quản tốt, dễ bị nhiễm khuẩn, hư hỏng. Nguồn hàng này chỉ được chế biến thành thức ăn chăn nuôi nên trên bao bì còn ghi cả dòng chữ không được sử dụng cho người. Hàng được nhập khẩu quá cảnh vào Việt Nam (phần lớn về cảng Hải Phòng) để tái xuất sang Trung Quốc. Do đây là hàng tạm nhập tái xuất nên cũng không được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra, kiểm nghiệm...

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tiết lộ: Không ít trong số nguồn hàng này sau khi vận chuyển lên biên giới (Lạng Sơn) sẽ được xé lẻ, “đánh” ngược lại thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Len lỏi khắp nơi

Gần đây, hiện tượng này khá “nóng” do phía Trung Quốc đang cấm nhập thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam, kể cả hàng tạm nhập tái xuất, vì vậy nguồn hàng này được tuồn ra thị trường trong nước tiêu thụ. Ông Đoàn Ngọc Bình tiết lộ: Hàng tạm nhập tái xuất dạng này vốn là hàng kém chất lượng nên giá bán khá rẻ. Chẳng hạn mặt hàng chân gà có giá gốc về đến Việt Nam chỉ khoảng 15.000 đồng/kg nhưng khi đưa ra thị trường được đẩy lên 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg; cánh gà 35.000 đồng/kg, bán ra 60.000 đồng/kg. Còn chân, đuôi, đầu, nội tạng trâu, bò giá gốc cũng chỉ từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các mặt hàng này thường bị rớt giá thê thảm khi thị trường tiêu thụ chậm, bảo quản không tốt nên bị hư thối, nhiều khi chỉ còn khoảng nửa giá. Hiện nay, nguồn hàng kém chất lượng này đang bung ra tiêu thụ mạnh trong nước, cạnh tranh quyết liệt với hàng nhập khẩu chính thức cho thị trường Việt Nam, khiến giá giảm từ 20%- 30% so với hồi đầu năm.

Giới kinh doanh thịt đông lạnh còn cho biết: Chỉ cần nhìn tang vật là biết ngay đó là hàng ở đâu. Chẳng hạn chân trâu, bò vẫn còn nguyên lông thường là nguồn hàng ở nước ngoài (vì đây là loại bỏ đi nên người ta không cần phải làm sạch). Tương tự các lô chân gà nhập (chưa sơ chế) thường còn nguyên da bọc và dính đầy lông. Nội tạng (tim, gan, cật, lá lách, bao tử, ruột…) thường dính nhiều chất thải... Để đánh lừa người tiêu dùng, những loại nguyên liệu bẩn này sẽ được xử lý bằng hóa chất để tẩy mùi, làm mới thịt, người tiêu dùng khó có thể phân biệt. Sau đó không chỉ được đưa vào quán ăn, quán nhậu, quán lẩu… để chế biến “đặc sản” bằng cách tẩm ướp gia vị mà còn được bán nhiều ở các chợ lẻ.
Rất khó xác định nguồn gốc các loại phụ phẩm gia súc, gia cầm đã được “làm sạch” tung ra thị trường. Đó có thể là hàng nhập hoặc thu gom từ các địa phương trong nước, chứa trữ lâu ngày khiến chất lượng không còn bảo đảm.
(Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai)
Bài và ảnh: Nguyễn Hải (Người Lao Động)

ý kiến
Chuyên Gia
16/03/2012 00:12
Làm gì để ổn định chất lượng thực phẩm cũng như ổn định giá chống lạm phát? Đây là một vấn đề rất lớn mà chúng ta chỉ nói và làm cho có lệ từ trung ương đến địa phương. Kinh nghiêm các nước tiên tiến họ quản lý chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, nuôi trồng đến giết mổ, bảo quản và phân phối ra thị trường. Trước hết phải có hệ thống chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản theo tiêu chuẩn và xa khu dân cư, không cho nuôi xen kẽ trong dân mà phải có trang trại riêng biệt do tư nhân làm chủ, nhà nước kiểm soát dịch bệnh. Khâu giết mổ phải thực hiện trong các nhà máy hoặc ngay trong trang trại với trang thiết bị đầy đủ tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, có đầy đủ hệ thống cấp đông. Thực phẩm tùy theo nhóm hàng phải được cấp đông ít nhất 3-6 tháng ở nhiệt độ -60 độ C trước khi phân phối ra thị trường để tiêu diệt hết các mầm bệnh. Phải thành lập các hệ thống siêu thị để thay thế hết các chợ kém vệ sinh như hiện nay. Với các siêu thị, nhà nước và ngành chức năng dễ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm. Các siêu thị chính là nơi tồn trữ thực phẩm an toàn với hệ thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn. Thực phẩm phải nhập vào và bán ra luân phiên từ 1-6 tháng tuỳ theo mặt hàng đảm bảo ổn định hàng hóa chống lại sự biến động giá gây ảnh hưởng lạm phát. Một ví dụ nhỏ ở Mỹ, nếu có vấn đề khan hiếm gạo do lũ lụt mất mùa ở Đông Nam Á thì gạo dự trữ trong các siêu thị và kho trữ đủ cung cấp cho người tiêu dùng từ 6 tháng đến 1 năm với giá cả luôn ổn định. Nhà nước nên khuyến khich tư nhân hoặc tổ chức tham gia sản suất và phân phối thực phẩm theo hệ thống với sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng của nhà nước chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế sẽ giảm thiểu sự lạm phát và mất giá của VND như hiện nay. Và chúng ta sẽ không phải nghe mãi điệp khúc “mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, “sẽ tiến hành rà soát chấn chỉnh”…v.v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét