Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

“Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất


“Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất
21/05/2012 4:34
Một mỏ than lộ thiên với chất lượng than tốt nhất ở Việt Nam đang là “lãnh địa riêng” của một công ty Indonesia. Mỗi năm, công ty này hưởng 90% lợi nhuận trong khi phía Việt Nam chỉ được hưởng 10%.
Nghịch lý
Ngày 19.4.1991, Công ty than Uông Bí (TUB), đơn vị thành viên của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Pt.Vietmindo Energitama, 100% vốn Indonesia (VMD). Theo đó, VMD sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, công nghệ để khai thác trong 30 năm mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 90% cho VMD và 10% còn lại là của TUB. Đây là mỏ than lộ thiên có diện tích trên 1.000 ha, nằm trên địa bàn P.Vàng Danh, TP.Uông Bí và cũng là nơi có vỉa than tốt hạng nhất ở Quảng Ninh.
VMD chỉ việc khai thác trên mặt đất là đã dễ dàng thu được than cám 4, cám 5, là những loại than có chất lượng tốt nhất hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thành viên Vinacomin như Công ty than Mạo Khê, than Núi Béo, thậm chí cả TUB phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào công nghệ khai thác hầm lò và dùng sức người đào sâu vào lòng đất cả trăm mét mới lấy lên được than.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng hợp tác và luận chứng kinh tế kỹ thuật quy định VMD chỉ được phép khai thác than nhằm mục đích duy nhất là xuất khẩu. Quy định của hợp đồng hợp tác khống chế mỗi năm VMD chỉ được phép khai thác 500.000 tấn than thương phẩm, tương đương khoảng 750.000 tấn than nguyên khai. Trên thực tế, nhiều năm qua VMD luôn khai thác vượt con số nói trên. Đơn cử năm 2010, VMD đã khai thác khoảng 750.000 tấn than thương phẩm, năm 2011 là trên 800.000 tấn.
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, toàn bộ các công đoạn sản xuất, khai thác và kinh doanh than được VMD thực hiện theo dây chuyền khép kín. Khai trường cũng như nơi sàng tuyển than của VMD luôn đặt trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”. VMD còn có cả một cảng riêng để xuất khẩu than mà muốn xuất hiện tại đây để kiểm tra hay thực hiện công tác về chuyên môn, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như đối tác TUB phải được sự cho phép của VMD (?!).
Có thể Việt nam đang phải nhập khẩu than của chính mình
Theo Vinacomin, ước tính vào năm 2014, 2015 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 1-6 triệu tấn than. Lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên hằng năm. Dự kiến đến năm 2025, lượng than nhập khẩu lên tới 40 triệu tấn. Than nhập khẩu chủ yếu sẽ được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Giữa năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã nhập khẩu thí điểm 9.500 tấn than từ chính Indonesia với giá 100,6 USD/tấn than (tính cả cước vận tải). Lãnh đạo Vinacomin khẳng định việc nhập khẩu là để thăm dò thị trường, làm quen với phương thức nhập khẩu, vận chuyển. Rất có thể, Việt Nam đang phải nhập khẩu than của chính mình. Vinacomin chọn Indonesia để “thí điểm” bởi đây là một trong những nguồn cung phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay, cả về quãng đường vận chuyển, loại than lẫn giá thành. (Thái Uyên)
Còn chịu thiệt dài dài
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Tứ, Phó tổng giám đốc TUB, thừa nhận tình trạng trên là có thật, nhưng “nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lịch sử để lại” và “bản thân chúng tôi là những người đi sau, thừa kế”. Theo ông Tứ, bản hợp đồng liên doanh trên danh nghĩa là do TUB ký kết với VMD nhưng thực tế TUB không được quyết định mà do Bộ Công nghiệp thời đó trực tiếp phê duyệt.
“Có thể nói, VMD là DN nước ngoài đầu tiên và cũng là duy nhất hợp tác kinh doanh với ngành than cho đến nay. Trong quá trình hợp tác chúng tôi thấy rằng việc ký kết hợp đồng thời điểm đó chưa tính toán hết những vấn đề phát sinh hay nói đúng hơn là có nhiều kẽ hở khiến mình phải chịu thiệt thòi”, ông Tứ nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng ký kết giữa hai bên không hề có một điều khoản nào tạm dừng hoạt động của VMD kể cả trong trường hợp DN này vi phạm hợp đồng. Mặt khác, toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh đều ghi rõ VMD là người điều hành. TUB không được phép kiểm tra, thậm chí việc rót than xuống cảng đưa lên tàu nước ngoài cũng do VMD trực tiếp thực hiện và TUB không được phép can thiệp.
Đối với việc kiểm soát số lượng than do VMD sản xuất hằng năm, ông Phạm Văn Tứ cũng cho rằng chỉ được biết qua khâu hậu kiểm, bởi than từ mỏ lấy lên, sàng tuyển cho đến khâu vận chuyển ra cảng bán đều do VMD thực hiện, TUB không được phép kiểm tra trực tiếp. Mặc dù pháp luật Việt Nam bắt buộc việc khai thác khoáng sản hiện nay phải có giấy phép quy định về sản lượng theo hằng năm nhưng tại các mỏ của VMD, giấy phép khai khoáng không có hiệu lực, bởi hợp đồng liên doanh được ký trước thời điểm quy định về giấy phép khai thác khoáng sản.
Đánh giá về vai trò đối tác của TUB, ông Tứ cay đắng: “Chúng tôi chỉ biết đi vào đi ra và nghiên cứu khoa học mà thôi. Trước tình trạng này, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị VMD đàm phán lại hợp đồng với các điều khoản công bằng hơn cho đối tác nhưng đến nay họ chưa đồng ý. Điều này cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi của chúng ta sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi hết hạn hợp đồng (tức năm 2021 - PV)”.
Trong khi đó, theo nhiều thông tin PV Thanh Niên có được, trong quá trình khai thác, VMD đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nâng sản lượng khai thác; đồng thời xin gia hạn kéo dài hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ông Phạm Văn Tứ cho biết thêm: “Than ở Uông Bí ngày càng cạn kiệt, chúng tôi cũng muốn giữ một phần tài nguyên để cho công ty mình khai thác nhưng bây giờ họ đang tiếp tục lập các dự án mới khai thác 1-2 triệu tấn. Việc này TUB không thể can thiệp được mà phải do các cơ quan khác cao hơn”.
Thất thoát, lãng phí rất lớn
Nhìn từ bên ngoài, khai trường mênh mông của VMD là một khu vực biệt lập được bảo vệ bởi hệ thống barie có gắn các thiết bị giám sát điện tử cực kỳ hiện đại. Thế nhưng, đi sâu vào bên trong là cảnh tượng hàng trăm người dân thường trực mót than rất lộn xộn, nguy hiểm. Tại khu vực chứa bãi thải của VMD rộng tương đương một sân bóng đá nằm trên một triền núi, mỗi khi một chiếc xe tải vừa nghiêng thùng đổ đất đá, xít (bã thải sau khi sàng tuyển than) xuống thì từng đoàn người xông vào tranh cướp mót than. Mỗi người cầm theo một bao tải dứa và cào sắt nhẫn nại nhặt từng cục than cho vào bao. Chị Lê, một người mót than cho biết: “Nếu chăm chỉ thì mỗi ngày cũng được vài ba tạ than, bán được cỡ dăm trăm ngàn đồng, hơn hẳn làm nông ở nhà”.
Phức tạp về an ninh trật tự
Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng công an TX.Uông Bí, cho biết khai trường của VMD là khu vực cực kỳ phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Tại đây luôn có khoảng 500 - 600 người dân túc trực mót than, không ít đối tượng lợi dụng vào việc này để ăn cắp than. Căn cứ theo các điều khoản hợp đồng ký với Công ty than Uông Bí, VMD đã thuê một số DN bên ngoài vào tham gia bóc tách lớp đất đá bên trên để họ lấy than phía bên dưới. Tuy nhiên, phía VMD lại không quản lý được mà để cho một số đơn vị này tự tung tự tác, múc cả đất đá lẫn than lên để ăn cắp, hoặc bật đèn xanh cho người dân vào lấy than còn họ thu tiền “tô”. Thượng tá Thành còn cho biết: “Theo hợp đồng, mỗi năm VMD chỉ được khai thác một số lượng than nhất định, do đó họ sẵn sàng bóc tách lớp than tạp để khai thác vỉa than đẹp nhất. Điều này gây lãng phí cực lớn về tài nguyên quốc gia, gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn lao động”.
Đáng lưu ý, vào tháng 5.2010, khi kiểm tra tại khu vực các DN khai thác, cơ quan công an đã phát hiện, thu giữ 19 khẩu súng các loại, 6 áo giáp chống đạn, 109 viên đạn cùng nhiều dao kiếm. Đầu năm 2011, lực lượng chức năng qua kiểm tra tiếp tục phát hiện, thu giữ được 7 khẩu súng, 30 viên đạn, cùng nhiều dao kiếm các loại.
Thái Sơn - Káp Long (Thanh Niên)
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (70)
huỳnh huu hau- Chắc mấy bác tính nhầm rồi, đáng lý ra chủ nhà phải là 7 phần, khách là 3 phần mới đúng chứ !
THT- Tài nguyên là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là tài sản không của riêng ai. Việc ký kết các hợp đồng làm xâm hại đến quyền lợi chung của đất nước là điều không thể chấp nhận. Tài nguyên đất nước không thể được đưa đi "biếu" không cho ai, tương lai của đất nước sẽ đi về đâu nếu câu chuyện này vẫn cứ tiếp diễn. Cần phải điều tra, xử lý triệt để vấn đề này, phải quy rõ trách nhiệm thuộc về ai, kể cả nếu người đó đã về hưu hoặc chuyển sang làm công tác khác thì cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Cần phải làm rõ có hay không việc vụ lợi cá nhân khi đặt bút ký phê duyệt bản hợp đồng liên doanh này. Thật không thể hiểu nổi?
T.Dung- Đây là lý do ta nghèo, hèn....
Huỳnh Ngọc Khánh- Đúng là đau lòng khi đó là sự thật. Không biết khi được trao quyền quản lý, điều hành ngành, lĩnh vực của mình các "đồng chí" nghĩ toàn diện chưa mà để điều đó xảy ra? Mình là thế hệ trẻ khi đọc, phân tích tình hình trong nước mà đau lòng...không cắt nghĩa nổi. Quá nhiều thất thoát, lãng phí mà tài sản đó đâu của riêng ai? Xin hãy nghĩ!
PND- Ai đã ở QN những năm của thập kỷ 80? Khi đó than làm ra không bán được. Lương công nhân phải trả bằng mì chính hay bằng đường. Ai đã từng sống trong những thời kỳ bị bao vây cấm vận? Phân phối nhau từng cái lốp ,xăm xe đạp. Hãy so sánh với thời hội nhập. Mỏ than Vietmindo la một trong những tấm vé cho Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế. Đó là sự hy sinh của đất nước để mang lại điều tốt hơn.
Trường An- Tôi 66 tuổi, không bị bệnh huyết áp hay tim mạch gì cả nhưng sau khi đọc bài báo này thì trong người khó chịu vì tức thở bởi nhớ câu dân ta thường nói là nhục như nhục mất nước. Nay mất cả một vùng tài nguyên lớn như vậy là đã mất một phần đất nước. Ai? ai đã ký bán rẻ một phần đất nước cho nước ngoài? Phải đem xử ngay.
UKE- Trước đây có bài báo người dân đào được cục đá (giá trị chẳng bao nhiêu), định đem về chưng thì chính quyền vào cuộc loạn xị ngầu lên. Còn cái này là cả một tài nguyên của đất nước. Vậy mà...thật khó hiểu ???
Dinhngocky- Đau lòng quá. Ở đây có thể có sự tham nhũng móc ngoặc giữa các cán bộ có thẩm quyền của nước ta với nước ngoài.
Huynh Ngoc Nam- Hại cho nhân dân cho Đất nước nhưng....có thể lợi rất lớn cho một số người!!! (tiền “lại quả” sau khi ký một hợp đồng)
Pecc2- Trời ơi... Bên mình đang làm dự án Nhiệt điện nhập than từ Indo, Úc. Có khả năng là chúng ta tự nhập than của chính mình rồi...
nh- Thật không thể tưởng tượng được, một mỏ than lộ thiên của nước mình mà lại giao cho nước ngoài chỉ để nhận được 10%. Trong khi đó chính chúng ta lại phải đi đào sâu xuống lòng đất để khai thác than. Một sự vô lý ai cũng có thể nhìn thấy trong khi các nhà quản lý thì lại không. Buồn cho đất nước.
Tri Tân- Một một hợp đồng như vậy mà được ký và được thực hiện gần 20 năm rồi mà không có một cấp nào lên tiếng thì tôi tin chắc chỉ có người dân là thiệt thôi (!) Ôi đất nước tôi !
Công Đức - Đọc bài này sao mà thấy đau lòng quá. Không biết các ngài có suy nghĩ hay không. Hỏi Việt Nam còn bao nhiêu khoáng sản? có được vô tận hay không mà lại đi biếu cho nước ngoài?. Các ngài chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ hậu quả, mà chỉ có 10% lợi nhuận thôi. Tại sao chúng ta không để dành lại cho con cháu chúng ta, mà phải ăn cho bằng hết, hỏi sau này con cháu chúng ta sống bằng gì? Mong các ngài suy nghĩ lại mà hoãn ngay dự án này.
Nguyễn Hoàng Hải - Nếu những chuyện quan trọng thế này được đem ra công khai, kể cả công luận theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" mổ xẻ thì chắc không dẫn đến những chuyện thế này.
Nên có những tổ chức khoa học, khách quan đánh giá thiệt hại thì lúc đó còn đủ thời gian để bình luận và xử lý đầy đủ, đúng đắn hơn!
Tran Bang Duong- Đem của cải đất nước dân không cho người khác, không biết bản thân những người đó được bao nhiêu (hoa hồng).
Ndphong- Vẫn biết rằng là họ đầu tư toàn bộ máy móc thiết bị nhưng thử hỏi sau 30 năm khai thác thì toàn bộ thiết bị đó còn sử dụng được nữa không? Hay chỉ là một đống sắt phế liệu cộng với 1 bãi khai trường hoang tàn. Thật không thể hiểu nổi ai là người đặt bút kí có suy nghĩ cho thế hệ mai sau hay không?
manh cuong- Khai thác dầu khí rất khó khăn, đầu tư lớn ,rủi ro nhiều ,mà tỷ lệ ăn chia còn là 49/51 . Vậy mà trong khai thác than, ngành than lại dưa ra tỷ lệ ăn chia 90/10 .. Thật là hết chỗ nói. Ban phòng chống tham nhũng sẽ có nhiều việc phải làm lắm đây./.
Đồng Bào- Đọc báo thấy buồn cho đất nước, thất thoát tài nguyên, tiền bạc là do đạo đức năng lực cán bộ tại sao cứ để xảy ra hoài, trả lời làm sao với thế hệ con cháu khi chúng ta để lại cho chúng môi trường sống ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt nợ nước ngoài chồng chất ?
Hồ Minh Hà- Việt Nam của chúng ta tính trên tổng thu nhập thì bao giờ năm sau cũng cao hơn năm trước. Nhưng sự tăng trưởng này có phần bấp bênh, thiếu tính bền vững do phần lớn phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu nguyên, nhiên liệu thô. Ở đó có cả việc bán rẻ tài nguyên khoáng sản quốc gia, điển hình là hợp đồng khai thác than với Indonesia mà ta chỉ hưởng lợi 10% thì gần bằng cho không. Xét về kĩ thuật, việc khai thác than lộ thiên không đòi hỏi công nghệ phức tạp mà ta lại giao cho một đối tác nước ngoài thì ở đây một là ta cho rằng trữ lượng than của ta quá lớn nên có để cho nước ngoài khai thác một phần cũng không mấy ảnh hưởng. Hai là có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên ta bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc để ta làm ra cái hợp đồng xuẩn này! Ta cần phải học hỏi cách làm kinh tế của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...tức là làm kinh tế bằng lao động chất xám. Bán, thậm chí bán rẻ tài nguyên quốc gia như thế thì thế hệ con, cháu chúng ta về sau chẳng còn gì để mà khai thác .
Hoang Manh Hung- Tôi kiến nghị:
1. Phạt thật nặng điều khoản không theo hợp đồng (sản lượng, khai thác không đúng quy trình gây lãng phí và sử dụng vũ khí trái pháp luật...)
2. Thật là nhục nhã nếu như lại nhập than từ chính nơi chúng ta xuất. Do vậy, phải lôi ra ánh sáng những con mọt làm nghèo đất nước vì cái túi của mình và đưa ra xét xử nghiêm minh.
lưu nghĩa- Thật đau lòng vì lãnh đạo thiếu tầm nhìn, hậu quả ai chịu đây?
trần văn thiệp- Ôi đau đớn cho thế hệ con cháu mai sau.
vũ xuân quang- Lại chỉ có mấy ông đầu trò được lợi từ cái hợp đồng liên doanh này. Chỉ có đất nước là thiệt hại.
Dân- Đây có được coi là tội bán nước ko?
Ten Bình Dương- Đọc mà tức ói máu! Tài sản quốc gia thì biếu không cho nước ngoài. Không kiểm tra giám sát. Họ xuất lậu báo vật quốc gia cũng không biết. Chắc chắn ở đây có khuất tất. Yêu cầu thanh tra chính phủ làm rõ.
Trần Trọng Tâm- Hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài đang chuyển giá, nhà nước ta thất thu về thuế. Còn "Biếu không" nước ngoài mỏ than tốt nhất, xin đừng khôn nhà dại chợ.
hồ minh khôi- Cảm ơn quí báo đưa tin. Sao giống hợp đồng của vff với AVG thế?
Phạm Văn Lợi- Luật đã có, cơ quan quản lý nhiều cấp đã có, tại sao lại để 1 hợp đồng như vậy được ký kết? Trách nhiệm thuộc về ai? Phải sử lý thế nào? Đây là hậu quả của quan liêu, bộ máy kém hiệu lực hay tham nhũng?
ng.quynh- Xin cám ơn báo đã cho chúng tôi và con cháu sau này biết được một phần lí do vì sao dân ta đói nghèo ,Vì sao con cháu phải kéo cày trả nợ.
Phuong- Bây giờ phát hiện ra thì đã quá muộn vì chuyện đã quá lâu, và muốn khắc phục phần nào cũng không dễ vì chúng ta sẽ phải trả một giá đắt cho việc hủy hợp đồng. Đúng là chẳng biết làm sao, đọc xong bài báo nay tôi biết có nhiều đọc giả đau quặn lòng mà chỉ biết vuốt mặt than trời!
hai thanh- Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ. Ngành than khai thác tài nguyên để bán mà kêu lỗ thì pó tay về cách quản lý ?
Vô Danh- Tới đời con cháu chúng ta, nó phải đi trả nợ, còn tài nguyên chúng ta ăn hết rồi.
ĐangLinh- Không biết khi ký hợp đồng tổng công ty than VN đã nghiên cứu trữ lượng than của 1000 ha đất đó, các điều khoản trong hợp đồng và đã trình Bộ Năng lượng, Chính phủ hay chưa mà để tình trạng này xảy ra? Tài nguyên quí hiêm này là tài sản của Quốc gia chứ đâu phải củ khoai hay con cá gì mà đem cho không họ rồi phải bỏ tiền tỉ của Nhà nước; của nhân dân để lo các khâu bảo vệ trật tự, an ninh, trị an và các khâu khác cho khu vực này. Khi ký văn bản hợp đồng này các vị đó học lớp mấy mà ký đại với ký ẩu vậy? (Vì TUB không được phép kiểm tra, thậm chí việc rót than xuống cảng đưa lên tàu nước ngoài cũng do VMD trực tiếp thực hiện và TUB không được phép can thiệp. Biết đâu trong đó họ xuất thứ gì đi và nhập thứ gì vô làm ảnh hưởng đến an ninh Quốc gia hay các lĩnh vực khác nữa hay không?). Rồi đến sự vi pham trong các khoản của hợp đồng của họ mà ngành chức năng không biết xử lý như thế nào là sao vậy ? Không thể chịu nổi cách quản lý tài sản Quốc gia như thế này được. Đề nghị Thanh tra Nhà nước vao cuộc làm rõ những vấn đề này để không làm chảy máu tài nguyên của quốc gia .
ta loc - Cứ đụng đến tập đoàn nào là tập đoàn đó sẽ có vấn đề, nào là Vinashin, Vinacem, EVN, mới nhất là Vinaline, bao giờ mới sờ đến ông Vinacomin...
Nbloc- Ôi đất nước tôi! Với cách quản lý này thì chắc là chỉ còn lại cái đàn bầu làm di sản cho con cháu về sau....
Mr.Bom- Mới vụ Vinalines chưa song lại đến chuyện này. Hết biết!
Công Minh- NHÌN THỰC TẾ MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG...Hic. Có một người dân vì nghèo quá, nghèo cha truyền con nối. Một hôm, ngồi dưới gốc cây khóc, Bụt hiện lên hỏi "Vì sao con khóc", người nông dân trả lời "Dạ, con nghèo quá, khổ quá Bụt ơi", nghe xong Bụt liền bảo " Thôi con đừng khóc nửa vì con cũng sẽ nghèo mãi mãi thôi, khakhakha",
tuyết -Thật đau lòng khi tài nguyên khoáng sản cũa nước ta mà để nước khác hợp đồng khai thác và làm giàu .Còn ta có mỏ mà dân ta phải đi mót than mà kiếm sống .Các cơ quan chức năng nên vào cuộc và lấy lại công bằng nước ta vì hợp đồng luật ký đã lâu và không hợp với thực tế .Khi àm việc gì nên cân nhấc kỹ "Đừng vì lợi mình mà hại cả 1 thế hệ mai sau "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét