Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

NHỮNG CHUYỆN CẢM ĐỘNG

NHỮNG CHUYỆN CẢM ĐỘNG

Ngày 17 và 18-12-2011 cô Kim và bạn Thảo cận đã về Đồng Tháp lo Phật sự. Nhiều chuyện thật cảm động xin được ghi lại làm kỷ niệm.

*Đầu tiên là thăm bà Năm (dì ruột cô Kim) bị phỏng bếp gas và té. Hôm nay bà đã đỡ rồi. Hơn 80 tuổi vẫn còn minh mẫn chính là một phước đức lớn. Bà đang ở nhà cô con gái thứ sáu gọi là dì Xuân, ngay trong thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành. Lần nào về quê cô Kim cũng thường ghé nhà dì Xuân để tìm lại hơi ấm quê nhà. Nhà cũ của cô Kim cách chợ một cây cầu, khi cả gia đình lên TPHCM sinh sống đã bán nhà lại cho dì Xuân, và sau này nhà nước giải tỏa khu đó để làm cây cầu mới trên tỉnh lộ 80, dì Xuân dời nhà về chợ Cái Tàu Hạ. Dù sao, về đây cũng đỡ nhớ quê.

*Từ nhà dì Xuân xuống Phòng Giáo dục huyện chỉ 500m. Lần này cô Kim đem 6 phần quà tết về biếu những cô giáo tiểu học có hoàn cảnh khó khăn. Cô Kim thích đi đến tận nơi để biếu như năm trước vậy, nhưng vì thời gian quá ít ỏi nên đành mời quý cô giáo đến Phòng Giáo dục giao lưu và nhận quà. Thôi, cũng có cái hay. Chính nhờ vậy mà gặp lại mấy người bạn cũ nữa. Mấy chục năm xa nhau, không ngờ trái đất tròn…

Buổi trao quà tổ chức thân tình, giản dị trong căn phòng hẹp của Phòng GD, không có diễn văn, cũng không có bất cứ một nghi thức gì, chỉ như những người bạn ngồi trò chuyện với nhau. Cô Kim yêu cầu như vậy, và thầy Long, cô Vinh cán bộ của Phòng cũng thích như vậy. Nói chuyện dạy học, rồi nói chuyện Phật pháp luôn, tặng cả mấy cuốn sách của cô Kim biên soạn, và cuốn “kỷ yếu” của Funny Home cô Kim vừa làm tốc hành trong 3 ngày trước khi lên đường. Ai cũng vui vẻ và thân tình.

Sáu cô giáo đều ở tuốt trong xã vùng sâu như An Khánh, Tân Phú, Hòa Tân, Nhơn Lương. Có khi đường đi chỉ là một dải rất hẹp vừa đủ lọt một bánh xe. Có cô nhà lá xiêu vẹo. Có cô một mình nuôi mẹ già và nuôi con. Có cô làm thêm bằng cách bán vé số để con trai học đại học trên Sài Gòn. Hầu hết đều thâm niên hơn 20 năm. Mấy cô kể: “Nghe nói có thầy ở Phòng Giáo dục xuống tìm, tụi tôi run quá trời, hổng biết mình vi phạm cái gì mà bị mời lên Phòng!”. Đa số còn “khoe” đây là lần đầu tiên mới biết Phòng Giáo dục (trời!). Bởi chỉ có hiệu trưởng, hiệu phó, hoặc cán bộ của trường mới có cơ hội đi họp trên huyện, thì mới vô Phòng GD, chứ mấy cô chỉ là “giáo viên trơn” làm sao được đi, làm sao mà biết! Thấy thương quá! Mấy cô mặc bộ đồ khá đẹp, chắc là đồ vía, dịp quan trọng mới lấy ra dùng, nhưng nét khắc khổ vẫn hiện rõ trên gương mặt. Càng nhìn càng thương. Nghe thầy Long nói tiền phụ cấp gì đó từ tháng 5 đến nay cũng chưa được lãnh. Tại sao xã hội mình lại để người thầy như vậy? Còn tâm trí và sức lực đâu mà dạy cho tốt? Theo được nghề đã là bản lĩnh lắm rồi. Vậy mà mấy cô lại nói: “Mệt tới đâu mà vô lớp thấy học trò cũng quên mệt. Dạy lâu năm, thương tụi nhỏ lắm, dù ở vùng sâu phụ huynh không biết quà cáp như ở thành phố đâu. Nhưng thôi, mình chọn nghề thì mình cứ theo nghề, hổng dám than thở!”. Vì vậy, những phần quà tết của mình đem về cũng không xứng đáng với công sức và tâm huyết của mấy cô.

Chuyện thầy Long và cô Vinh mới thật là bất ngờ. Cô Vinh là Phó trưởng phòng GD, nhìn mặt rất quen. Hóa ra đó là người cùng xóm với cô Kim hồi còn bé tí ở xóm hàng cau xã An Nhơn. Cô Vinh có hai người chị đẹp như tiên, ngày nào đi học ngang nhà cô Kim cũng được cô Kim nhìn ngưỡng mộ. Hồi đó mình là con bé nhà quê lem luốc, chừng 10-13 tuổi gì đó, thấy chị Phượng, chị Thủy tóc dài xinh ơi là xinh, mình thích quá chừng. Hai chị có một lũ em nhỏ, trong đó có cô Vinh, nhỏ tuổi hơn mình. Giờ gặp lại, Vinh nhận ra cô Kim ngay. Và bất ngờ hơn nữa, cô Vinh ăn chay trường. Thảo nào sống rất tử tế với đồng nghiệp.

Thầy Thiện Long là bạn học thời phổ thông suốt cấp2 và cấp 3, rất thân. Hồi đó, ba của Thiện Long theo đạo Cao Đài nên ăn chay trường. Lũ bạn chúng mình thường kéo xuống nhà Thiện Long ăn ngốn ngấu hàng thúng củ ấu mang từ bên cồn qua. Bên đó có vườn ruộng, ba má Thiện Long phải ở canh chừng, còn căn nhà nhỏ bên rạch Cái Gia thì chỉ có Thiện Long ở đi học cho gần. Đồ ăn được tiếp tế thường xuyên, đủ cả trái cây và gạo mắm, cả lũ cứ nấu nướng tưng bừng. Nhớ lại mà vui quá xá! Bạn trai bạn gái chơi chung mà không có “sự cố” gì hết, đứa nào cũng 15, 16 tuổi mà ngây thơ, hiền lành như đất. Thiện Long cứ lui cui nấu nướng cho lũ bạn gái bọn mình gồm có Hoàng Anh, Phụng, Thảo, hình như cả Mai Phương, Mỹ, Vui, … Còn mấy đứa bạn trai khác nữa mà quên mất tên rồi. Cả chục đứa tung tăng một thời hoa niên…Viết mà muốn khóc quá!

Mấy chục năm nay Thiện Long theo nghề giáo, dạy học, rồi làm chuyên viên của Phòng GD. Lại ăn chay, và làm từ thiện. Thật ra cô Kim và thầy Long cũng thất lạc tin nhau mấy chục năm, tình cờ tháng trước cô Kim về chùa Vạn An sinh hoạt thì gặp thầy, thế là chuyến đi này nhờ thầy tìm giùm mấy cô giáo khó khăn. Thầy xuống tận xã ấp, xem tường tận từng gia đình, chứ không quan liêu chỉ ngồi một chỗ nghe báo cáo. Thầy còn kể mỗi lần thầy dẫn anh em đi công tác xuống xã thì thầy đặt quán nấu thức ăn chay để đãi cả nhóm, chứ không ăn mặn, uống rượu. Thầy thiệt là hay! Cô Kim cảm phục vô cùng.

Có đi như thế mới thấy trời đất rộng lớn, nhiều người còn hay hơn mình, mình phải học hỏi, khiêm cung. Với đồng lương eo hẹp của một công chức, lại không phải ngành hái ra tiền, vậy mà thầy Long, cô Vinh và các anh em khác vẫn sống tử tế, chăm lo cho mọi người. Những tấm gương thầm lặng đó xứng đáng được nêu lên. Nhiệm mầu thay, khi chúng ta có tâm thì ắt sẽ gặp nhau. Người tốt sẽ gặp được người tốt.

*Thăm lớp giáo lý chùa Giác Long. Các em đã nền nếp hơn trước, và thuộc bài khá nhiều, xứng đáng được nhận quà. Cô Kim cho các em niệm Phật và ngồi thiền nữa. Mấy phút đầu rất lộn xộn, vì đứa nào cũng như con khỉ không yên, nhưng cô Kim đã nghiêm khắc hướng dẫn, chỉ ít phút là yên tĩnh ngay. Hóa ra con nít rất dễ dạy, chỉ tại người lớn không biết dạy từ sớm.

*Thăm lớp giáo lý chùa Phước Đức. Lớp này còn giỏi hơn nữa. Có khoảng 8 em học sinh cấp 3 đã được cô Kim giao phụ trách dạy cuốn Búp Sen Hồng cho các em tiểu học. Trưởng lớp là em An. Mỗi tuần các em tự tập trung lại học rất tử tế. Bây giờ cô Kim chỉ kiểm tra bài xem thuộc hay không mà thôi. Chẳng những vậy, các em còn ca hát, tập múa, chơi trò chơi rất năng động.

*Thăm nhà Thiện Hậu. Đây là một Phật tử dễ thương và có tài đàn organ rất khá. Thiện Hậu tham gia Funny Home, lâu lâu xách đàn lên ở chơi 1, 2 ngày, đàn cho các bạn hát. Nhà Hậu ở xã Tân Dương, cách Sa Đéc chỉ mấy cây số, xem ra hoàn cảnh khó khăn. Hậu đi đàn cho đàm cưới, đám ma, và những lễ lạc khác, đem tiền về nuôi bà ngoại cùng mẹ. Mẹ Hậu trước là thợ may, nhưng từ ngày bà ngoại bị tai biến phải ngồi một chỗ thì mẹ ngày đêm chăm sóc, ẳm bồng, không may được nữa, Hậu phải gánh vác gia đình. Mới 20 tuổi mà giỏi vậy, thật cảm động. Mẹ Hậu còn là một giọng ca tài tử cải lương rất khá, cả cậu Sáu cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Tân Dương. Thảo nào Hậu có năng khiếu, tự mày mò học đàn.

Nhưng Hậu đang gặp trở ngại vì hai mẹ con không hiểu nhau, có lần Hậu đã bỏ ra ngoài thuê nhà trọ sống một mình. May lần nghe cô Kim giảng pháp, tình cờ có nhắc chữ hiếu, Hậu trở về nhà với mẹ. Nhưng hai mẹ con chưa thông cảm nhau hoàn toàn. Cô Kim đến nhà, chỉ muốn nối lại tình cảm mẹ con của Hậu. Thật ra hai mẹ con rất thương nhau, xa nhau thì nhớ, gần nhau thì…cãi lộn mà thôi. Một mình nuôi con từ hồi nó còn đỏ hỏn, nay đã 20 năm, người mẹ ấy đâu phải không bản lĩnh. Cô Kim chỉ khuyên là nên gần gũi nó một chút nữa. Và cô Kim khuyên cả Hậu là cũng phải chủ động tiếp cận mẹ, nói chuyện thường xuyên. Con biết Phật pháp, con đã giác ngộ trước mẹ, thì xem mẹ như một chúng sanh cần hóa độ, con phải kiên nhẫn và hy sinh chứ. Tại sao con đi hóa độ người ở nơi xa mà không hóa độ chính người trong nhà? Nếu con làm mẹ vui, mẹ thấy an ủi, thì mẹ sẽ không nghĩ tới chuyện bước đi bước nữa. Một mẹ một con càng phải thương nhau gấp 10 lần những gia đình trọn vẹn vợ chồng.

Một chuyến đi chỉ 2 ngày mà đủ thứ việc. Lên tới Sài Gòn cô Kim và Thảo nằm li bì, dậy không nổi. Nhưng phải ráng ngồi dậy đi làm, vì cơ quan họp, nhắc nhở mọi người phải lao động tử tế nếu không muốn bị….trừ lương.
                                                                                                           20-12-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét