Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Lương giáo viên chưa bằng bát phở hạng sang

Lương giáo viên chưa bằng bát phở hạng sang

TT - Dư luận chưa hết xôn xao với lời “tự bạch” của thủ trưởng ngành điện trước tình cảnh lương bình quân ngành điện 7,3 triệu đồng/tháng khiến ông đau lòng thì trên Tuổi Trẻ 25-11 công bố những con số còn đáng giật mình hơn: lương giáo viên hợp đồng ở nhiều nơi chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, chưa bằng 1/10 lương của một thợ điện.

Vậy mà chưa thấy “thủ trưởng” nào “tuyên ngôn” rằng mình rất đau xót trước tình cảnh này.

Xin không bàn đến việc phân phối thu nhập ngành điện ở đây (nếu thu nhập chính đáng thì bất kể ngành nào được hưởng lương cao cũng là điều đáng mừng), dẫn ngành điện để thấy mức lương cho số giáo viên nói trên là sự bất hợp lý đến tàn nhẫn. Những con số thê thảm ấy là mức lương của hàng trăm giáo viên mẫu giáo hợp đồng ở tỉnh Thanh Hóa. Lý do thật đơn giản và có thật: vì ngân sách và biên chế có hạn.

Một cô giáo - nhân vật quan trọng nhất trong việc thực hiện “quốc sách hàng đầu” là đào tạo nên những con người cho tương lai của đất nước - mà lương không bằng 1/10 lương một thợ điện thì đó là điều đáng phải “báo động đỏ” cho toàn xã hội, đáng làm cho tất cả chúng ta đau xé lòng chứ không chỉ một thủ trưởng nào.

Với một cô giáo lương tháng vài trăm ngàn đồng (khoảng 500.000 đồng/tháng chưa bằng bát phở bò Kobe 750.000 đồng ở Hà Nội), với một điều kiện học hành tất nhiên là cũng “thê thảm” tương tự, thì cho dù có tình yêu với nghề giáo đến mấy, sản phẩm của họ - những thanh thiếu niên vào đời - khó có thể đòi hỏi chất lượng. Mặt khác, sự đối xử không công bằng giữa giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng cũng là gương xấu nhãn tiền.

Vấn đề là lấy tiền đâu để nâng cao các điều kiện hoạt động cho ngành giáo dục (tiền lương chỉ là một khía cạnh)? Đây là vấn đề lớn và cũng “nóng” như tình hình giao thông hiện nay, thậm chí còn quan trọng hơn, Quốc hội và Chính phủ rất đáng phải tập trung tháo gỡ ở tầm vĩ mô (phân bổ vốn đầu tư, phân phối thu nhập...).

Riêng việc tăng lương cho giáo viên hợp đồng thì phải tìm mọi cách giải quyết khẩn cấp như xóa một “điểm đen”, như cứu trợ một vùng đang bị đói. Xin thử nêu một số giải pháp như sau:

- Cách tiện lợi nhất, nhanh nhất là trích từ ngân sách dự phòng của Nhà nước như lâu nay Chính phủ vẫn cấp gạo, tiền cho các địa phương thiếu đói hoặc bị thiên tai.

- Nếu ngân sách dự phòng đã cạn, cần huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước...

Thật ra Nhà nước cũng còn nhiều “nguồn khác”, ví như kiên quyết dừng toàn bộ kế hoạch mua sắm nâng cấp xe con, phương tiện, công sở của tất cả các cấp các ngành sẽ có thừa tiền “cứu đói” cho số giáo viên hợp đồng, hoặc sửa đổi chính sách tăng lương đồng đều năm 2012 theo cách tính công bằng hơn cũng sẽ dôi ra một khoản tiền lớn...

TRUNG SƠN (Tuổi Trẻ)

 Chia sẻ:         
So sánh mà buồn
30/11/2011 20:14:00
Tiếng thì oai nhưng thực tế đời sống giáo viên hiện nay quá khó khăn, nhất là đối với những giáo viên không phải ở thành phố và không có thu nhập thêm. Điều chỉnh bao lần mà lương vẫn thấp hơn công nhân, nếu bỏ phần trăm đứng lớp thì chỉ còn xếp vào hạng trên nông dân nghèo. Vợ chồng tôi biên chế 13 năm nay lương cả phụ cấp cả 2 vợ chồng là 7 triệu đồng/ tháng. Buồn. THIÊN LÝ

Thách thức
30/11/2011 11:24:19
Một thực tế không công bằng trong xã hội! Chúng ta luôn cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng trong thực tế chúng ta luôn đối xử không công bằng đối với giáo dục đây đó, so với tất cả mọi ngành nghề khác trong xã hội, từ đó làm cho xã hội nhìn vào đội ngũ giáo viên với cặp mắt ''thương hại". Lương bổng như thế làm sao đủ sống cho bản thân chưa kể nuôi con cái!

Vâng, tại sao? Ai cũng biết đó là do cơ chế tiền lương từ bao đời nay chưa phù hợp, nhưng cơ chế đó vẫn mãi được áp dụng mà không có một cái gì đó mới hơn. Đó là một thách thức và trăn trở của bao con người đang muốn giáo dục phải được thay đổi theo chiều hướng đi lên. NAM ANH

Quá khó khăn
29/11/2011 23:40:03
Với mức lương hiện nay, giáo viên lập gia đình cũng chỉ thuê nhà mãi mãi và sẽ như anh Chí Phèo ngày xưa là "không mảnh đất cắm dùi"! Hai vợ chồng tôi công tác 11 năm, lương tháng 6 triệu đồng/2 vợ chồng, với 3 con nhỏ. Chúng tôi vẫn ở nhờ nhà bà ngoại và tôi thấy sẽ chẳng bao giờ tôi mua nổi nhà riêng để ở.  TIENPY

Cô Kim
Chính vì vậy mà năm nào tôi cũng trích tiền thưởng tết của mình ra để mua quà tặng thầy cô giáo ở nông thôn. Tiền thưởng của tôi tuy không nhiều bằng cơ quan bạn, nhưng xét ra vẫn nhiều hơn ngành giáo dục, thôi thì chia sẻ gọi là mong thầy cô còn “giữ lửa” để tiếp tục dạy học. Dẫu con cháu mình không trực tiếp học những thầy cô đó, nhưng tôi cũng tri ân những người thầy đã dạy dỗ những thế hệ trẻ. Bởi không có thầy cô thì làm sao có những con người hiểu biết mà phục vụ xã hội. Xã hội luôn đi săn chất xám, mà không thèm biết chất xám từ đâu ra. Phải từ những ngày học i tờ vỡ lòng, đến những bậc cao hơn. Tất cả các ngành đều phải có nghĩa cử với ngành giáo dục. Mỗi ngành nên tìm hiểu và hỗ trợ cho một số thầy cô nghèo, đừng ngồi đợi chính phủ. Kiến nghị chính phủ thì cứ kiến nghị, nhưng mình chủ động hỗ trợ sớm ngày nào hay ngày ấy, giúp được người nào thì đỡ người ấy. Bàn tay chúng ta dù nhỏ bé, nhưng nhiều bàn tay thì cũng làm được không ít chuyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét