Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

HỌC TRONG VÔ THỨC


HỌC TRONG VÔ THỨC
HOÀNG KIM

Rất nhiều năm nay, ngành giáo dục và phụ huynh cứ lo lắng và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, bàn luận về việc học môn văn và kỹ năng sử dụng tiếng Việt của con em chúng ta. Thực tế không cần quá nhiều lý thuyết đến mức ấy, mà chỉ cần tăng thêm giờ thực hành thì lớp trẻ sẽ tiến bộ ngay thôi.

Tôi thuộc thế hệ 6X nên 12 năm học phổ thông có phân nửa là trước giải phóng và phân nửa thuộc về thời bao cấp. Nhưng giai đoạn nào cũng giống nhau ở chỗ: không nhồi nhét, không văn mẫu, không học thêm, mà thực hành nhiều. Chúng tôi có thời gian để làm báo tường, thi văn nghệ, chơi thể thao liên miên, tiếng cười luôn rộn vang sân trường. Riêng với môn Văn, có thể hiểu rộng thêm là tiếng Việt, thì chúng tôi được đọc sách, bàn luận, viết nhật ký mỗi ngày. Không ngày nào không đọc, từ truyện tranh tới truyện chữ, vừa đẹp vừa rẻ. Không hiểu sao thời bao cấp khốn khó vậy mà nhà sách vẫn tràn ngập truyện tranh sắc màu rực rỡ, tôi là con nhà nghèo nhưng chỉ cần bớt tiền ăn sáng một chút là đủ mua một quyển, không phiền tới mẹ cha. Rồi truyện chữ dù in giấy đen thui nhưng hay và rẻ, tha hồ mua, tha hồ đọc. Còn nhật ký tuổi thơ đơn giản lắm, có khi chỉ ghi lại hôm nay má mình đi chợ về mua cho mình gói bánh bèo nước cốt dừa ngon ơi là ngon, thương má quá đi thôi. Hoặc bà ngoại phơi cá khô bị con mèo ăn trộm, bà ngoại đánh vào đít nó, ha ha ha. Lớn lên một chút thì ghi chép sâu sắc hơn, lãng mạn hơn. Đó là cách luyện văn hiệu quả vô cùng.

Nhờ cái vốn chữ đó mà chúng tôi làm văn dễ ợt, chẳng khi nào thấy thầy cô than phiền. Bạn nào bị gọi là “dở văn” nghĩa là không viết được “hoa lá cành” như bạn giỏi, chứ không phải kiểu viết ngây ngô, lộn xộn, thậm chí viết bậy bạ, hoặc bí rị ý tưởng như học trò bây giờ. Muốn biết học văn cỡ nào thì thử đưa ra một bài thơ hoặc bài văn mới toanh không có trong sách giáo khoa, và cũng đừng kèm theo bài phân tích mẫu, nhiều học trò thời nay sẽ không cảm thụ được gì, đừng nói tới viết hay.

Đến thế hệ con tôi 8X, tôi “dũng cảm” không cho cháu học thêm bất cứ môn gì. Sau giờ tan học là về nhà ôm sách đọc mê mải, ngày chúa nhật tôi cũng cho cháu vào Nhà sách Sài Gòn đọc ké trong phòng đọc miễn phí, rồi khi ra về sẽ chọn một vài quyển để mua, mà không mua cũng chẳng ai phiền hà gì mình. Suốt ba tháng hè, tôi cũng cho cháu vào nhà sách, đến trưa tôi tan sở ghé đón cháu về. Phải thực lòng nói cảm ơn Nhà sách Sài Gòn những năm ấy có một không gian đọc miễn phí để những đứa trẻ được đọc nhiều, giúp phụ huynh an tâm đi làm. Khi cháu lên cấp 2, cháu có thể đọc được sách khó hơn, và lớp 10, 11 đã đọc Mạc Ngôn, Giả Bình Ao…dễ dàng. Và cháu học môn văn cũng không hề vất vả. Cháu chỉ cần gạch đầu dòng những ý cần thiết trong bài, sau đó sẽ tự diễn giải ra bằng văn của chính mình, không cần thuộc lòng văn mẫu.

Nói như vậy để thấy dù thế hệ nào đi nữa cũng có một điểm chung là nếu thực hành nhiều thì sẽ viết văn tốt, sử dụng tiếng mẹ đẻ thành thạo. Thật ra khi viết chúng ta đâu còn nhớ những kỹ thuật, ngữ pháp gì nữa. Đọc sách nhiều, viết nhật ký, viết báo tường chính là luyện kỹ năng trong vô thức. Mà luyện cái này thì phải nhiều hơn thời gian học lý thuyết. Một tiết học văn trên lớp nhưng tôi có tới 3 tiếng đồng hồ đọc sách ở nhà, rõ ràng hiệu quả hơn. Luyện mãi thì hữu chiêu sẽ biến thành vô chiêu. Chứ nếu chỉ học lý thuyết ngữ pháp mà không thực hành đọc và viết thì mãi mãi không sử dụng được.

Xin Bộ Giáo dục giảm tải sách giáo khoa và bỏ ngay văn mẫu cho các em nhờ. Và dành thời gian cho các em đọc sách. Không có người thầy nào tốt hơn sách. Nhiều tài năng không được đến lớp nhưng vẫn thành công nhờ làm bạn với sách ngay từ tuổi thơ. Hiện nay lớp trẻ rất thích công nghệ thông tin thì đã có sách điện tử phục vụ giá rất mềm, chỉ 10.000đ là mua được một cuốn. Đọc ở đâu cũng là đọc. Học văn đâu đến nỗi quá…bi kịch!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét