Lỗ hổng
miễn học phí sư phạm
23/04/2012 3:30
Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm
đã
không còn phát huy tác dụng.
Không còn thu hút người học
Từ năm 1998, theo Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ,
học sinh - sinh viên (HS-SV) ngành sư phạm (SP) được miễn học phí. Thời điểm
đó, từ một ngành đang ở trong tình trạng “chuột chạy cùng sào”, SP trở
thành lựa chọn của rất đông thí sinh dự thi.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từ 22.539 thí sinh đăng ký dự
thi năm 1998 đã tăng lên 29.725 vào năm 1999 và vọt lên 41.235 trong năm 2000.
Điểm chuẩn khối ngành SP các năm này cũng tăng mạnh, ví dụ ngành SP toán từ 20
điểm năm 1999, tăng lên 31 điểm (có nhân hệ số môn toán) vào năm 2000, 22 điểm
vào năm 2002, 24 điểm vào năm 2004...
Năm
2000, ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong 10 trường ĐH có điểm trúng tuyển cao nhất nước. Tuy nhiên, thời
gian sau này lượng thí sinh dự thi vào trường ngày càng giảm, đến năm 2010 chỉ
còn
15.127 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, nhiều ngành liên tục phải tuyển nguyện
vọng 2 với mức điểm 13, 14... Đến năm
2011 điểm trúng tuyển nhiều ngành SP ở các trường ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Bắc… đều
ở mức từ 13 - 14, bằng điểm sàn.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng
Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật
TP.HCM, cho biết: “Mỗi năm, Bộ GD-ĐT cho phép trường tuyển khoảng 400 sinh viên
đào tạo SP được miễn học phí. Tuy nhiên, số lượng SV đăng ký học
SP những năm gần đây không nhiều, chỉ gần vừa đủ chỉ tiêu được giao”. Thạc sĩ Tạ
Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH
Sư phạm TP.HCM nhận định: “Chính sách miễn học phí ban đầu thu hút rất đông thí
sinh dự thi vào ngành SP. Tuy nhiên, đến giờ gần như đã
không còn phát huy tác dụng”.
Cam kết cũng như không
Thông tư liên tịch số 66 năm 1998 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài
chính nêu rõ: “Miễn học phí cho HS-SV hệ chính quy tập trung ngành
SP khi vào học có cam kết sau khi tốt nghiệp phải phục vụ trong ngành GD-ĐT.
Các đối tượng nêu trên nếu không thực hiện cam kết sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số
tiền đã được miễn góp học phí trong thời gian học tại trường”.
Cam kết là một chuyện, bồi hoàn học phí lại là chuyện
khác. Đại diện các trường SP đều cho biết, từ khi triển khai đến nay chưa trường
hợp nào bị chế tài phải bồi hoàn học phí dù thực tế rất nhiều SV không thực hiện
đúng cam kết. Thạc sĩ Lâm cho biết: “Thời gian đầu nhiều SV không dám cam kết
phục vụ SP để được miễn học phí vì sợ ràng buộc sau khi tốt
nghiệp. Tuy nhiên, sau nhiều lứa SV ra trường, có người dù không làm việc trong ngành như cam kết ban đầu vẫn không
phải bồi hoàn học phí nên lượng SV vào trường giai đoạn sau cam kết rất đông”.
Tại Trường ĐH SP kỹ thuật TP.HCM, theo khảo sát các khóa tốt nghiệp, chỉ có khoảng
trên dưới 10% SV ra trường làm trong lĩnh vực GD-ĐT. Con số này bao gồm cả SV
được miễn và không miễn học phí.
Thạc sĩ Đức cho hay: “Thực tế vẫn có nhiều trường đào tạo
công nhân kỹ thuật ở các địa phương cần tuyển giáo viên kỹ thuật của trường.
Tuy nhiên, SV không chịu về vì không muốn làm việc tại vùng sâu vùng
xa, lương thấp và không có điều kiện học
tập lên cao. Như vậy, xét về chủ trương thì chính sách miễn học phí
cho HS-SV SP là rất cần thiết, nhưng nếu
các SV không thực hiện đúng cam kết thì sự đầu tư này thực sự lãng
phí và không công bằng đối với các SV khác”.
Bà
Trần Thị Chúc - Trưởng phòng
Công tác SV Trường ĐH Sài Gòn ý
kiến: “Thực tế có nhiều SV học xong nhưng không được phân công công việc vì Sở GD-ĐT không có nhu cầu,
SV phải tự tìm công việc, vì vậy các trường hợp này rất khó bắt SV bồi hoàn học phí”.
“Chạy”
đúng đường mới có nhiệm sở
Theo các chuyên gia, tìm việc đúng chuyên môn
không dễ là lý do quan trọng khiến ngành SP hiện nay không còn hấp dẫn SV cho
dù được miễn giảm học phí.
Năm
1998, hầu hết SV sau khi tốt nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trở về địa phương
đều được phân công trong ngành. Những năm sau này, SV tốt nghiệp trở về địa phương
rất khó được phân nhiệm sở.
Lãnh
đạo một trường ĐH có đào tạo SP chua chát: “Nhiều SV sau khi tốt nghiệp cho biết
về địa phương không được Sở phân công công việc. Muốn có được một chỗ đi dạy, cần
phải “chạy” đúng đường dây với mỗi suất khoảng 60 - 100 triệu đồng tùy theo địa
bàn. Tôi từng chứng kiến một trường hợp
xin về Bình
Phước dạy hợp đồng phải bỏ ra 25 triệu
đồng, nhưng chỉ sau một năm bị cho nghỉ việc và giờ đang phải ở nhà làm hạt điều.
Tôi thực sự xót xa trước những tình cảnh như vậy”. Vị lãnh đạo này nói thêm: “Thực
tế vẫn có nhiều địa phương thiếu giáo viên và tuyển giáo viên, nhưng khâu tuyển dụng rất bất cập. Do vậy, để chính sách miễn
học phí này thực sự hiệu quả trước hết cần phải làm tốt công tác phân công việc
làm. Đặc biệt, cần phải có thanh tra vào cuộc để kiểm soát các sở trong việc
phân công nhiệm sở nhằm tránh những bất cập trên”.
Để thay đổi tình trạng hiện nay, thạc sĩ
Tạ Quang Lâm đề nghị: “Ngoài việc miễn học phí còn phải chú trọng hơn vào chính sách đầu ra. Người học cần được phân công việc
làm phù hợp và có mức lương đủ sống được với nghề”.
Hà Ánh (Thanh Niên)
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI -
COMMENT (8)
Hoàng Vũ
Tôi là một giáo viên dạy cấp 2 được 3 năm rồi và điều tôi
nói rất chân thành là các bạn trẻ nếu đi Sư Phạm thì
nên suy nghĩ lại. Có nhiều người
giàu nhờ dạy kèm môn chính, chứ dạy môn phụ thì với lương 2.117.000đ như tôi hiện nay, tháng 5 tới có thể là
2.500.000đ thì xin lỗi 30 năm nữa không dám lập gia đình vì tôi còn
không nuôi nổi tôi nữa... Và học sinh hiện tại khác xưa rất nhiều, bệnh chỉ tiêu, thành tích trong giáo dục...Nếu
có cơ hội, tôi sẽ không đi Sư Phạm nữa.
Hùng Việt
Tôi có hai người em học sư phạm ,1 là học sư phạm tin Quy
Nhơn, 1 em học cao đẳng tiểu học Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp về quê ở tỉnh Quảng
Nam nhưng trong 3 năm vẫn thi tuyển không đậu công chức, phải chờ đến lúc nhà
nước quyết định bỏ thi công chức 2 em tôi nộp đơn xét tuyển đi miền núi huyện
Tây Giang nhưng vẫn không được với lý do ko nằm trong đối tượng ưu
tiên 1, 2,3,4......... ,nhưng các
sv khác tỉnh đến nộp hồ sơ vẫn được xét tuyển. Cuối cùng 2 em tôi phải xin việc
khác trái nghành để kiếm thu nhập và trả nợ vay vốn . Tôi mong rằng nhà nước có
chủ trương mới , có hướng giải quyết mới hơn để SV SP sau khi tốt nghiệp ra trường
có chỗ dạy ổn định.
Thu Hiền
Nội dung bài báo nêu rất sát thực tế. Công tác tuyển dụng
hiện nay phó thác hết cho Sở Nội vụ, chắng có ai kiểm tra, kiểm soát việc tuyển
dụng. Phóng viên thử đóng vai đi thi thử tuyển công chức thì biết
ngay. Một số thành phần thuộc COCC biết trước đề thi, còn khi chấm thi lại được
nâng đỡ. Nhiều người tình nguyện lên vùng sâu, vùng xa dạy cũng đâu có dễ còn bị
cản bởi hỗ khẩu... Công tác tuyển dụng hiện nay rất bát nháo nhưng ít được nói đến mong quí báo xâm nhập vào lĩnh vực
này.
Lê Trí
Dũng
Cảm ơn bài báo đã nói rất trung thực.Quê tôi
ở Nghệ An nhưng hộ khẩu và sinh sống
ở tỉnh Daklak,bản thân tôi ước mơ từ bé được vào học ngành sư phạm theo sở
thích và truyền thống của gia đình. Năm 2001 tốt nghiệp Đại học Sư Phạm
tp HCM, biết bao nhiêu nhiệt huyết muốn đưa đựơc con chữ,kiến thức của mình về
Daklak phục vụ trong ngành sư phạm
nhưng xin việc rất nhiêu khê.Muốn có một chỗ dạy ổn định bạn bè tôi phải
"chạy" hết 20 triệu với thời giá lúc đó.Tôi nghĩ nếu có số vốn 20 triệu
lúc đó tôi không cần phải đi dạy học.Tôi xuống lại tp HCM làm công việc viết
lách cho đến nay.
BL
Tôi có một người quen có con học Đại học SP. học xong ra
trường nhưng không xin được việc vì "phải chạy" khoảng
trăm triệu. Thế là em đó " bẻ lái" qua học ngành khác làm lại từ đầu.
Với lý do: để trăm triệu đó có cái nghề làm phù hợp với xã hội còn hơn biết chừng nào mới "gỡ" lại vốn. Nếu
không"bóp cổ" học trò!
Thaythay56
Tôi
rất dồng tính với bài viết của quí báo.Việc SV SP ra trường đi xin việc phải bỏ ra một số tiền lớn là một sự bóc
lột ghê gớm:với đồng luong như hiện nay thì không khác nào phải dạy
không công vài năm trời.Vì vậy mà ở nhiều trường của Bình phước có cơ số giáo viên thừa 20-30 GV là khá phổ biến. GV
lên lớp với tâm trạng phải "cày" để trả nợ thì
tâm trí đâu mà dạy cho tốt được...
Đặng Thị Hiếu
Thực
trạng sinh viên sư phạm ra trường kiếm được
việc làm đúng nghề mình đã chọn là rất ít. Có trường hợp chạy 30 triệu để được dạy hợp đồng ở địa phương,
kết thức hợp đồng 3 tháng rùi bị nghỉ việc phải làm công nhân trong nhà máy bao
nhiêu năm nay. cũng có trường hợp giáo viên day hóa cấp 3 mà viết phương trình
đơn giản vẫn sai, mà vì sao họ vẫn được dạy. thực trạng này là do đâu?. hỏi làm
sao ai dám học sư phạm nổi.
Nguyễn
Văn Mới
Miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm như một
"cái bẫy" sinh viên. Sinh viên tưởng được nhiều, nhưng sự thật thì mất
nhiều. Lý do học xong rồi thì tìm việc ở đâu. Mỗi quận, huyện chỉ có một số trường
nhất đinh, số giáo viên biên chế cố định, giáo viên đến tuổi nghỉ hưu thì ít,
đâu có chỗ cho sinh viên mới ra trường...
Thật khó quá!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét